ClockThứ Năm, 30/04/2020 07:07
60 NĂM KẾT NGHĨA HÀ NỘI - HUẾ - SÀI GÒN (1960-2020):

Hợp tác toàn diện để phát triển

TTH - Cách đây gần 60 năm, ngày 8/10/1960, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Sự kiện mang biểu tượng khẳng định cho ý chí sắt đá thống nhất Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam: Hà Nội, Huế, Sài Gòn “là cây một cội, là con một nhà”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thứ 2, bên trái) trao tặng 3 tỷ đồng cho Quỹ xóa đói, giảm nghèo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Mối tình thắm thiết keo sơn ấy đã ghi vào những trang sử vẻ vang của 3 tỉnh, thành và mãi khắc sâu trong lòng đồng bào cả nước.

Nghĩa tình sắt son

Quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới, giữa Ðảng bộ, Nhân dân 3 tỉnh, thành kết nghĩa đã không ngừng nảy nở những tình cảm tốt đẹp, gắn bó keo sơn và luôn được các thế hệ trân trọng gìn giữ và phát huy.

Hà Nội, Huế, Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh hôm nay nối tiếp truyền thống quý báu, đang kề vai sát cánh, đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu hội nhập và phát triển.

Minh chứng cho điều này là thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cùng Hà Nội và Thừa Thiên Huế có một số hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác. Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, các địa phương cũng đã có những kết quả hợp tác đáng ghi nhận.

Kết quả nổi bật nhất là hằng năm, ngành Du lịch đã có những hoạt động phối hợp thu hút khách đến các địa phương, xây dựng các chương trình tham quan, kết nối các điểm đến cho khách quốc tế. Tỉnh Thừa Thiên Huế được Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tham gia xúc tiến du lịch ở nước ngoài, một số tỉnh, thành, nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, thúc đẩy công tác xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng số lượng khách, chất lượng doanh thu từ du lịch. Hoạt động xúc tiến thương mại được doanh nghiệp của 3 tỉnh, thành tích cực tham gia, đã phát triển hệ thống phân phối, đại lý tại các địa phương.

Ngành Văn hóa - Thể thao, Giáo dục - Đào tạo của các địa phương thường xuyên có các hoạt động giao lưu, nhất là liên kết trong công tác đào tạo, tập huấn giáo viên, vận động viên, huấn luyện viên. Bệnh viện Trung ương Huế đã hợp tác trao đổi chuyên môn y tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ quan y tế trên địa bàn Hà Nội trong các lĩnh vực chống nhiễm khuẩn, ghép tạng, tim mạch, nhi khoa...

Nâng cao quan hệ, hợp tác

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác giữa 3 địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành đã có những hoạt động gặp gỡ, trao đổi và đi đến thống nhất là cần tích cực trao đổi kinh nghiệm, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, bảo đảm hiệu quả, nhất là các nghị quyết của Trung ương...

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương tiếp tục thống nhất đẩy mạnh hợp tác trên các nhóm vấn đề, gồm: Quy hoạch, kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch; thương mại; văn hóa - xã hội; y tế, giáo dục, môi trường; an sinh xã hội. Mới đây, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã hỗ trợ Thừa Thiên Huế kinh phí, cây xanh với mong muốn sẽ có công viên Huế - Sài Gòn - Hà Nội tại Huế.

Những cam kết mở ra giai đoạn mới trong tiến trình giao lưu, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế và hai thành phố lớn ngày càng phát triển, để Hà Nội mãi mãi xứng đáng tầm vóc của Thủ đô nghìn năm văn hiến, trung tâm chính trị - kinh tế của đất nước; TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế mạnh và năng động; Thừa Thiên Huế là thành phố của lễ hội văn hóa - du lịch đặc sắc với những di sản văn hóa của nhân loại.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, Thừa Thiên Huế đang trên bước đường xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị chính là tiền đề cho vị thế mới của Thừa Thiên Huế trong sự hợp tác với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ba địa phương đã, đang và sẽ thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình phối hợp toàn diện để cùng nhau phát triển: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh trở thành ba trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - du lịch... lớn với những đặc trưng riêng của ba miền Bắc, Trung, Nam.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu kỳ vọng, thời gian tới, sự hợp tác giữa 3 địa phương sẽ đạt tầm cao mới, hiệu quả hơn; góp phần xây dựng sự gắn kết giữa các địa phương ngày càng bền vững. Kết nối lịch sử, những người lãnh đạo và Nhân dân của 3 tỉnh, thành tiếp tục sát cánh cùng nhau đi tiếp con đường cách mạng, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp mà Bác Hồ hằng mong ước.

Liên kết phát triển trên tất cả các lĩnh vực, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hằng năm đã hỗ trợ kinh phí cho Thừa Thiên Huế thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt. Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có những hoạt động thiết thực, đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng quê hương, giúp đỡ bà con những lúc khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.

Ngày 7/7/2017, tại TP. Huế, Báo Hà Nội Mới, Báo Thừa Thiên Huế, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức lễ kết nghĩa, tăng cường hợp tác tuyên truyền, quảng bá về mỗi địa phương; trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp thực hiện tốt các chương trình xã hội, từ thiện...

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

TIN MỚI

Return to top