ClockThứ Hai, 04/05/2020 17:05

Hợp tác xã chậm thu hoạch lúa, nông dân âu lo

TTH.VN - Hàng trăm ha lúa của nông dân ở Hương Long (TP Huế) bị “mắc kẹt” trên ruộng, có nguy cơ nảy mầm mất trắng do HTX NN Hương Long chậm thu hoạch lúa cho người dân.

“Thu hoạch đến đâu, gieo cấy đến đó”HTX chậm thu hoạch lúa, người dân bức xúcĐược mùa, nhưng ăn gạo khácKhó ở “đầu ra”

Nhiều diện tích lúa đã ngã đổ, nguy cơ hư hỏng trên đồng nhưng vẫn... chờ máy gặt

Lúa chờ máy gặt

Ngày 4/5, hàng chục hộ dân là các xã viên của HTX NN Hương Long tập trung tại tuyến đường vận chuyển nông sản dưới cái nắng oi bức để “canh” máy gặt “cứu” lúa.

Gần một tuần nay, cả trăm ha lúa vẫn “kẹt lại” trên đồng, chỉ cần mưa xuống là mất trắng, nhưng nông dân không có cách gì gặt lúa từ đồng mang về nhà. Tại cánh đồng của HTX NN Hương Long chỉ có 3 máy gặt đang hoạt động.

Ông Hồ Văn Thuận (trú KV2, phường Hương Long) trồng 5 sào lúa với cơ cấu giống Khang Dân, HT1, ngoài những diện tích bị đổ ngã không gặt được đành vất bỏ thì còn mấy sào vẫn kẹt lại trên ruộng chờ máy gặt của HTX. Để  “thanh toán” hết số lúa còn lại, ông phải tranh thủ ban đêm khi các máy gặt rảnh rỗi mới thu hoạch được nhưng số lượng không được bao nhiêu.

Theo ông Thuận, nhiều ngày trước, 3 máy gặt của các đơn vị trong và ngoại tỉnh đến đỗ trên bờ ruộng dự kiến hợp đồng gặt lúa cho dân nhưng khi các cán bộ của HTX NN Hương Long ra đồng đòi thu tiền 1 triệu đồng/máy, các máy này đành bỏ đi. 

Thống kê của các xã viên cho thấy, trong gần 230 ha lúa toàn HTX, đến nay chỉ mới thu hoạch khoảng 50% diện tích. Số diện tích còn lại đối diện với nguy cơ mất trắng nếu trời đổ mưa, lúa ngã rạp, mọc mầm.

Tượng tự, hộ ông Phan A (trú KV2, phường Hương Long) cũng còn 3 sào lúa đổ bị “kẹt lại” trên ruộng. Ông Phan A cho rằng, trong khi giá xăng, dầu giảm nhưng đơn vị gặt lúa của HTX vẫn lấy giá bình quân 110 nghìn đồng/sào đối với lúa đứng và dưới 150 nghìn đồng/sào (tùy thỏa thuận) đối với lúa đổ ngã là quá cao. HTX thu tiền các máy gặt là không hợp lý.

“Nếu HTX không đủ máy gặt thu hoạch lúa cho dân thì cho người dân chọn các máy gặt bên ngoài, có giá thành thu hoạch rẻ hơn, chứ tại sao lại “ngăn cản” không cho máy gặt bên ngoài xuống ruộng thu hoạch lúa của dân? Nếu cả trăm ha lúa còn lại không thu hoạch kịp, gặp trời mưa thì nông dân thiệt hại ai chịu trách nhiệm?”, ông A bức xúc.  

Gặt chậm do… thời tiết

Nhiều xã viên HTX Hương Long bức xúc trước tình trạng “cát cứ” địa bàn thu hoạch lúa và thu tiền các máy gặt từ bên ngoài vào tham gia thu hoạch tại ruộng của HTX NN Hương Long, khiến cả trăm ha lúa của nông dân vẫn còn trên đồng chưa thu hoạch, nguy cơ trễ mùa vụ.

Mang lúa lên bờ đê "trình bày" với cán bộ HTX

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Hoa, Trưởng ban kiểm soát HTX NN Hương Long thừa nhận đến thời điểm hiện tại tiến độ thu hoạch lúa trên địa bàn chậm khiến người dân bức xúc bởi theo dự kiến đến ngày 5/5 phải kết thúc thu hoạch lúa đông xuân. Nguyên nhân là do ảnh hưởng những trận  mưa lớn vừa qua khiến diện tích lúa đổ ngã nhiều làm chậm quá trình thu hoạch và những ngày qua gặp thời thời tiết bất lợi.

“Từ năm 2016 trở đi, HTX không hợp đồng thu hoạch lúa cho người dân mỗi khi đến vụ do trước đó người dân không đồng tình. Chúng tôi chỉ tiến hành vận động, kêu gọi các chủ máy gặt có nhu cầu thì đăng ký với HTX để thu hoạch lúa cho dân. Thực tế HTX đã kết nối được 8 máy gặt để thu hoạch nhưng hiện tại chỉ có 5 máy đang hoạt động. Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch được khoảng 150ha/223 ha toàn HTX. Số còn lại dự kiến trong vài ngày nữa xong”.  

Lý giải về việc thu tiền các chủ máy gặt ông Thái Văn Dinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Hương Long cho rằng, việc thu tiền máy gặt 1 triệu đồng (đối với máy ngoài địa phương) và 500 nghìn đồng (đối với máy tại địa phương) là căn cứ trên biên bản họp của HĐQT, ban kiểm soát của HTX và phiên họp với các chủ máy gặt trên địa bàn. Phần thu phí này để dùng làm chi phí các khoản tu sửa kênh mương đất, bờ vùng, bờ thửa sau mỗi vụ lúa.

“Phần thu tiền không dựa trên quy định nào, chỉ dựa trên nghị quyết, điều lệ và có sự thống nhất trong HĐQT, ban kiểm soát của HTX và các chủ máy gặt”, ông Nguyễn Đăng Hoa cho biết  thêm.

Đối với những diện tích lúa còn lại, HTX NN Hương Long cam kết sẽ huy động thêm máy gặt và hoàn thành toàn bộ diện tích thu hoạch lúa đông xuân cho người dân trước ngày 7/5.

Thu tiền không tu bổ kênh mương?

Nhiều xã viên HTX NN Hương Long cho rằng số tiền thu từ 500-1000.000 đồng/máy gặt HTX không dùng vào việc tu bổ kênh mương, bờ vùng bờ thửa như đã cam kết giữa các bên. Thực tế sau khi người dân thu hoạch lúa xong, các kênh mương hư hỏng đều do người dân tự bỏ công đào đắp lại. Giải thích về việc này, ông Nguyễn Đăng Hoa, Trưởng ban kiểm soát HTX NN Hương Long cho rằng kinh phí này một phần được trích “bồi dưỡng” cho các xã viên khi tiến hành khắc phục kênh mương, bờ vùng, bờ thửa.

Thừa Thiên Huế Online sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc!

Nếu không gặt trong những ngày tới, nhiều diện tích lúa ở Hương Long nguy cơ mất trắng

Bài, ảnh: Hà Nguyên- Lê Thọ

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã

Ngày 20/3, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ 1/1/2024) và Luật Hợp tác xã (có hiệu lực từ 1/7/2024).

Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã
7 khách sạn tiên phong hành động giảm rác thải nhựa

Trong khuôn khổ thoả thuận của Dự án (DA): “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” nhằm “Thực hành giảm nhựa trong ngành du lịch", góp phần đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa vào năm 2024, ngày 28/2, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa (RTN) của 7 đơn vị trong hoạt động kinh doanh khách sạn trên địa bàn TP. Huế, gồm Villa Huế, Azerai La Résidence Huế, Melia Vinpearl Huế, ÊMM Huế, Mường Thanh Huế, Alba Spa Huế và Thanh Lịch.

7 khách sạn tiên phong hành động giảm rác thải nhựa
Return to top