Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống

25/04/2013 - 14:09

Hú vía

TTH - S thức dậy từ rất sớm bởi cả đêm bồn chồn, lo lắng không sao ngủ được. Ngày mai là ngày lần thứ hai S phải ra tòa.

Thông thường, sau khi kết thúc những phiên xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, bị cáo có kháng cáo, xin cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt… Nhưng đối với vụ án “của mình”, nghe tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử phạt S 12 tháng cải tạo không giam giữ, bồi thường cho bị hại 1 triệu đồng, khấu trừ thu nhập của bị cáo mỗi tháng 75.000 đồng để sung công quỹ Nhà nước, S thở phào. “Được” như vậy là tốt lắm rồi, cứ nghĩ phải ngồi tù. Hú vía! Mừng chẳng được bao lâu thì S lại phải thấp thỏm, khi nhận được thông báo, người bị hại kháng cáo bản án, đòi tăng hình phạt…vì cho rằng bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ, đê hèn và phạm tội đến cùng. Những ngày chờ đợi phán quyết của hội đồng xét xử phúc thẩm cứ kéo dài lê thê, khiến không ít lần S thở vắn than dài. Ân hận. Giá như…

Minh họa: Hương Trà

S làm công việc giữ xe đạp trong khu vực trước cổng chợ. Sáng hôm đó, anh D đến đậu xe mô tô bên lối ra vào cổng chợ cá. S đi đến nói với anh D đưa xe mô tô đi nơi khác để không gây cản trở xe đi vào chợ. Anh D không đưa xe của mình đi mà cho rằng S giữ xe không đúng quy định. Hai bên cãi vã, rượt đuổi nhau. Lúc anh D bị S đuổi theo vào trong chợ, khi đến một sạp bán thịt, D chụp cục đá mài và cây dao bán thịt của chủ sạp. Nhưng khi anh D vừa chạm tay vào cây dao thì S giành được, vung lên chém D 3 nhát gây thương tích.

May cho cả nạn nhân và kẻ gây án, những nhát chém của S chỉ trúng vào lòng bàn tay và cẳng tay. Giám định pháp y kết luận thương tích của anh D là “đa vết thương phần mềm nông vùng cẳng- bàn tay trái không gây ảnh hưởng chức năng. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe 1%”.

Điều 104 BLHS, khoản 1 quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử nhận định: Hành vi phạm tội của S là nguy hiểm, vì đã sử dụng dao là hung khí nguy hiểm gây tổn hại sức khỏe cho người khác, cần xử phạt nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa. Tuy nhiên, người bị hại có hành vi chụp đá và dao nhằm đánh lại, do đó không có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ, đê hèn và phạm tội đến cùng. Mức hình phạt 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “cố ý gây thương tích” mà cấp sơ thẩm đã quyết định đối với bị cáo là đúng mức…, nên không chấp nhận kháng cáo của người bị hại, y án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND phường giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt.

Vi phạm pháp luật hình sự, kết cục không phải ai cũng “may mắn” như trường hợp của S. Bởi vậy, trong cuộc sống đời thường, bất kỳ ai cũng phải biết kiềm chế, tránh giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi hung hăng, vi phạm pháp luật, bởi hậu quả sẽ rất lớn.

Phạm Thùy Chi

Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP