ClockChủ Nhật, 10/12/2017 12:41

Huế chiều

TTH - Chả có bạn gái nào, mấy năm sinh viên Huế tôi không có bạn gái. Nhưng lại chơi với một gã hâm. Hắn nghiện chiều, hắn là thằng đầu têu lôi tôi và vài người nữa đi thưởng những buổi chiều Huế.

Có một Huế chiều trong tâm thức Huế. Trong tôi nữa.

Đấy là một chiều vàng loang, nắng mưng mưng nửa thấp thỏm nửa tự tại, mấy đứa sinh viên chúng tôi đổ bộ lên Thiên An. Đến giờ tôi vẫn còn giữ nguyên cái cảm giác thiên thần lúc ấy. Đẹp quá. Chiều mỏng như tơ, lũ sinh viên văn khoa mơ mộng, bụng lép kẹp, vẫn sợ quá giờ ăn về ký túc xá thì sẽ hết cơm, nhưng vẫn nấn ná để tận hưởng hết cái cảm giác chiều đang giăng màn trước mặt. Sậm dần, những lá thông bết gió chùng chình như không muốn làm kinh động cái thảm lá thông chúng tôi đang ngồi, nên cứ dùng dằng dang dở. Cũng là lá thông, thông nằm dưới đất thành thảm thì im lặng đến nhẫn nại, thông đang rơi lại xốn xang như bài hoan ca vừa dứt. Hình như có hai đứa rụt rè im lặng nắm tay nhau, kín đáo lắm, như vô tình đụng rồi tần ngần lưu lại. Biết nhưng lơ, dù thấy tim mình tự nhiên đập to khác thường…

Chiều sông Hương lại khác.

Sậm soạng, vẫn là cái vàng đặc trưng của nắng Huế, lúc chiều đang phai, những sợi nắng quấn quýt vào mấy ngọn cỏ vươn xuôi xuống bờ sông. Mà sông thì chả muốn trôi, cứ vân vi những sợi rong đuôi chó khiến màu cứ quánh lên nửa vàng nửa nâu nửa bao dung nửa lại buồn như chiều tháng 7. A hình như nó là tím?

Tôi từng gắn với những chiều Huế ấy.

Chả có bạn gái nào, mấy năm sinh viên Huế tôi không có bạn gái. Nhưng lại chơi với một gã hâm. Hắn nghiện chiều, hắn là thằng đầu têu lôi tôi và vài người nữa đi thưởng những buổi chiều Huế. Ngoài sự truyền tình yêu buổi chiều cho chúng tôi, hắn còn một “vũ khí” nữa để khiến chúng tôi tuần vài lần theo hắn lang thang chiều, ấy là… bánh rán. Bánh rán cửa hàng Nam Sông Hương trước cửa bưu điện thành phố là thứ mà hắn luôn thủ để dụ chúng tôi. Tức là chúng tôi vừa yêu chiều vừa yêu… bánh rán. Sau này hắn trở thành một nhà báo, chuyên viết những vấn đề chính trị xã hội, chả biết trong những tin bài đặc sít thông tin ấy, có còn khoảng hở nào cho những chiều sinh viên Huế?

Nhưng lại có một gã lớp địa, cận ngơ cận ngác, cận vêu cận vao, yêu một cô gái lớp văn, là lớp tôi. Cô này lãng mạn thì thôi rồi, ngơ ngẩn cũng thôi rồi. Mặt lúc nào cũng một màu lãng đãng, mắt lúc nào cũng như mắt nữ thần Hê Ra, mọng nước và xa vắng. Một hôm chàng thập thò cửa phòng ký túc xá, nàng tụt xuống, hai người đắm đuối nhìn nhau, rồi chàng khoát tay, cánh tay vung một vệt cầu vồng, rồi đứng sững lại, phía ấy, mặt trời đang hắt những tia cuối cùng để tạm biệt một ngày mệt mỏi, chàng bảo với nàng, rất to nên cả phòng nghe được: Trăng lên em ơi, chúng mình đi ngắm trăng đi. Cả phòng nữ cười lệch miệng nhưng nàng ngơ ngác: vâng trăng đẹp quá anh ạ. Đi thôi… Hôm ấy mùng một âm lịch, chợ Huế bán đầy hoa thọ…

Còn một chiều nữa ám ảnh tôi, chiều Hoàng Thành.

Khi ấy tôi đã trở thành cựu sinh viên, thành một gã Huế tha hương. Về quê, cô bạn cũ rủ vào Hoàng Thành uống cà phê, quán cà phê rất đẹp, “Tứ phương vô sự”, nhân viên đẹp, cái gì cũng đẹp, trừ… tôi. Là vì tôi đang lạc vào một tôi khác, một tôi của một chiều nào đấy, ngồi ở cà phê Chiều mà tiếc những chiều đã thản nhiên trôi. Nhạc Trịnh da diết mộng mị bởi Khánh Ly, Huế như tan trong mắt cô sinh viên bàn đối diện. Phía bên kia, bức tường rêu phong như chứng nhân những vương triều hoang phế. Đã từng uy nghi, đã từng lộng lẫy, từng áo tía lầu son, từng là ước mơ từng là viễn vọng… giờ rêu và cỏ ngự trên bờ thành gạch nhác trông như tranh tường thế kỷ 18 ở một phương nào đấy, có thể là không có thực. Câu thơ vụt trong đầu “Ta hoá bão bên em chiều mưa ấy/ rêu hoàng thành xám ở phía em ngồi”…

Tôi có thêm một Huế chiều trong hành trình… nhớ Huế.

VĂN CÔNG HÙNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top