ClockChủ Nhật, 17/09/2017 07:42

Huế chưa có show diễn nghệ thuật đặc trưng

TTH - Các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn có sức hấp dẫn đối với du khách, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Trong khi đó, du lịch Huế xác định văn hóa – di sản là sản phẩm cốt lõi, ưu thế gần như tuyệt đối.

Để tổ chức và duy trì các chương trình biểu diễn nghệ thuật cần có sự quan tâm hơn

Không “khoe” làm sao khách biết

Cách đây không lâu, cứ chiều cuối tuần, hầu hết các công viên trên địa bàn TP. Huế đều có những chương trình biểu diễn nghệ thuật cộng đồng; trong đó, có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Một thời gian biểu diễn ca Huế, Nhã nhạc tại Nghinh Lương Đình, hoạt động phải dừng lại vì các nghệ sĩ bỏ công đi biểu diễn, nhưng đến cả kinh phí hỗ trợ xăng xe cũng không có. Lâu dần, các nghệ sĩ chán nản, bỏ công sức nhưng sự công nhận hầu như không có. Có chăng đó chỉ là những tràng vỗ tay tán dương của công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.

Huế có hai nhà hát chuyên biểu diễn nghệ thuật truyền thống: Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế. Ngoài nhiệm vụ tổ chức các chương trình nghệ thuật theo yêu cầu, chức năng quan trọng không kém của hai nhà hát là gìn giữ, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống như ca Huế, tuồng Huế đến với công chúng và du khách. Nhưng cũng khó trách vì sau một thời gian đi biểu diễn miễn phí, kinh phí duy trì là không có.

Định hướng phát triển của du lịch Huế là văn hóa – di sản; trong đó, nghệ thuật truyền thống của Huế chính là thế mạnh nổi bật và duy nhất. Nhưng với cách làm như hiện nay thì du khách khi đến Huế khó có thể thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Không thưởng thức du khách sẽ không biết được văn hóa của Huế có những gì đặc trưng.

Muốn bán một mặt hàng thì phải trưng bày lên quầy, muốn khách mua nhiều thì phải để khách thử qua. Có phần khập khiễng khi so sánh nghệ thuật truyền thống như một mặt hàng nào đó, nhưng nghệ thuật truyền thống muốn du khách biết thì phải “khoe”, mời chào khách xem bằng những chương trình cụ thể. Ở Hà Nội, cứ đều đặn mỗi đêm có những suất diễn miễn phí tại Văn Miếu; hay Hội An, nửa tháng lại tổ chức biểu diễn hát Bội ở phố cổ. Ở những nơi này, các chương trình nghệ thuật truyền thống như thế được “bao cấp” hoàn toàn.

Không phủ nhận ca Huế trên sông Hương là sản phẩm hút khách du lịch khi đến Huế. Nhưng việc khiến cho các nhà quản lý đau đầu là khi ca Huế đã thị trường hóa sẽ bị lệch chuẩn. Nhà thơ Võ Quê không ít lần lo lắng: “Ca Huế biểu diễn trên sông Hương hiện nay không còn là ca Huế, các nghệ sĩ, diễn viên chủ yếu hò lý, hò giã gạo, hát chầu văn mà thôi”.

Nhưng ít ra, ca Huế trên sông Hương cũng được xem là những “show” diễn nghệ thuật để giới thiệu đến du khách. Có còn hơn không. Còn việc truyền tải nghệ thuật đến với du khách như thế nào thì công tác kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên.

Chương trình áo dài show của Công ty VKstar diễn ra hàng đêm và đang thu hút khách. Theo các nghệ sĩ gạo cội ở Huế, chương trình đang đưa nghệ thuật truyền thống của Huế đến gần hơn với khách. Nhưng đây không thể xem là một show nghệ thuật đặc trưng, đậm chất Huế vì nó đã được cách tân hơn, không còn nguyên xi như một chương trình diễn xướng cung đình xưa. Điều này khó có thể trách doanh nghiệp. Họ kinh doanh thì phải có sự cách tân để thu hút khách. Quan trọng là cách tân mà vẫn giữ được những phần cốt lõi.

Đừng bỏ qua thế mạnh

Gần hai năm về trước, du lịch Huế tự tin giới thiệu không gian văn hóa Lục Bộ, một không gian được đánh giá đậm chất Huế để phục vụ du khách. Nhưng rồi, thời gian gần đây, Lục Bộ không hút được khách, chính xác hơn là “ế ẩm”. Ông Đặng Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình Triều Nguyễn thừa nhận, Lục Bộ đang gặp khó, chủ yếu đón khách đoàn vào các ngày cuối tuần, nên công ty đang lên một phương án thay thế, không còn tập trung ở Lục Bộ nữa mà chuyển vào Phủ Nội vụ, bên trong Đại Nội. Lý do là gì? Ông Thạnh cho biết, theo quy định trong nội thành không được cho xe lớn vào, chỉ có xe 16 chỗ, nên khó đưa được khách nước ngoài vào Lục Bộ.

Huế đã xác định dòng khách chính và các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi nhánh Huế cho rằng, mỗi dòng khách sẽ có một nhu cầu riêng. Với khách dòng khách Nhật Bản, châu Âu họ thích những gì thực chất nhất. Như các chương trình nghệ thuật, họ muốn xem những chương trình đúng như trong lịch sử, kể cả không gian. Họ xem không phải để giải trí như các dòng khách khác mà thông qua đó tìm hiểu về văn hóa của điểm đến. Như show áo dài của VKstar được khách Hàn Quốc yêu thích, nhưng lại kén khách Nhật và Tây Âu, Bắc Mỹ.

Văn hóa – di sản, thế mạnh của Huế đã được xác định. Với những gì Huế đã có và đang làm thì rõ ràng vẫn chưa khai thác tốt lợi thế, nhất văn hóa nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng. Đã đến lúc ngành văn hóa, ngành du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngồi lại, tìm ra những giải pháp để tăng cường biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Làm thật sự và có kế hoạch lâu dài, chứ không thể mang tính phong trào, “đến hẹn lại lên”, rồi sau một thời gian đi vào bế tắc. Đừng cho rằng khi biểu diễn không ai xem mà không làm. Nghệ thuật truyền thống luôn kén người xem, nhưng không biểu diễn thì làm sao quảng bá. Thử đặt ra câu hỏi vì sao ca Huế thính phòng vẫn hoạt động sau 4 năm mà không nhận hỗ trợ nào từ Nhà nước. Trong khi đó, những đơn vị khác có điều kiện hơn mà lại không tổ chức được.

Nghệ sĩ cũng phải sống, các chương trình biểu diễn miễn phí ở công viên, điểm du lịch thì cũng cần có hỗ trợ, ít ra cũng có tiền xăng xe, tiền mua mỹ phẩm, tiền may áo dài. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu từng chia sẻ, nghệ sĩ sợ nhất khi biểu diễn không có ai xem. Những lúc như thế cần sự sẻ chia và quan tâm hơn từ phía Nhà nước để duy trì biểu diễn.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch, Sở Du lịch cho biết, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống luôn có trong định hướng phát triển ngành du lịch. Nhưng với thực tế hiện nay khó tổ chức được, nhất là sự nhìn nhận tầm quan trọng về các chương trình này chưa được đúng mức. Cần có sự quan tâm hơn trong thời gian đến.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top