ClockThứ Hai, 15/12/2014 07:29

Huế chưa có thị trường âm nhạc

TTH -  Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, khẳng định: "Huế không có thị trường âm nhạc. Dù chúng ta có một số hoạt động về âm nhạc nhưng đó chỉ mang tính chất lễ hội, hội diễn, liên hoan. Hiện nay, ở Huế có một số phòng trà có biểu diễn âm nhạc. Nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cộng đồng".

Biểu diễn của Dàn nhạc Kèn – Học viện Âm nhạc Huế. Ảnh: Trang Hiền

Bạn Trần Thị Phương Liên (trú đường Lê Ngô Cát, TP Huế), chia sẻ: “Không riêng gì em, nhiều bạn bè của em đều có nhu cầu xem những chương trình ca nhạc trẻ, có nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay biểu diễn. Tuy nhiên, ở Huế khó tìm những chương trình như vậy.

 
Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình phân tích: “Có rất nhiều nguyên nhân làm cho thị trường âm nhạc của Huế trầm lắng. Quan trọng nhất là kinh phí để tổ chức các chương trình. Mời các ca sĩ nổi tiếng về biểu diễn thì chi phí rất cao, kéo theo giá vé sẽ cao. Với mức sống ở Huế, không phải ai cũng bỏ ra một phần khoản tiền lớn để đi xem. Nghịch lý là, khi tổ chức các chương trình mà chỉ có các nghệ sĩ, ca sĩ Huế biểu diễn để giảm chi phí thì khán giả lại “quay lưng”. Bên cạnh đó, phong cách sống của con người Huế thường hướng nội, vào buổi tối, họ quây quần bên gia đình, ít khi ra phố để vui chơi, thưởng thức nghệ thuật”.
Huế là một trong ít trung tâm có khả năng đào tạo các nghệ sĩ về âm nhạc. Các nghệ sĩ này góp phần thúc đẩy thị trường âm nhạc Huế phát triển và sôi động hơn. Tuy nhiên, lần lượt những nghệ sĩ có tài năng đều bỏ Huế đi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cho rằng: “Tài năng sẽ đi đôi với thu nhập mà các nghệ sĩ đó nhận được. Một nghệ sĩ tài năng biểu diễn ở Huế thu nhập sẽ như thế nào? Khán giả đến xem họ biểu diễn như thế nào? Bởi vậy, chúng ta vẫn chưa thu hút được những nghệ sĩ tài năng hoặc không giữ họ được vì đều này cũng là dễ hiểu”.
 
Gần hơn khán giả
Việc thúc đẩy để Huế có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, tức là sẽ có người biểu diễn, người thưởng thức mang tính chuyên nghiệp và thường xuyên là điều cần thiết. Nó không chỉ phản ánh đời sống nghệ thuật của người dân mà đó là thước đo thể hiện sự phát triển của xã hội. Nhiều người mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan, ban, Ngành liên quan về khâu tổ chức, cơ chế hoạt động.
“Điều quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường âm nhạc là thái độ, ý thức nghệ thuật của các nghệ sĩ trong tỉnh ta hiện nay. Họ phải có những sản phẩm chất lượng, đầu tư nhiều công sức. Khi những sản phẩm của họ đáp ứng được thị hiếu, mỹ cảm phù hợp thì dễ đến gần với công chúng. Từ đó, khán giả sẽ có cái nhìn khác, trở nên yêu mến và muốn thưởng thức chính các ca sĩ ở Huế biểu diễn. Chỉ khi đó, chi phí để xem một chương trình ca nhạc chuyên nghiệp sẽ giảm, phù hợp với mức sống của người dân. Để làm được việc này rất cần sự giúp sức của các cơ quan truyền thông, báo, đài trong tỉnh. Thông qua các kênh này, các sản phẩm âm nhạc đến với khán thính giả nhanh và đạt hiệu quả cao”, đạo diễn Ngọc Bình chia sẻ.
Cũng theo đạo diễn Ngọc Bình, thông qua các sự kiện lớn trong tỉnh như Festival Huế, cần mạnh dạn đưa các ca sĩ của Huế biểu diễn. Chương trình khai mạc của Festival được một đạo diễn nào đó dàn dựng, họ sẽ lựa chọn những ca sĩ, diễn viên dưới sự định hướng nghệ thuật của Ban tổ chức. Khi định hướng nội dung, chúng ta cũng nên định hướng thêm một vài ca sĩ ở Huế để biểu diễn. Được biểu diễn trên các sân khấu lớn sẽ giúp các ca sĩ ở Huế không chỉ nhanh trưởng thành mà công chúng biết đến cũng rất nhiều.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ thêm một giải pháp, đó là cần có một cơ chế mở, để cho các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân chuyên tổ chức sự kiện thực hiện các chương trình. Các đơn vị này sẽ tự tìm ca sĩ, nguồn tài trợ, các vấn đề liên quan để tổ chức. Tất nhiên, sẽ có sự quản lý của Nhà nước về nội dung, cơ chế thực hiện, có sự kiểm duyệt từng tiết mục. Khi thực hiện phải có sự lựa chọn của đơn vị tổ chức thật kỹ lưỡng vì rất dễ trở thành dịch vụ, chứ không phải là biểu diễn nghệ thuật nữa. Khi đã là dịch vụ thì dễ lộn xộn, làm giả, làm dối, quảng cáo, ca sĩ nổi tiếng này nhưng thực tế người khác lại biểu diễn.
Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top