ClockChủ Nhật, 12/12/2021 06:38

Huế có một “Cặp đôi hoàn hảo” như thế

TTH - “Cặp đôi hoàn hảo” là danh hiệu mà nhà phê bình nổi tiếng Đỗ Lai Thúy tặng vợ chồng Bửu Nam - Phạm Thị Anh Nga.

Ngọt, thơm bánh mứt, xôi chè HuếAi còn yêu mến làng mìnhTriển lãm “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và chủ quyền biển đảo Việt Nam”

Bìa cuốn “Nhật nguyệt dấu yêu” tác phẩm thơ của Phạm Thị Anh Nga. Ảnh: TL

Cả hai đều là tiến sĩ (Bửu Nam còn là Phó giáo sư), là giảng viên Đại học Sư phạm Huế và đều có thể gọi là chuyên gia về văn học phương Tây, tuy chàng thuộc Khoa Văn, còn nàng là Khoa Ngoại ngữ. Đã gọi là “cặp đôi” thì gọi là “chàng” với “nàng” có lẽ không thất lễ; cũng dễ gợi nhớ một thời thanh xuân.

Chàng (sinh năm 1952) nổi tiếng sớm hơn, từng hăng hái tham gia phong trào đấu tranh sinh viên Huế trước 1975, các tập thơ của chàng với bút danh Trần Hoàng Phố được nhiều tác giả tên tuổi công nhận có giọng điệu riêng, khá độc đáo. Trong tập san “Quán văn” 82 đã giới thiệu một loạt bài phê bình thơ chàng của các tác giả Văn Giá, Ý Nhi, Trần Đình Sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Hoài Anh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Cao Thị Hồng, Trần Thùy Mai, Hoàng Thụy Anh… Nhà phê bình Văn Giá nhận xét “vai trò chỉ đạo” thơ chàng là “mối quan hệ giữa thực tại và siêu hình, thực tại hướng tới siêu hình, lẫn vào siêu hình… thực tại và siêu hình trở thành nhất thể…”. Nhà phê bình Lã Nguyên (PGS. La Khắc Hòa) cho rằng: “không gian mỹ cảm được tạo ra trong thơ Trần Hoàng Phố là hiện thân của phong cách cao nhã, sang trọng…”.

“Xếp hạng” thơ chàng có thể còn có ý kiến khác, nhưng mới  đây, Bửu Nam được đặt vào một vị thế “đầu bảng” không ai giành được, ít nhất là hết năm 2024. Đó là chức Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2024. Tuy vậy, gặp tôi, chàng không tỏ ra “sung sướng” với vị thế đó mà hình như là ngược lại, khi nhắc đến những buổi giỗ long trọng khá liên tục trong Hoàng cung mà chàng phải khăn đóng áo dài vái lạy sao cho đúng lễ.

Liên quan đến vị thế này bỗng nhớ đến một danh hiệu cũng thuộc hạng nhất mà chàng được gắn từ hơn nửa thế kỷ trước, thời chàng còn là sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Người ta gọi chàng là “Grand N. vì vóc dáng vượt người… giữa một đám đông nghìn nghịt người, tôi có thể dễ dàng nhận ngay ra anh…”. Người nhắc danh hiệu này không ai khác là nàng Anh Nga. Vậy là chưa hết chuyện về chàng thì nàng đã xuất hiện. Theo tôi, hình như nàng là một người ưa đứng sau hậu trường, cống hiến thầm lặng, có thể là theo gương thân phụ nàng là thầy Phạm Kiêm Âu (1919-1994). Thầy dạy Trường Quốc học, Đồng Khánh, rồi Đại học Sư phạm Huế, được cả vạn học sinh ngưỡng mộ (trong đó có những nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thùy Mai, Quế Hương…) nhưng không nhận một danh hiệu, một sự khen thưởng nào. Năm 2014, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của thầy, một cuốn sách dày 600 trang đã tập hợp bài viết của hơn 70 tác giả trong và ngoài nước tôn vinh và nhắc lại những bài học vô giá mà thầy để lại. Có lẽ đó là phần thưởng quý giá nhất của thầy Phạm Kiêm Âu.

Nàng tuy có vẻ thầm lặng, nhưng công việc nghiên cứu khoa học và biên soạn sách giáo khoa tiếng Pháp khiến nàng phải giao tiếp rộng cả trong và ngoài nước. Và “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhóm làm phim “Lê Bá Đảng – từ Bích La đến Paris” do Đặng Nhật Minh đạo diễn, đã mời nàng tham gia dịch Pháp - Việt. Đỗ Lai Thúy gọi nàng là “trí thức hiện đại… là một nhà khoa học đáng nể. Luận án tiến sĩ của chị bảo vệ ở Pháp năm 2000 về liên văn hóa…. Nhờ đề tài này, chị đã được mời đi dự nhiều Hội thảo quốc tế”.

Tôi quen biết cặp đôi này cũng đã khá lâu, vậy mà gần đây đọc 10 tác phẩm văn xuôi của nàng được công bố trong “Quán văn” 82 (NXB Hội Nhà văn, 2021) mới biết Anh Nga viết văn xuôi hay như thế. Văn xuôi của nàng khó xếp thể loại. Nghe đâu có nhà văn đọc“Một thuở Paris” đã “băn khoăn” hỏi tác giả rằng đó là ký hay truyện. Trong văn chương, cái “khung thể loại” đã từ lâu bị phá vỡ. Tôi chỉ biết đó là một tác phẩm văn xuôi rất hay. Riêng về cốt cách Huế thì hai ký chân dung “O Theo” – người giúp việc trong gia đình và “Mạ chồng tôi” đầy ắp những chi tiết rất Huế. Bài ký chân dung về chàng (Chuyện về một người) gồm 10 tiểu mục, còn đặc sắc hơn nữa. Đã đành, vợ thì hiểu kỹ chồng, nhưng tôi đoan chắc ít người có thể viết về “nửa cuộc đời” của mình chi tiết, chân thực và cả giễu nhại, vui vẻ như nàng đã viết về chàng. Chỉ xin trích dẫn 2 chi tiết. Đó là đám cưới của họ, gia đình chọn theo ngày tốt âm lịch, không ngờ trùng ngày truyền thống của sinh viên học sinh. Thế là “đám cưới mà chú rể lại hoàn toàn quên mất cô dâu để chỉ say sưa gào đến khản cổ những câu ca hào hùng đã một thời theo anh em xuống đường tranh đấu…, thậm chí chú rể ấy còn hứng chí nắm tay một cô bạn trong phong trào để cùng bắt nhịp hát. Thế là tôi đánh liều, xin mọi người một phút im lặng, để tự giới thiệu mình chính là cô dâu của tiệc cưới này…”

Một đám cưới vô tiền khoáng hậu, có thể đã làm bạn đọc cười đến chảy nước mắt.

Bên cạnh chàng “đa văn hóa”, tôi không e ngại khi gọi nàng là một nhà văn đa giọng điệu. Sau những chuyện về chàng khiến bạn đọc “cười chảy nước mắt”, nàng rất “nghiêm chỉnh” rút ra những “bài học” mà các bạn chưa kết hôn hay gia đình đang có chút “trục trặc” nên tham khảo. Bài “Dịch giả Bửu Ý và những chuyến du hành chữ nghĩa” dài đến 15 trang lại đầy chất trí tuệ, đúng là trang viết của “nhà khoa học đáng nể”…

Chuyện “đáng nể” của “cặp đôi” này không thể quên là hai người đã bỏ nhiều - rất nhiều công sức, trí tuệ biên soạn, in ấn ba công trình khá đồ sộ về 3 người bạn thân thiết “Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu”; “Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian”; “Đinh Cường - Ra đi mới biết lòng vô tận”. Ba cuốn sách xứng đáng gọi là “Bảo tàng văn tự” về 3 nhân vật được giới trí thức cả nước kính nể. Tôi nghĩ là không quá lời nếu nói rằng: Phải có tình bạn và tình yêu cái đẹp đủ lớn mới làm được 3 công trình để đời như thế.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Return to top