ClockThứ Năm, 25/06/2015 14:01

Huế có quá nhiều bí mật để khám phá

TTH - Carol Howland, nữ nhà văn người Mỹ từng xuất bản một số sách giới thiệu về văn hóa và con người Việt Nam như “Con rồng trên mái nhà”, “Bí mật Hội An”, đang có mặt ở Huế để ấp ủ một dự án mới. Đây là lần thứ 14 bà đến Huế, nhưng với bà có vẻ như bấy nhiêu là chưa đủ để thỏa mãn về văn hóa và con người vùng đất này.

Nữ nhà văn Carol Howland

Bà Carol bắt đầu câu chuyện: Tôi đặc biệt thích Festival Nghề truyền thống Huế và đã không bỏ lỡ bất cứ hoạt động nào, tất cả đều rất tuyệt. Tôi may mắn khi gặp dịp này, đây là cơ hội tốt để tìm được nhiều tư liệu hơn về Huế. Tuy nhiên, khác với Hội An, các gian hàng của Huế chưa tập trung. Điều này gây khó khăn cho du khách tham quan và mua sắm. Tôi có một gợi ý: Các bạn có thể thành lập các khu trung tâm mua sắm vừa phải, tập trung các sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch và quan trọng nữa là cần niêm yết giá cả rõ ràng. Khách nước ngoài thích sự công khai và ổn định giá cả trên các mặt hàng. Vì như thế họ không cần trả giá và cũng không lo bị mua hớ.

Có phải bà đã có kỷ niệm đáng nhớ do bị mua hớ món hàng nào đó?

Không, không! Nữ nhà văn vui vẻ - Tôi ở Việt Nam nhiều và biết rõ thói quen bán hàng của người dân. Tôi đã quá quen với việc trả giá. Tôi biết cách để trả giá nếu món hàng bị đẩy giá lên quá cao, hoặc là sẽ không mua. Nhiều du khách nước ngoài có ít kinh nghiệm về điều đó. Họ lúng túng và kết quả họ chọn giải pháp “an toàn” là không mua gì cả. Điều này có thể khiến các bạn bỏ lỡ những nguồn thu. Thực tế, không chỉ riêng tôi mà hầu hết những người phương Tây đều thích những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Có lẽ do chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa nên rất khó để tìm được những sản phẩm như thế.

Nghe nói bà đang dành nhiều thời gian để xem các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Duyệt Thị Đường. Điều gì ở đó khiến bà ấn tượng?

Trong một lần xem tuồng ở Hà Nội, người quản lý ở đó đã nói cho tôi biết rằng chính Cố đô Huế là nơi đã phát triển tuồng đến đỉnh cao. Các bạn thật xứng đáng để tự hào về điều đó. Nhưng tôi thấy Huế vẫn chưa có nhiều cách hay để đưa tuồng đến được với nhiều người. Điều này khiến các bạn mất đi nhiều nguồn thu từ vốn văn hóa giàu có mà mình đang có.

Ở Bắc Kinh - Trung Quốc, người ta tổ chức các chương trình nhạc truyền thống hằng đêm kết hợp phục vụ dạ tiệc. Tôi có quan điểm là nếu đến Bắc Kinh mà chưa xem được những đêm nhạc truyền thống thì coi như chuyến đi đó chưa thành công. Vì vậy, dù phải trả tiền rất nhiều để có được một tấm vé để xem, tôi cũng không tiếc. Với những gì mình đang có, các bạn không cần phải nghĩ cách này hay cách khác để phát triển tuồng hơn nữa. Cái cần nhất là quảng bá và giới thiệu cho nhiều người biết hơn, hiểu hơn và có ý thức bảo tồn tuồng tốt hơn. Các bạn vẫn có thể làm được việc Bắc Kinh đang làm. Nâng tầm những giá trị văn hóa ấy lên để với du khách, nếu Huế mà chưa xem được những chương trình ấy thì coi như đó là chuyến đi dang dở.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang bắt đầu tổ chức những dạ tiệc kết hợp như thế. Bà đã có cơ hội trải nghiệm?

Thực sự có điều đó sao? Nhà văn Carol Howland ngạc nhiên. - Là một du khách, tôi không biết thông tin này. Tại sao các bạn không bán vé và quảng bá rộng rãi hơn để bất cứ khách du lịch nào cũng có thể tham gia?

Tôi biết có nhiều người Việt Nam không thích tuồng vì nó không phải là nhạc hiện đại. Nhưng đây là nghệ thuật truyền thống rất đặc biệt, từ âm nhạc, nhạc công, người hát, cách hát cho đến những lớp văn hóa ẩn chứa trong đó… Sự đặc biệt ấy là lý do tại sao người ta phải trả rất nhiều tiền để có thể xem được những chương trình nghệ thuật truyền thống.

Là người có nhu cầu thưởng thức thực sự, bà thấy nghệ thuật truyền thống của Huế cần điều gì để phục vụ du khách tốt hơn?

Chưa bao giờ tôi được xem một vở tuồng đầy đủ ở Đại Nội, mà chỉ là những trích đoạn ngắn. Chỉ xem một trích đoạn thì không phải ai cũng có thể hiểu được nội dung. Vậy nên, điều chúng tôi cần là được giới thiệu thêm những điểm nhấn về nội dung trích đoạn thông qua những tờ gấp thông tin. Bằng cách này, chúng tôi có thể quyết định dễ dàng hơn việc xem hay không xem, đồng thời cũng chủ động đón nhận được thông tin tốt hơn và hiểu sâu hơn về thông điệp của các vở diễn.

Với bà, người Huế như thế nào?

Tôi đã đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng thật khó để có thể diễn tả sự khác biệt giữa người Huế và người ở những vùng khác. Với tôi, người Huế rất tử tế và tốt bụng. Những người bạn của tôi đến Huế từ những nơi khác cũng phải ngạc nhiên vì sự tử tế ấy. Thêm nữa - nhà văn Carol Howland băn khoăn – không biết có đúng không, nhưng tôi thấy người Huế có vẻ rất tĩnh lặng và phần lớn ăn nói nhỏ nhẹ hơn so với nhiều vùng khác.

Mưa là một trong thứ mà Huế “rất giàu”. Bà có thấy điều đó thú vị?

Năm 1997, tôi đến Việt Nam lần đầu tiên từ Hà Nội. Tháng 7 và tháng 8 Hà Nội bắt đầu rả rích những cơn mưa đầu mùa. Không thích điều đó, tôi đã chọn Huế để trốn chạy những cơn mưa. Nhưng, tháng 9, mưa. Tháng 10, mưa. Tháng 11 cũng mưa. Đi đâu tôi cũng gặp mưa. Khi mưa to, những con đường ở Huế ngập nước. Rồi nước ở các sông, hồ cũng không ngừng dâng lên. Lúc ấy, tôi đã nghĩ một chiếc thuyền có giá bao nhiêu nhỉ? Nhưng sau khi cân nhắc giữa việc mua một chiếc thuyền và việc ra khỏi Huế, tôi đã chọn cách rời đi vì giá vé rẻ hơn - Bà Carol Howland cười lớn khi kể về ấn tượng đầu tiên của mình về mưa Huế.

Bà thấy thế nào khi Huế đang có ý tưởng khai thác mưa để phát triển du lịch?

Tôi không có đủ thời gian để ngồi ở góc quán cà phê lãng mạn nào đó để ngắm mưa Huế. Nhưng tôi ủng hộ các bạn. Tôi nghĩ các bạn có thể đặt tên cho những dự án ấy là “Bí mật của Huế”. Các bạn có quá nhiều bí mật mà chúng tôi muốn được khám phá.

Liệu những bí mật mà bà đã khám phá có thể hiện lên trên những dự án sách sắp tới của bà?

Đương nhiên rồi. Vì đó chính là lý do để tôi tiếp tục đến Huế hôm nay và chắc chắn là nhiều lần sau nữa.

Xin cảm ơn bà. Chúc những dự án của bà thành công!

Đồng Văn (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

TIN MỚI

Return to top