ClockThứ Năm, 16/12/2010 14:44

Huế đã có đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ

TTH - Những ngày cuối đông năm 2010, mơ ước của GS Huỳnh Văn Minh trở thành hiện thực. Đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ đã được thành lập tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế và khai trương. Đây là kết quả của quá trình làm việc và nghiên cứu của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế và sự hỗ trợ từ vốn khoa học sự nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế từ đề án “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển kỹ thuật chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ” do Ths.BS Hoàng Anh Tiến, cán bộ giảng dạy Bộ môn Nội, Trường đại học Y Dược Huế chủ trì, vừa được tu nghiệp ở Đức về nội dung đề tài này.

Đơn vị khai trương nhân dịp 35 năm phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Đức cùng tuần lễ Tim mạch Đức - Việt tại Trường đại học Y Dược Huế. Các chuyên gia hàng đầu ngành tim mạch Đức đã có mặt trong buổi lễ: GS. Rolf Engberding, Chủ tịch Hội Hàn lâm Khoa học Đào tạo và Phẫu thuật Tim mạch Đức- Việt (VGAC), GS. Reinhard Urban, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Mainz, đặc biệt có GS.TS. Nguyễn Sỹ Huyên, Đại học Hemsted, là người đã có nhiều đóng góp cho ngành tim mạch Huế, GS chính là người chuyển giao kỹ thuật để tiến hành thành lập đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ cho bệnh viện trường. Theo GS.TS. Nguyễn Sỹ Huyên, đây là đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ được thành lập đầu tiên tại miền Trung.

Theo Ths.BS Hoàng Anh Tiến, Hội chứng ngưng thở khi ngủ là hội chứng còn mới ở Việt Nam, do vậy việc chẩn đoán và điều trị hội chứng này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, với tần suất mắc hội chứng ngưng thở ngày càng cao ở Việt Nam, biến chứng nặng nề nhất của hội chứng này là đột tử do ngưng thở khi ngủ vào ban đêm nên vấn đề chẩn đoán và điều trị hội chứng này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Do vậy, việc thành lập đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ có vai trò chiến lược trong khống chế bệnh tật, cải thiện cuộc sống của nhân dân. 

Bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế.
Khi nào thì bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ? Tôi hỏi Ths.BS Hoàng Anh Tiến.
- Khi phát hiện các dấu hiệu sau: Mệt mỏi trong ngày, hay buồn ngủ ban ngày, hoặc sáng ngủ dậy cảm thấy nhức đầu, thiếu ngủ; ngủ ngáy to, không đều, hay ngưng thở; tăng huyết áp không rõ nguyên nhân; rối loạn nhịp, đặc biệt là bloc xoang nhĩ và nhĩ thất không rõ nguyên nhân có kèm triệu chứng trên; giảm sút tình dục hoặc giảm sút thể lực đi kèm với dấu hiệu trầm cảm; hay ngạt thở trong khi thức; trẻ em mập, có rối loạn hô hấp (hội chứng Pickwick), chậm lớn, không thích vận động; các bệnh lý đi kèm: tăng huyết áp, tăng áp động mạch phổi, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, béo phì.
Với trang thiết bị máy móc hiện đại và tiên tiến, có phòng theo dõi cùng lúc nhiều bệnh nhân cùng các máy thở điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, đơn vị đang phấn đấu sẽ điều trị được tất cả các rối loạn giấc ngủ liên quan đến yếu tố cơ học hay yếu tố thần kinh, mở rộng khả năng chẩn đoán và điều trị chuyên sâu. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng trang bị những máy theo dõi hội chứng ngưng thở tại nhà rất tiện dụng và hiệu quả trong sàng lọc hội chứng ngưng thở trong cộng đồng.
GS.TS. Nguyễn Sỹ Huyên đánh giá cao sự hình thành đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. Ông cho biết, những nghiên cứu gần đây thấy rõ bệnh nhân có dạng rối loạn hô hấp, hay còn gọi là hội chứng ngưng thở tắc nghẽn trong lúc ngủ được coi là yếu tố nguy cơ độc lập chưa được khám nghiệm đầy đủ ở Việt Nam, thường bỏ sót, vì vậy những cơ chế bệnh lý sẽ không được phát hiện rõ ràng để điều trị chính xác. Ví dụ: những bệnh nhân có huyết áp cao thì tần suất bệnh có hội chứng ngưng thở tắc nghẽn trong khi ngủ khoảng 45%, những bệnh nhân có huyết áp cao mà điều trị kháng thuốc thì tần suất bệnh tăng 80%. Nếu phát hiện và điều trị được thì bệnh sẽ ổn định, những nguy cơ về tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng giảm đi rõ rệt. Để ngăn chặn nguy cơ hội chứng ngưng thở tắc nghẽn trong lúc ngủ cần phải có thiết bị theo dõi hội chứng ngưng thở. Việc thành lập đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế là sự khởi đầu tốt đẹp cho việc nghiên cứu, điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ…
Đầu tư thiết bị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế là cơ hội tốt, giảm tử vong cho bệnh nhân miền Trung và cả nước bị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn trong lúc ngủ. Đây là nét đặc thù cho Trung tâm Y tế chuyên sâu miền trung. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh và ngang tầm quốc tế đơn vị nghiên cứu rối loạn giấc ngủ rất cần có sự đầu tư không những về cơ sở, trang thiết bị mà cả nhân lực của các ban ngành các cấp liên quan.
Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top