ClockChủ Nhật, 03/08/2014 05:37

Huế đằm thắm của tôi

TTH - “Em ơi, từ đây lên chùa Bảo Quốc còn xa khôn ri, tui ở Sài Gòn 26 năm, chừ chỉ nhớ đường đi ngang ni...?” – một người đã hỏi tôi điều ấy ở một điểm xa trung tâm thành phố khoảng 3-4 km. Tôi chỉ đường xong và cứ nghĩ hoài là, không biết có phải do Huế ít đổi thay, hay hồn quê vẫn còn nguyên vẹn?

Là tôi cứ tự hỏi vậy thôi chứ chắc chắn không phải do Huế đã phần nào khác trước. Không biết so với 26 năm thì sao chứ 19 năm nay, những con đường tôi qua vẫn thế, cảnh quan vẫn không có mấy thay đổi. Nếu có, cũng chỉ là đường rộng ra hơn chút. À không, nhiều chút nữa, với ít nhiều những tòa nhà cao tầng, những khu dân cư mới khá sầm uất... Nếu Huế giống TP Hồ Chí Minh, đi từ quận này đến quận khác mất hàng giờ hay chuẩn bị có nhà ga metro thì ai sẽ hỏi tôi sau 26 năm xa quê là “nhớ nga ng ni” được...?

Huế nhỏ mà giữ chân người chặt đến thế sao? Hay hồn quê thay Huế làm điều đó? Mới 19 tuổi, nên những gì tôi muốn là đất nước, hay bé hơn là thành phố nơi mình sống sẽ sầm uất hơn, năng động hơn. Còn những người đã gắn liền với mảnh đất “mưa rơi xối xả trắng trời Thừa Thiên” nửa phần đời, họ sẽ nghĩ khác...
Chuyện là sáng ấy trời nắng, phanh mạnh cho chiếc cup 78 cũ dừng lại ngang bằng xe tôi, có một bác đầu đã hai màu tóc hỏi từ đây lên chùa Bảo Quốc có xa không, rồi đưa tay ký hiệu 26 năm rồi chưa về lại. Có phải “đâm qua” bức thành không. Tôi hơi buồn cười vì cách hỏi đó, ngạc nhiên nữa. 26 năm là một khoảng thời gian khá dài, đủ để những ngóc ngách của TP Hồ Chí Minh lấn át trong tâm trí. Vậy mà.... rồi mãi cho đến khi tôi nghiệm ra Huế đâu có nhiều chỗ nào chơi, mà bác ấy cũng lớn rồi, ở đây lại nhiều chùa, tìm chùa cũng phải thì bác ấy đã đi mất. Ừ! Kể cũng đúng. Khi lớp trẻ tụi tôi tìm đến những địa điểm náo nhiệt là lúc người lớn tìm về với chốn thanh tịnh. Nơi mà ở đó, có thể nghe rõ tiếng mưa, tiếng nắng, tiếng mõ lóc cóc vọng tận đáy lòng thì còn chỗ nào thanh tịnh bằng Huế nữa đâu. Tôi biết vậy bởi sinh ra và lớn lên ở đây, ít chỗ chơi, ít được đi chơi nên thi thoảng cũng lên chùa cầu an cùng lũ bạn. Mùi hương khói cùng tiếng mõ, tiếng kinh Phật cứ dìu dịu làm lòng bình yên quá. Ừ, đó là Huế của tôi, của bác gái đã hai màu tóc, của chốn linh thiêng - thành phố của những ngôi chùa...
Huế trong tôi là thế, không phải như người xa quê lâu năm như bác gái đã nói với tôi về cái “nhớ ngang ni”, cũng chưa đủ trải nghiệm và chẳng đủ ngôn từ nên không thể hiểu hết, nói hết được. Có lẽ đó là một phần đời quan trọng. Như ngoại, ngoại già rồi, già lắm nhưng khi được về lại miền quê xưa cũ, ngoại vui tựa đứa trẻ được ba mẹ dẫn đi chơi hội. Ngoại ngồi ghế trước, thao thao bất tuyệt về biển, về căn nhà lúc trước, cây cầu nơi xe vừa chạy qua... Tôi cảm được một ký ức dài dần hiện lên rõ rệt trong tâm trí của ngoại, người con đang đau đáu hướng về quê nhà, về mảnh đất mà mình sắp đến và không biết liệu có còn được trở lại.... Quê hương của ngoại, ấu thơ của ngoại: mặn. Và cả ba nữa. Không biết lúc trẻ ba như thế nào mà giờ khi đã “trạc ngoại tứ tuần”, ba thích ở nhà sàn bằng tranh và trang mạng của ba ngập tràn thơ ấu. Tôi không có một tuổi thơ mất mát như ba nên không hiểu được. Đến khi vào đại học vẫn không hiểu bởi không phải vác 10 kg gạo trên vai đi thi như ba ngày nào mà được ăn cháo, ăn phở... Không mất ba mẹ sớm như ba thành ra ba nghĩ gì lúc đó, tôi lại càng mù tịt. Mà tôi cũng không hỏi nữa, ngại lắm. Giờ ba đang liêng biêng sau cuộc ngồi với mấy chú, lại càng không nên. Nhưng đảm bảo chua xót nhiều lắm. Thơ ấu của ba, ngoài chua xót ra là gì nhỉ? Là những ngày nghỉ học lên rừng chặt củi, lấy lá về lợp nhà, là cám heo, là bột sắn, là phần khổ nhiều của cô Ba - người chị cả hay là điều gì đó ba ấp ủ cho riêng mình...?
Ai cũng có một quê hương, một ấu thơ đủ mùi, dậy vị. Còn tôi, ngoài hình ảnh ra là cái tiếng nặng nặng mà sâu lắng của “chắc vài bữa có đi mô xa, con cũng nói hoài tiếng Huế, cho đằm thắm, mẹ nờ !”...
Hani
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top