ClockThứ Sáu, 04/01/2019 06:15

Huế - nơi khởi đầu một hành trình

TTH - Năm 2019 là tròn 110 năm Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tạm biệt Kinh đô Huế lên đường đến phương Nam tìm cách ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tìm con đường cứu nước cho dân tộc.

Xứ Huế - nơi góp phần quan trọng hình thành nhân cách Hồ Chí Minh

Lớp Trung cấp chính trị Công an tỉnh khóa 111 dâng hoa tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Internet

Cho đến năm 1911 (Tân Hợi), khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước thì nơi Người sinh sống lâu nhất, có nhiều gắn bó sâu sắc đó chính là Kinh đô Huế. Hơn 10 năm ở Huế, bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội cùng với điều kiện gia đình, bản thân... chính là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hình thành con đường cứu nước, cứu dân sau này.

Từ nhận thức

Năm 1895, khi Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình Người vào Huế lần đầu tiên, cảnh vật, con người nơi đây vẫn còn in đậm dấu ấn tang thương của sự kiện Thất thủ Kinh đô cách đó 10 năm (1885). Bên kia sông Hương, đối diện với kinh thành, Toà Khâm sứ Trung kỳ của thực dân Pháp sừng sững như một sự đối trọng với triều đình nhà Nguyễn. Trên cả nước vẫn đang diễn ra phong trào Cần Vương chống Pháp theo lời hịch của vua Hàm Nghi.

Bác Hồ đến Huế lần đầu tiên đúng vào thời điểm thực dân Pháp bắt các tùy tướng của Phan Đình Phùng đưa về Huế xử chém. Ngôi nhà ở đường Đông Ba (158 Mai Thúc Loan hiện nay), nơi gia đình Bác ở cũng gần nhà của ông hoàng Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi, linh hồn của Cần Vương; bên cạnh đó là hai trường võ quan của triều đình Huế: Trường Anh Danh và Trường Giáo Dưỡng - địa bàn này là trọng điểm của trận địa chống Pháp năm 1885. Nơi gia đình Bác sống còn gần miếu Âm Hồn, ngôi miếu thờ đồng bào và chiến sĩ trận vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô. Những năm tháng sống trong khu vực Thành nội, từ ấn tượng đầu tiên khi Người lên 5 lên 6, đến tuổi trưởng thành 18, 19, chứng kiến hình ảnh diễn ra trong ngày 23/5, nhà nhà trong khắp kinh thành đều bày biện hương án thắp hương tưởng nhớ những người chết vì vận nước đã khắc sâu trong tâm khảm của Người. Lời kể của cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Người về ngày Thất thủ Kinh đô, về các phong trào yêu nước đang diễn ra, những đau thương, mất mát cùng thế sự, thời cuộc nơi đất kinh kỳ cũng dần thấm sâu vào tâm hồn Nguyễn Sinh Cung, chuyển hóa trong nhãn quan, tư tưởng của Người.

Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, Trường Quốc Học là những ngôi trường Nguyễn Tất Thành đã theo học trên đất Huế. Ba từ "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" đã làm rung động trái tim Nguyễn Tất Thành ngay từ ngày Người bước chân vào Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Và quá trình học ở Huế đã góp phần bồi đắp cho Người về tri thức, rèn luyện kỹ năng tư duy và sự trưởng thành trong khát vọng cứu nước, cứu dân.

Từ một học sinh xứ Nghệ chỉ giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp còn hạn chế, nhờ chăm chỉ học tập, ngoài giờ học Pháp văn ở trường, Nguyễn Tất Thành còn đi học lớp chiều với thầy Ưng Dự ở đầu Ngã Giữa, về nhà tự học thêm đã trở thành một học trò giỏi tiếng Pháp và rất có tài ứng đối.

Đến hành động

Những ngày Nguyễn Tất Thành ở Huế cũng là thời kỳ diễn ra các phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông kinh Nghĩa thục, Chống thuế ở Trung Kỳ, các hoạt động chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân Đề Thám...

Trong bầu không khí chính trị sôi động đó, Nguyễn Tất Thành đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước, nổi bật là phong trào chống thuế diễn ra tại 9 tỉnh Trung Kỳ, trong đó có Thừa Thiên vào năm 1908. Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế với tư cách là người thông ngôn (phiên dịch). Với sự kiện này, Nguyễn Tất Thành đã bị thực dân Pháp chú ý theo dõi, sau đó đích thân Khâm sứ Trung Lỳ Silvain Lévecque đã có thư yêu cầu số 526 ngày 4/8/1908 gửi Hiệu trưởng Trường Quốc Học hỏi về lai lịch Nguyễn Sinh Côn (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc theo học Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba).

Hành động tham gia phong trào chống thuế của Nguyễn Tất Thành không phải là ngẫu nhiên, bột phát, mà đây là hành động có ý thức, được phát triển từ nhận thức đến hành động. Sự thất bại của phong trào chống thuế năm 1908 càng làm cho Người hiểu rõ hơn bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, sự khủng hoảng về đường lối cứu nước lúc bấy giờ. Tìm một con đường cứu nước không giống như con đường mà những nhà tiền bối cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám đang đi càng nung nấu trong tâm hồn, trí tuệ của Người, hối thúc Người lên đường đi tìm chân lý.

Khoảng giữa năm 1909, Nguyễn Tất Thành tạm biệt Huế đi vào miền Nam, kết thúc 10 năm Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước tại Huế.

Điểm qua một vài sự kiện nổi bật ở Huế đã ảnh hưởng sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hình thành tư tưởng cứu nước cứu dân và chí hướng sang phương Tây tìm con đường giải phóng dân tộc của Người. Hành trang mà Người mang theo trên hành trình huyền thoại ấy có tấm lòng ái quốc, ái dân được xây dựng và bồi đắp từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, nền tảng tri thức vững chắc với vốn tiếng Pháp và vốn hiểu biết về nền văn minh phương Tây nói chung, văn hóa Pháp nói riêng, đặc biệt là khát vọng cháy bỏng tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Hành trang ấy, Người đã được trang bị từng chút một ở quê nhà Nghệ An, nhưng có lẽ Huế với bối cảnh chính trị xã hội, văn hóa, con người, cảnh vật... đã làm đầy hành trang của Người để sẵn sàng một chuyến hành trình dài và gian khổ.

Hồng Hạnh

(Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Thừa Thiên Huế)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương tưởng niệm 123 năm ngày mất thân mẫu Bác Hồ

Đại diện sở ngành và TP. Huế đã tham dự lễ dâng hương, tưởng niệm 123 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan (1901-2024) – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng 31/1 tại Nhà bia tưởng niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan ở núi Bân (phường An Tây, TP. Huế).

Dâng hương tưởng niệm 123 năm ngày mất thân mẫu Bác Hồ
Return to top