ClockChủ Nhật, 02/12/2018 09:57

Huế & ớt

TTH - Không dễ để lý giải vì sao người Huế khoái ăn ớt và rất nhiều ớt? Và không chỉ người Huế. Tôi quê Quảng Ngãi, 8 tuổi tập kết ra Bắc, 25 tuổi vào chiến trường Nam bộ, sau giải phóng lại ở Đà Nẵng và sau đó thì Quy Nhơn. Nhưng tôi cực kỳ mê ăn ớt.

Mặn mòi cá hố ớt xanh

Hến xào ớt xúc bánh tráng. Ảnh: TL

Hồi đi xuống chiến trường Nam lộ Bốn (Mỹ Tho) năm 1972, đi xuyên Đồng Tháp Mười mất đúng một tháng rưỡi, tôi lại bị sốt rét cách nhật. Cứ đều đặn một ngày “nghỉ sốt” thì một ngày sốt. Rất mệt và rất bất tiện khi phải hành quân. Nhưng tôi đã tự chữa bệnh sốt cách nhật này của mình chỉ bằng cách… ăn ớt. Và uống rượu. Rượu đế. Khỏi bệnh luôn. Xem ra, ớt quan trọng với con người hơn là chúng ta tưởng.

Tháng 6/1975, tôi và Ngô Thế Oanh từ Sài Gòn lang thang qua các tỉnh miền Trung rồi ra… Huế. Ngày mới đi chiến trường, tôi từng ước ao trong lòng, là khi nào hòa bình, sẽ được ra Bắc bằng đường số Một. Đi từ Sài Gòn, và ghé Huế. Hai bài hát “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” của Hoàng Vân và sau này của Trịnh Công Sơn đã khiến tôi ao ước mình được thăm Huế trước khi ra Hà Nội. Đúng là cầu được ước thấy. Tôi với Ngô Thế Oanh và Trần Vũ Mai từ Đà Nẵng đi xe đò ra Huế, nơi một người bạn thân của chúng tôi là nhà văn Nguyễn Văn Đồng đang ở. Anh Đồng cùng lớp ở đại học với tôi, cùng lớp viết văn do Hội Nhà văn mở ở Quảng Bá với Trần Vũ Mai và Ngô Thế Oanh. Khi Oanh và Mai đi chiến trường khu Năm, tôi đi Nam Bộ, thì anh Đồng đi chiến trường Trị Thiên - nơi được coi là gian khổ nhất.

Anh Đồng đã bám trụ 5 năm ở chiến trường này, cho tới ngày về Huế giải phóng. Hồi mới hòa bình không có điện thoại, mà sao chúng tôi tìm ra nhau rất nhanh. Mới tới Huế là đã gặp anh Đồng, thế là anh kéo ngay chúng tôi về nhà. Nơi anh ở bên dòng sông An Cựu, hình như số nhà 65 Phan Đình Phùng. Anh ở cùng nhà văn Nguyễn Quang Hà. Vừa tới nhà anh Đồng, thì nhà thơ Trần Phá Nhạc lập tức xuất hiện. Sau vài câu nói nhỏ của anh Đồng, Nhạc lập tức lên đường thực thi nhiệm vụ đặc biệt. Còn ba chúng tôi, là khách, chả có việc gì làm, chúng tôi rủ nhau xuống sông An Cựu bơi.

Bây giờ thì ai cũng biết Huế là “kinh đô ẩm thực”, nhưng hồi đó, mới hòa bình, chúng tôi không có tiền mà cũng chưa có thói quen ngồi quán, nên chỉ thưởng thức ẩm thực Huế tại nhà anh Đồng. Anh Đồng là một chuyên gia nấu nướng bẩm sinh. Ngày đi học tôi đã biết, anh làm món gì cũng ngon, món gì nhậu cũng “bắt”. Sau khi bơi lội đã đời, chúng tôi lên nhà cũng vừa lúc anh Đồng được Quang Hà phụ giúp đã bày xong mâm bát. Trần Phá Nhạc đi thực thi “nhiệm vụ đặc biệt” cũng đã về. Cũng không đặc biệt gì, Nhạc chỉ đi mua… rượu, rượu thuốc, từ một quán rượu nổi tiếng ở Huế hồi đó, quán Thiên Tường. Đây là thứ rượu khá rẻ tiền, nhưng uống được. Chúng tôi lập tức vào mâm. Lại hào hứng nâng ly mừng ngày hội ngộ.

Tôi nhớ nhất món hến xào ớt. Hến một đặc sản của sông Hương, còn ớt là đặc sản của Huế. Nói tới món ăn Huế, đầu tiên phải nói tới ớt. Không có ớt thì không phải món ăn Huế. Hến xào ớt với hành, thực ra cũng là món dễ làm. Hành hương xắt, và ớt trái tươi băm. Đơn giản, nhưng nó ngon lạ lùng. Khi anh Trịnh Công Sơn và mấy anh em văn nghệ Huế như Bửu Ý, Lê Văn Ngăn tới nhậu cùng, họ đều ngạc nhiên nhìn chúng tôi ăn món hến xào đầy ớt. “Các anh cũng ăn được ớt ?”. Chúng tôi cười: “Không ăn ớt thì ăn gì?”. Tất cả cười sảng khoái. Người Huế giỏi ăn ớt. Còn chúng tôi, không phải dân Huế, nhưng là dân gốc…Việt cộng, nên cũng rất giỏi ăn ớt. Hồi chiến tranh, ớt không chỉ giúp chúng tôi ăn ngon lành những bữa cơm quá nghèo đạm và không tốn bạc, mà còn giúp anh em tôi chữa khỏi bệnh sốt rét rừng. Chỉ ăn ớt mà chữa khỏi sốt rét, chắc bây giờ nói vậy chả mấy ai tin.

Anh Trịnh Công Sơn thấy chúng tôi hể hả với món hến xào ớt thì rất vui. Sau này, khi mấy anh em chơi với nhau, chúng tôi và anh Sơn còn nhiều dịp ăn những món Huế nghèo nghèo mà ngon, uống rượu thuốc Thiên Tường rẻ rẻ mà say, nhưng tôi vẫn có cảm giác, món ăn ngon đặc trưng của Huế chính là món hến xào ớt.

Mấy năm nay, mỗi lần ra Huế, tôi lại có dịp ngồi với anh Nguyễn Khoa Điềm và mấy anh em ở cái quán sát bờ sông Vỹ Dạ, đối diện với Cồn Hến. Và trong “thực đơn” của chúng tôi, bao giờ cũng có món “hến xào ớt” lừng lẫy. Lừng lẫy thật, vì ruột hến xào màu xám nhạt, bên trên có màu tím của hành hương, và trên nữa là màu đỏ tưng bừng của ớt. Nhìn đĩa hến xào ớt đã thích mắt, còn ăn thì khỏi chê luôn. Ở Quảng Ngãi quê tôi có món don, cũng rất đặc biệt, nhưng don chỉ nấu nước ăn với bánh tráng nướng và ớt hiểm, còn hến thì phải xào với ớt (cũng có bánh tráng nướng để xúc), và là món nhậu cực kỳ… tốn rượu. Những ngày hòa bình đầu tiên ấy, sao mà nhớ! Chỉ với món hến xào ớt uống kèm rượu thuốc Thiên Tường, mà cả một đoạn ký ức bỗng lung linh.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top