ClockThứ Bảy, 05/10/2013 00:17

Huế sẽ không còn lụt?

TTH - Quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do lũ lụt gây ra trong mùa mưa bão là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng tránh lụt bão hiện nay. Liệu Thừa Thiên Huế có còn nỗi lo lũ lụt khi thượng nguồn các sông lớn đều đã được xây dựng hồ đập?

Nhiều hồ, đập được xây dựng

Những năm qua, Thừa Thiên Huế huy động được khá nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn các sông trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, ở thượng nguồn sông Bồ có đập thủy điện Hương Điền, thượng nguồn sông Hương có các đập thủy điện Bình Điền và thủy lợi - thủy điện Tả Trạch, thượng nguồn sông Truồi có đập thủy lợi Truồi…

Sông Hương tràn bờ trong mùa lụt - Cảnh thường diễn ra trong những năm trước đây. Ảnh: Diên Thống

Theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt, các công trình này được xây dựng một mặt bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia; mặt khác, sẽ cung cấp, điều tiết nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp để chống hạn, đẩy mặn vào mùa khô, cắt lũ vào mùa mưa, giảm ngập lụt cho vùng hạ du và tạo cảnh quan, độ ẩm ở vùng gò đồi, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Hơn nữa, những công trình này còn góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách địa phương mỗi năm gần cả trăm tỷ bạc từ tiền thuế bán điện thương phẩm. Về năng lượng, bốn nhà máy thủy điện, có tổng công suất thiết kế hơn 310 MW (A Lưới 170MW, Hương Điền 81MW, Bình Điền 44MW và Tả Trạch 18MW), hàng năm có thể cung cấp cho lưới điện quốc gia hàng tỷ kwh điện. Đó là những lợi ích cơ bản mà những hồ đập thủy lợi, thủy điện sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cả trước mắt lẫn lâu dài theo phương án lập ra lúc xây dựng.

Đến nay, các công trình trên, trừ công trình Hồ Tả Trạch, đều được thi công xong, đưa vào vận hành, khai thác và bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng công trình Tả Trạch, một công trình lớn của tỉnh, “sau gần 8 năm thi công (khởi công tháng 11/2005) gian nan, vất vả do phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp về địa chất, kết cấu công trình, thời tiết không thuận lợi và hạn hẹp về nguồn vốn, đến nay đã có thể tích nước từ từ để thử tải đập chính đến cao trình +30m trên cao trình tích nước tối đa là +45m”, ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 cho biết trong buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện vào sáng 22/8/2013. Với dung tích nước dâng bình thường là 435 triệu m3 và tối đa lúc cắt lũ là 635 triệu m3, công trình này có thể cắt lũ cho vùng hạ du từ 0,6 - 1,2m; dự kiến, sẽ hoàn thành vào tháng 8/2014, khánh thành vào tháng 1/2015 với chi phí đầu tư dự kiến 4.100 tỷ đồng, ông Lương cho biết thêm. Hy vọng, công trình Tả Trạch khi đưa vào vận hành, khai thác sẽ phát huy tác dụng theo đúng dự kiến ban đầu.

Ngoài 5 hồ chứa lớn trên, hiện trên địa bàn tỉnh còn có 50 hồ chứa lớn nhỏ khác, chưa kể công trình Thủy Yên - Thủy Cam đang được xây dựng với tổng dung tích chứa nước của hai hồ gần 19 triệu m3, tổng mức đầu tư hơn 654 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ. Vì thế, “công tác quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du được tỉnh đặc biệt quan tâm, đồng thời có cơ chế theo dõi sát sao tình hình khai thác các hồ chứa nước, tình hình mực nước, điều tiết nước phòng tránh lũ lụt, hạn mặn, nhất là trong mùa mưa bão đang đến”, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn hồ chứa nước sáng 29/8/2013.

Nỗi lo ngập lụt vẫn còn

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn hồ chứa nước vừa qua, cả nước hiện có hơn 6.600 hồ chứa các loại, trong đó có 64 hồ chứa trên 1 triệu m3 và hàng trăm hồ chứa có dung tích dưới 1 triệu m3 có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Cùng với đó, hàng trăm hồ, đập thuỷ điện trong cả nước vi phạm nghiêm trọng vấn đề an toàn các hồ chứa. Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 55 hồ chứa nước, trong đó có 6 hồ loại lớn với dung tích hàng triệu đến hàng trăm triệu m3 nước và 49 hồ loại vừa và nhỏ. Mặc dù, thời gian qua những hồ chứa nước này chưa gây ra các tổn thất nghiêm trọng ở địa phương nhưng việc cảnh giác, bảo đảm an toàn thường xuyên cho hệ thống hồ chứa và sinh mạng, tài sản của dân cư vùng hạ du là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp, các ngành và các đơn vị, cá nhân liên quan.

Tại sao đặt ra vấn đề này? Bởi lẽ nếu không lường trước tất cả mọi tình huống, khi xảy ra tình trạng mưa lớn dài ngày kết hợp với thủy triều dâng cao, tất cả các hồ cùng phải xả lũ một lúc thì tình trạng ngập lụt ở vùng hạ du là điều rất khó tránh khỏi. Mặt khác, Thừa Thiên Huế còn có một đặc điểm rất riêng là cả 4 hồ thủy lợi, thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh là A Lưới, Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch đều xả lũ về cùng một hệ thống sông duy nhất trước lúc thoát ra biển đó là sông Hương. Hơn nữa, nước của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh nay được tăng cường thêm nguồn nước của Nhà máy thủy điện A Lưới vốn trước đây chảy sang Lào, đổ về sông Mê Kông nên sẽ dồi dào hơn. Việc thực thi một cách nghiêm túc quy chế, quy trình vận hành của từng hồ và liên hồ, việc đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc và cập nhật kịp thời, chính xác diễn biến của thời tiết là một yêu cầu quan trọng khi mùa mưa, bão đang đến.

Thực tiễn quá trình vận hành hồ, đập những năm qua đã đặt ra một số vấn đề đáng lưu ý. Chẳng hạn, như năm 2010, nước xả lũ từ hồ thủy điện Bình Điền đã làm mực nước ở vùng hạ du dâng nhanh, gây ra ngập lụt. Không chỉ dân cư ở vùng hạ du lo lắng với vấn nạn ngập lụt, cư dân sống ở thượng nguồn các hồ đập cũng không kém vất vả. Ở Đaklak, mới đây, nhiều nhà cửa, công trình, hoa màu ở thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo) đã bị cuốn phăng trước dòng nước xả lũ để cứu lấy con đập Eađrăng chỉ có dung tích 1,5 triệu m3, nhỏ hơn nhiều so với dung tích các hồ chứa nước ở thượng nguồn các dòng sông trên địa bàn tỉnh ta. Đó là những chỉ báo ban đầu ở trong tỉnh và ngoài tỉnh rất cần được nghiên cứu và rút kinh nghiệm để công tác vận hành hồ, đập tốt hơn trong thời gian tới.

Xây dựng các hồ đập để phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh là cần thiết. Tuy vậy, việc vận hành khoa học các hồ đập đảm bảo an toàn sinh mạng, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong mùa mưa bão còn cấp thiết hơn.

Tuấn Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top