ClockThứ Bảy, 12/06/2010 16:05

Huế trong cái nhìn của người Hà Nội

TTH - Đó là lần thứ hai, Huy Anh cùng đoàn “Theo dấu chân thần tốc” của Báo Hà Nội mới đến Huế. Trong khi các đồng nghiệp khác đi tìm các cứ liệu sự kiện và các chứng nhân lịch sử những ngày giải phóng Huế, anh bao giờ giờ vạch ra một lộ trình khá riêng – đi tìm những điểm nhấn, những góc nhìn văn hoá như những chứng nhân khác theo cách “rất Huế” của mình.
Ngô đồng trong Đại Nội

Trong lộ trình ấy, lần này, Huy Anh lại “gõ cửa” Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Thế nhưng mối quan tâm của anh không phải là chứng nhân từ trong gạch vỡ, tường rêu hay là một quá trình nỗ lực trong trùng tu, tôn tạo di sản văn hoá như trước đây nữa mà là người thật, việc thật. 4 ngày lọ mọ ở Cố đô, Huy Anh có vẻ hài lòng với các mối quan hệ đã được kết nối. Đó là điều mà tôi nhận thấy trong cách nói từ tốn của anh. 

Thích thú với không gian của Biệt phủ Thảo Nhi trong chiều gặp gỡ trước lúc chia tay để tiếp tục “hành quân”, công việc gần như đã được để ngoài câu chuyện của chúng tôi. Thay và đó, là những cảm nhận Huế của người đến từ Hà Nội. Đằng sau cái nhỏ nhẹ, rủ rỉ của anh là cái nhìn đầy trải nghiệm của một người đã có một ký ức dày dặn về Huế (Những năm 1980, Huy Anh là người lính trẻ khi đơn vị của anh đóng quân ở Phú Bài, sau này khi đã là một nhà báo, anh vẫn thường chọn Huế cho những lần ghé lại không chỉ để tác nghiệp).
 
Huy Anh bảo, người Huế có một ứng xử khá dễ chịu khi không chọn những tác động mạnh mẽ vào quá trình xây dựng ồn ào. Ít nhất thì cũng so với tốc độ đô thị hoá quá nhanh như ở Hà Nội, nên đến Huế vẫn thấy được không gian, phong vị rất riêng. Điều mà anh hình như đã nghiền ngẫm khá kỹ là người Huế vẫn là mình trong sự hội tụ. Cũng theo Huy Anh thì bây giờ, không dễ nhận ra người từ các tỉnh bạn như những năm 1980 nữa. Đặt trong sự đối sánh, anh có một phát hiện khá dễ thương khi cho rằng, văn hóa Huế đã làm “Huế hóa” nhiều trong cách ăn, cách nói, cách nghĩ, cách làm...của người dân các miền đất khác đến Huế sống và làm việc.
 
Nhà vườn Huế
Trần Chiến - một nhà báo kỳ cựu vừa nhập đoàn từ một mũi khác trong “cánh quân” của Hà Nội Mới ở Tây Nguyên – lại mang đến một góc nhìn thú vị khác khi bảo, cũng là thành phố được tạo lập bên sông, nhưng khác với hai bên không gian gần như đã bị đóng của sông Hồng, sông Hương vẫn là khoảng đẹp tuyệt cho những tầm nhìn không bị che chắn. Anh bảo thật là thích khi đi thuyền giữa sông Hương vẫn nhìn thấy cây, thấy người, thấy xe và thấy những bức tường nâu của Kinh thành Huế…
 
Góc nhìn khác của Trần Chiến lại là sự ngạc nhiên về cách làm dịch vụ du lịch ở Huế. Chẳng hạn như khi ghé thăm vườn An Hiên, anh được mời cứ xem thoả thích, được người giữ vườn là bà con với gia chủ giới thiệu rất nhiệt tình trên tinh thần free; chẳng hạn như những cách tổ chức những chiều ca Huế miễn phí vào mỗi chiều thứ bảy tại nhà riêng nhà nghiên cứu Bửu Ý (số 9 Phạm Ngũ Lão) – nơi mà ai nếu muốn nghe đều có thể bước vào, khẽ khàng ngồi xuống để nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú, các ca sĩ ... đắm say trong từng làn điệu. Nhưng chính điều đó cũng làm Chiến không khỏi áy náy.
 
Vẻ đẹp của thiếu nữ Huế
 
Anh bảo, nếu cứ theo phương thức ấy thì không phải khách tây mà các khách ta đều sẽ ngần ngại khi không biết có vào đó để nghe ca Huế được không? Cái áy náy của Trần Chiến có lẽ phần nhiều là tiếc cho một không gian ca Huế thực thụ ít đến được với số đông, áy náy nữa là không biết nếu cứ lặng lẽ, khiêm nhường thế thì làm sao để hình thức ấy bền vững được? Điều mà tôi có thể nói về điều đó - như một sự chia sẻ - là trong những không gian như thế, sự sòng phẳng, rạch ròi sẽ được thay thế bằng những ứng xử tế nhị từ cả khách và người thưởng ngoạn. Và đó mới là điều giữ được sự dài lâu cho một hình thức văn hóa mà tất cả đều được xây dựng trên tinh thần tự nguyện.
 
Nhắc lại một bài báo viết về Huế trong nhan đề “Chầm chậm tháng tư” nhân một dịp Festival Huế, điều mà Huy Anh muốn gửi gắm nhiều nhất chính là sự gìn giữ và bảo tồn một không gian Huế, một chiều sâu Huế không thể nào trộn lẫn. Không phải là chầm chậm mà là một sự lựa chọn – tôi trở lại với cách ứng xử của Huế mà anh đã nêu lên ở phần đầu cuộc trò chuyện. Sẽ là cái nhìn chậm nếu nhìn Huế ở vùng tâm lõi xung quanh trục sông Hương – nhưng đó là một sự lựa chọn để cố gắng gìn giữ. Nhưng sẽ là một cái nhìn về một sự năng động khác hẳn khi nhìn Huế ở sự phát triển của khác đô thị mới như Đông nam Thủy An, An Cựu city, Vỹ Dạ, Hương Sơ, An Vân Dương, Đông nam Thuỷ Trường và phía tây thành phố như Thuỷ Xuân chẳng hạn…
 
Tôi không biết có phải là thế không nhưng chắc chắn là trong cuộc trò chuyện với chủ nhân của Biệt phủ Thảo Nhi – anh Trần Đài, hai nhà báo Hà Nội đã có một cái nhìn thật khác về cách làm của những ông chủ người Huế trên đất Huế hôm nay. Điều ấy đã bắt đầu từ sự quan tâm đến mảng ngói liệt nâu cũ, những chiếc chum cũ, những ca khúc rất Huế và những chùm đèn vừa đủ sáng cho một không gian trữ tình và cả một cung cách phục vụ chu đáo, nhẹ nhàng, ân cần, kịp thời và cũng rất mực dịu dàng. Nhất là khi Trần Đài bảo, nhà hàng kiểu như Biệt phủ Thảo Nhi không còn là số ít của Huế nữa…
 
Tôi nghĩ đến điều ấy trong lời hẹn trở lại Cố đô trong những chuyến xuôi Nam ngược Bắc…
 
               Hạnh Nhi
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top