ClockThứ Sáu, 27/03/2015 18:14

Huế và những dấu ấn mới

TTH - Đổi thay có thể nhận thấy là Huế bây giờ không còn xã. 100% đơn vị hành chính trực thuộc đều là phường. Từng góc phố, hàng cây, hay chỉ là con hẻm nhỏ ở các phường vùng ven của Huế, giờ đây cũng rộng mở, thênh thang hơn để hòa cùng nhịp sống hiện đại.

Vui cùng Thủy Xuân

Tiếp chúng tôi với tâm trạng phấn khởi, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (Huế) vui mừng thông báo, địa phương đang chuẩn bị các công việc cần thiết để đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đình làng Dương Xuân Hạ. Đây cũng là dịp để chính quyền và nhân dân Thủy Xuân chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quê hương, cũng như đại hội Đảng bộ phường.

Thủy Xuân có nhiều đường kiệt bê tông nhờ người dân hiến đất

Nói về những đổi thay của Thủy Xuân, ông Đồng Sỹ Toàn không quên nhắc tới những mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao, trong đó, có không ít nghề thủ công truyền thống có tiếng trong cả nước và thế giới, như đúc đồng, chạm khắc, trầm hương,… Song, điều mà chính quyền cũng như người dân nơi đây tự hào nhất vẫn là tình làng, nghĩa xóm, dù đô thị hóa nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa vùng quê. Nét đẹp đó được thể hiện rõ nhất bằng hành động qua phong trào hiến đất mở đường.

Chưa nơi nào, phong trào hiến đất mở đường phát triển mạnh và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ như Thủy Xuân. Có gia đình hiến vài trăm mét vuông đất. Trong xu thế có khá nhiều người tìm đến Thủy Xuân làm nơi an cư, thì nhu cầu về đất đai không phải nhỏ. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người dân vì lợi ích chung đã bỏ qua lợi ích của bản thân mình. Nhờ thế, nhiều con đường được mở ra, giao thương được kết nối thuận lợi.

Trang trí đường phố kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng quê hương

Thống kê của UBND phường Thủy Xuân cho thấy, trong thời gian từ 2010-2015, địa phương đã vận động người dân hiến hơn 3.250m2 đất. Quy ra được khoảng 9,7 tỷ đồng. Nhờ thế, đã bê tông hóa khá nhiều đường kiệt.

Không khó để giải thích tại sao từ phường đi sau (được công nhận lên phường từ 2010), sau 5 năm, Thủy Xuân đã vươn lên trở thành phường loại I của Huế, đứng ngang hàng với các phường trung tâm.

Đổi thay không chỉ mặt cơ học

Lấy điểm nhấn Thủy Xuân để thấy rằng, chỉ so với 5 năm trước thôi, Huế đã đổi thay rất nhiều và hẳn nhiên là theo chiều hướng tích cực. Nếu so với ngày đầu giải phóng, Huế bây giờ đã là đô thị văn minh, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống.

Đường Điện Biên Phủ vừa hoàn thành nâng cấp, kết nối các điểm tham quan di tích

Thay đổi về hạ tầng trong vài năm gần đây của TP Huế là điều rõ nhất qua việc đầu tư hàng loạt cây cầu bắc qua sông An Cựu, cùng với cầu Dã Viên, Đông Ba… đã cơ bản giải quyết được bài toán cầu yếu, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện, góp phần làm đẹp cho mỹ quan đô thị Huế.

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP Huế, giai đoạn 2010-2015 ước đạt 16.390 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Riêng năm 2014 đạt 3.313 tỷ đồng. Có thể nói, đây là giai đoạn có tính chất quyết định đối với sự đổi thay của đô thị Huế với nhiều công trình, dự án hoàn thành, như dự án cải thiện đời sống dân vạn đò, chỉnh trang hệ thống sông trong Kinh thành Huế,… Gần đây, Tập đoàn Vingroup được trao quyết định đầu tư khu đất vàng ở ngã 6 Hùng Vương-Đống Đa-Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Tổ hợp dự án trung tâm thương mại, khách sạn cao 16 tầng này khi hoàn thành sẽ thay đổi cơ bản diện mạo khu vực phía Nam TP Huế.

Điều mà du khách đến Huế có thể cảm nhận được sự đổi thay rõ nhất ở khu vực phía Nam TP Huế là quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trung tâm, như Lý Thường Kiệt, Đống Đa và mới đây nhất là Điện Biên Phủ.

Có khá nhiều ý kiến trái chiều, khi có người ủng hộ quan điểm Huế cứ giữ nguyên những con đường nhỏ vốn có như là cách để giữ Huế luôn khác biệt, song số đông lại đồng tình với cách làm của chính quyền đô thị, không thể để Huế tụt hậu. Và việc đầu tư mở rộng các con đường trung tâm đã cho thấy, quyết định của TP Huế là có lý được đông đảo người dân ủng hộ; bộ mặt của đô thị Huế dần sáng lên, nhất là sau khi đường Điện Biên Phủ hoàn thành với quyết tâm cao nhất, đã giúp sự kết nối, đi lại giữa TP Huế với các điểm tham quan di tích thuận lợi hơn rất nhiều.

Mới đây, Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) đã viện trợ không hoàn lại cho Huế 6 triệu USD thực hiện dự án quy hoạch chỉnh trang hai bờ sông Hương. Chắc chắn với sự hỗ trợ cả về tài chính và kinh nghiệm, kiến thức của đơn vị có thâm niên về công tác quy hoạch, không lâu nữa, sông Hương sẽ không chỉ là dòng sông thơ mộng đẹp nhất nhì khu vực, mà còn là điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách, là biểu tượng đẹp đáng để tự hào của người Huế.

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top