ClockThứ Ba, 28/01/2020 16:00

Huế xanh, xanh tự trong lòng

TTH - Tôi có một thói quen, mỗi khi đi tàu bay, thích ngồi ghế bên cửa sổ, là để có cái thú được ngắm nhìn vùng đất mình sắp đặt chân đến từ trên cao, lắng nghe những cảm nhận đầu tiên về một vùng đất mới. Khi tàu bay hạ độ cao, nếu là ban đêm, tôi hay bằng vào độ sáng tối, nhanh chậm của những ánh đèn. Còn ban ngày thì luôn là màu xanh, màu xanh của cây lá, ruộng vườn, sông núi...

Hướng đến kỳ Festival “xanh”Đảm bảo chất lượng Dự án phát triển đô thị xanh tại Huế

Nét bình yên trên đường Lê Lợi

Huế cũng vậy. Từ cái nhìn đầu tiên cho đến tận bây giờ, mỗi lần đáp xuống Phú Bài, kể cả khi không nhìn ra cửa sổ, tôi như vẫn thấy màu xanh của dãy Trường Sơn ngút ngàn tiếp nối với Biển Đông từ gương nước mênh mang của đầm phá Tam Giang…

Cảm nhận ấy, cũng giống khi đến với Buôn Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Tuy Hòa… những vùng đất miền Trung-Tây Nguyên mà tôi có duyên qua lại, gắn bó. Và tôi cứ vân vi, trong những đô thị mà tôi đã gửi gắm ít nhiều tình cảm ấy, nơi nào nhiều cây xanh, màu xanh hơn nơi nào. Vân vi là bởi, một lần đón tôi từ sân bay Buôn Mê Thuột, anh bạn lái xe quen mỗi khi tôi vào thành phố cao nguyên tỏ ra hào hứng khi tôi thêm một lần trầm trồ trước vẻ đẹp hàng cây cổ thụ có dễ đến trăm năm tuổi trên con đường dẫn vào sân bay: Buôn Mê chúng con là nhiều cây xanh nhất cả nước! Cũng từa tựa như vậy, một chiều Cố đô, cậu tài xích lô người làng Kim Luông thủ thỉ: “Huế con nhiều cây xanh không nơi mô bằng…”. Rồi “Tuy Hòa nhà con…”, “Đà Lạt của con…”, lời tâm tình đầy tự hào ấy của những công dân bình dị, đôi khi lam lũ nơi tôi đặt chân đến khiến tôi lần nào cũng chia sẻ, tin tưởng vào sự đoan chắc của họ về màu xanh nơi mảnh đất họ làm ăn, sinh sống.

Và cũng chính vì sẻ chia những cảm xúc dễ thương đầy tự hào nơi những con người bình ấy, tôi chẳng muốn đi đến tận cùng của sự việc bằng cách hỏi Google về cái gọi là diện tích cây xanh bình quân đầu người của Huế, Đà Lạt hay Buôn Mê Thuột… Bởi thực ra, trong suy nghĩ tôi, cái tạo nên nét xanh của một vùng đất không chỉ là, và đôi khi không hẳn đã là con số khô khan về diện tích cây xanh… mà từ trong sâu lắng những trầm tích văn hóa, con người của vùng đất đó.

Người ta thường nói màu tím là màu đặc trưng của Huế, mà tôi cũng mặc định tin theo là vậy. Nhưng không hiểu sao, ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên vào cái thời còn trai trẻ, tôi cứ đinh ninh cái tiếng “dạ” ngân rất nhẹ, như gió thoảng, lại có màu xanh, cái màu của dòng Hương in bóng cỏ cây xứ Huế. Và cũng từ cái sự mường tượng ấy, tôi giữ cho mình một cảm nhận riêng về màu xanh nơi vùng đất này. Tỷ như với cái phẩm vật có thể coi là niềm tự hào của đất Cố đô, giấy trúc chỉ. Rõ là trúc chỉ có màu vàng ngà nhưng không hiểu sao tôi cứ nghĩ nó có pha chút sắc xanh. Sắc xanh ấy ẩn hiện trên những vật phẩm mà họa sĩ Phan Hải Bằng cùng đồng nghiệp tạo tác, những tranh, những đèn, những nón… Giữa phố phường nhộn nhịp, với trúc chỉ, những bóng tre dường như đang xen vào nhịp sống hiện đại, đem lại chút bình yên của xóm quê trong tâm hồn mỗi người. Phải là người yêu Huế, yêu màu xanh của sự sống biết bao nhiêu mới làm được điều kỳ diệu đó.

Ai đến Huế mà không từng thưởng thức những loại bánh thể hiện tài khéo của những bà nội trợ đất kinh kỳ với những màu sắc, hình thù đa dạng, đẹp một cách tinh tế. Trong những chiếc bánh đủ màu ấy, cũng như trong tô cơm hến nơi xóm Cồn, cái trí tưởng tượng có phần ương bướng của tôi cứ vẫn thấy thấp thoáng màu xanh.

Thì là bởi màu xanh ẩn hiện nơi cuộc sống, con người đất Huế không chỉ là cái màu xanh trong bảng màu cơ bản, nó là thứ sắc màu lấp lánh, ẩn hiện đâu đó mà ta không thể chỉ cảm nhận bằng mắt, mà phải bằng đủ mọi giác quan, bằng cả con tim. Nó được hòa bởi sắc xanh của dòng Hương chảy từ ngã ba Tuần in bóng tháp chùa Thiên Mụ cùng sắc xanh trong buổi hoàng hôn đầm Chuồn, Tam Giang… Sắc xanh của những hàng cây ven đường Lê Lợi hòa trong sắc xanh của đại ngàn Bạch Mã. Nó thấp thoáng đâu đó trong những đồ ăn, thức đựng, trong màu áo, giọng nói dáng đi, trong nét ẩm thực đầy dân dã mà không kém phần tinh tế, sang cả, trong những nếp nhà rường hàng trăm năm tuổi. Hãy tin tôi đi, ngay cả khi chiêm ngưỡng những vàng son lộng lẫy nơi đền đài, lăng tẩm hay nghiêng mình khâm phục sự tài khéo của người nghệ nhân Phường Đúc trước Cửu Đỉnh trường tồn cùng sông núi, và cả lúc lặng ngắm sắc nâu trầm của một bình gốm Phước Tích, lắng lòng một chút, ta vẫn thấy thấp thoáng cái sắc xanh dung dị mà huyền ảo ấy.

Chợt nghĩ, nếu có một cuộc thi xếp hạng các đô thị xanh, thì Huế là một trong những ứng cử viên giành ngôi cao nhất. Là bởi người Huế tự bao đời đã sống xanh, từ trong nét ăn, nếp ở, lời ăn tiếng nói, cách hành xử. Là bởi, như tôi cảm nhận, Huế xanh, xanh tự trong lòng.

Bài: Tạ Việt Anh

Ảnh: Mộc Miên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng chạy vì một Huế xanh

Sáng 6/3, hơn 4.500 VĐV đã có mặt tại Nghênh Lương Đình (đường Lê Duẫn - TP. Huế) tham gia giải chạy vì sức khỏe cộng đồng Hue Jogging lần II-2022.

Cùng chạy vì một Huế xanh
Xanh mảnh vườn, lòng người

Có giai đoạn những mảnh vườn ven sông thưa bớt bóng cây. Đến khi người ta nhận diện được giá trị, nguồn gen được bảo tồn, Huế lại xanh từ mảnh vườn. Màu xanh ấy không chỉ ghi dấu lịch sử mà còn có cả lợi ích về kinh tế, văn hóa và du lịch.

Xanh mảnh vườn, lòng người
Huế, một niềm xanh…

Từ một năm nay, câu chuyện về một “Huế sạch và xanh” với bao nhiêu hình ảnh từ làng quê tới thành thị, nhà nhà người người chăm lo cho đường làng quê hay ngõ phố kinh kỳ xanh sạch đẹp khiến người ở nhiều miền đất khác không khỏi trầm trồ tán tụng. Một môi trường xanh là điều tuyệt vời, nhưng để khát vọng sống xanh ấy thành một ý thức mới là điều tuyệt vời hơn.

Huế, một niềm xanh…
Huế không còn... hình như

Mấy tháng nay, cả tỉnh Thừa Thiên Huế đang nổi lên một “sự nghiệp”, phải gọi đúng là sự nghiệp, bởi nó rất lớn và mới, dù bản thân nó rất... cũ và cũng bình thường thôi, ấy là tất cả mọi người, nam phụ lão ấu, mọi ngành mọi nghề... đều xắn tay dọn rác. Không ai ngoài cuộc, từ học sinh sinh viên, công an bộ đội tới các mệ các ôn, chị em tiểu thương, các bác nông dân, từ trung tâm thành phố tới các làng xã xa xôi, từ vùng biển tới vùng núi.

Huế không còn  hình như
Return to top