ClockThứ Năm, 20/07/2017 06:42

Huebike - xe ôm sinh viên

TTH.VN - Đó là câu chuyện về “Huebike” – thương hiệu còn khá mới nhưng nhận được sự hưởng ứng của nhiều cô cậu sinh viên có nhu cầu đi lại với chi phí…cực rẻ.

Nhóm nhóm “Huebike” được khởi xướng bởi chính các bạn trẻ đang theo học tại hai Trường Đại học (ĐH) Y dược và ĐH Nông lâm – ĐH Huế.

“Bác tài” sinh viên

Những ngày giữa hè, khi mà sinh viên đang có những kỳ nghĩ ở quê thì các thành viên của “Huebike” vẫn miệt mài ở lại Huế để… làm xe ôm. Theo chân “bác tài” Nguyễn Lương Bằng, sinh viên Trường ĐH Y dược – thành viên “Huebike” mới thấy sự nhiệt tình vượt lên trên mức phí bèo bọt của mỗi cuốc xe. Không ngần ngại, vừa nhận được cuộc gọi của một sinh viên có nhu cầu đi xe ôm từ nhà trọ ra bến xe để bắt xe về nhà, Bằng tức tốc kiểm tra xe không quên mang theo một chiếc mũ bảo hiểm cho khách. “Cứ hễ các bạn sinh viên gọi là mình lại lên đường. Trường hợp bận sẽ liên hệ ngay thành viên trong nhóm. Không cần biết đoạn đường ấy bao xa, chỉ cần biết hành khách là sinh viên, có nhu cầu đi lại, chúng mình sẽ phục vụ ngay”, Bằng kể. 

Thành viên “Huebike” đón khách hầu hết là sinh viên cùng trang lứa.

Không riêng gì bến xe, ga tàu mà kể cả những góc đường, ngõ hẻm nào cần các thành viên “Huebike” đều có mặt. Nhóm tâm niệm rằng, giúp những người bạn cùng trang lứa thiếu thốn phương tiện, hoặc cần di chuyển gấp đó cũng là việc đáng làm giữa bộn bề cuộc sống. Với mức giá mà nhóm đưa ra 6.000 đồng/km, trên 10km mức giá hạ xuống 4.000 đồng/km, nhiều trường hợp khó khăn nhóm thậm chí còn miễn phí. “Nếu nó về lợi nhuận thì không hề có. Số tiền thu về chỉ đủ phụ phí xăng xe và một số trường hợp sửa chữa hư hỏng. Mục tiêu của nhóm phục vụ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thật sự cần nhu cầu này”, Bằng khẳng định. 

Cũng như Bằng, “bác tài” Nguyễn Văn Thuyên, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm – thành viên “Huebike”, tranh thủ những những giờ phút rảnh rỗi để cầm lái. Thuyên kể rằng, từ ngày tham gia vào nhóm có khá nhiều kỉ niệm với vai trò… xe ôm. “Có hôm vừa chở một bạn nữ ra tới bến xe thì xe vừa chạy, vậy là mình phải bám theo, đưa khách lên xe ô tô”, Thuyên nhớ lại. Thuyên quê Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình nghèo nên hiểu được hoàn cảnh của bạn bè trang lứa về nhu cầu đi lại. Ngày vào giảng đường, tranh thủ làm thêm, Thuyên tích góp mua được xe máy và cũng đám bạn thành lập ra “Huebike” với ước mong chia sẻ cùng những sinh viên thiếu thốn phương tiện đi lại.

Chan chứa niềm vui

Dù chỉ mới thành lập nhưng nhóm đã có 5 thành viên, tương ứng với 5 chiếc xe máy luôn "online", nhận cuộc gọi từ các hành khách sinh viên. Xe máy của các thành viên chủ yếu là dòng xe như Dream, Wave để tiết kiệm xăng. 

Hành khách có nhu cầu có thể liên hệ với “Huebike” - dịch vụ xe ôm giá rẻ theo địa chỉ trang Page Facebook/HuEbike hoặc các số điện thoại 0983663849, 01636883453, 0982649822, 0989768784.

Nói về sự ra đời của “Huebike”, trưởng nhóm Phan Việt Sáng, sinh viên Trường ĐH Y dược chia sẻ xuất phát từ nhu cầu thực tế khi mà những bạn sinh viên bị gây những nhiễu ở các bến xe, ga tàu. “Mình cũng rơi vào trường hợp bị đe dọa, chở đi lòng vòng rồi đòi mức tiền trên trời, vô cùng ức chế. Từ hoàn cảnh thực tế đó, nhóm mình ra đời giúp các sinh viên có thể đi xe ôm với mức giá thấp và an toàn”, Sáng tâm sự.

Sáng nói thêm, không giống như các thành phố lớn có nhiều dịch vụ đi lại do chính sinh viên khởi xướng, riêng ở Huế các dịch vụ như vậy vô cùng hiếm hoi. Tại sao chúng ta không khởi xướng một chương trình, trước hết vì sinh viên, biết đâu sau này sẽ tiếp nối được nhu cầu đi lại của nhiều người khác? Từ câu hỏi đó, Sáng quyết tâm cùng nhóm bạn cho ra đời “Huebike”.

Nhiều trường hợp khó khăn được miễn phí đi lại

Những thông tin về nhóm từ ngày thành lập được đăng tải công khai trên mạng xã hội như số điện thoại từng thành viên, nhóm đối tượng hành khách ưu tiên là sinh viên… để mọi người yên tâm. Thường một ngày làm việc của nhóm bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc 23h. Nếu gặp trường hợp gấp gáp, nhóm cũng tình nguyện chạy không hề ngần ngại.

Bạn Nguyễn Tiến Dũng (sinh viên Trường ĐH Y dược), một hành khách thường xuyên từ ngày “Huebike” ra đời kể rằng, không những nhận được sự nhiệt tình từ các “bác tài” mà quý hơn hết tình cảm đồng trang lứa dành cho nhau. Dũng chia sẻ: “Có những lúc gấp, gọi điện là các bạn đến liền, cảm giác ngồi phía sau thật an toàn. Nhìn những giọt mồ hôi giữa trưa nắng mới hiểu được tình cảm của các bạn”.

Trân trọng với công việc như vậy, nên dù không kiếm được nhiều tiền, các thành viên của “Huebike” vẫn gắn bó và xem đây như một trải nghiệm thú vị trong những năm tháng đời sinh viên. Giờ đây, ước mong của nhóm không chỉ dừng lại ở Trường ĐH Nông lâm, ĐH Y dược mà sẽ lan rộng ra các trường trên địa bàn TP. Huế, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác với mức giá cực kỳ ưu đãi. Hiện nhóm cũng đang lên kế hoạch, xin phép trường thành lập, và đưa vào chương trình hoạt động như là một CLB tình nguyện. “Nếu giúp được gì cho nhau thì cứ giúp, biết đâu được trong hành trình dài sau này của mỗi ai trong chúng ta cũng sẽ nhận lại được chính niềm vui do mình từng tạo ra”, các thành viên “Huebike” hào hứng.

Bài, ảnh: Phan Thành

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top