ClockThứ Năm, 02/02/2012 19:08

Hương Bài gợi nhớ Tết quê…

TTH - Dạo này nghề làm hương ở quê tôi không còn nữa. Mọi nhà giờ phải đi mua hương từ các nơi về. Thôi thì đủ loại, nhưng đa phần là các loại hương có tẩm hóa chất, thắp lên nghe khăng khắc và sực mùi nước hoa đến nhức đầu. Những lúc ấy, tôi ước ao có một ngày lại được thắp lên nén hương của quê mình…

Dùng hương tẩm hóa chất - họa vào thân

Nhìn trên một bàn thờ, một người bạn chỉ cho tôi hay, anh thấy chưa, hương thắp mà tàn cuốn tròn như vậy mới là linh ứng. Tôi bảo, cũng tùy theo quan niệm từng người. Muốn hương thắp cuốn tàn như vậy thì không có gì khó, công nghệ hóa học đó thôi. Do có chút ít tìm hiểu, tôi mới biết rằng, để có được hương thắp khi cháy hết để lại tàn cuốn vòng như sừng trâu nước, người ta đã sử dụng hóa chất là axít photphoric (H3PO4) để ngâm tăm hương. Khi đốt cây hương sẽ xảy ra phản ứng cháy, tạo ra anhidrit photphoric (P2O5) làm que nhang cháy nhanh hơn, đồng thời kéo tàn nhang có hình cong tròn. P2O5 là chất hóa học độc hại đối với sức khỏe con người. Theo các nhà khoa học, nếu tiếp xúc thường xuyên với hương tẩm axit Photphoric này sẽ làm mắt ngày càng mờ đi, thị lực giảm xuống, thậm chí có thể gây mù lòa và gây nguy cơ ung thư phổi cao.

Du khách nước ngoài thăm một cơ sở sản xuất hương thắp ở Thủy Xuân- Huế

Hương thắp suy cho cùng cũng là một sản phẩm hàng hóa, bởi vậy, cũng cần có những chuẩn mực riêng. Trước hết là đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe con người và vệ sinh môi trường. Đạt được điều đó chính là giữ được nét văn hóa của sản phẩm linh thiêng này. Tôi đã nghe một ông cụ trên 90 tuổi kể rằng, ngày xưa ở quê tôi có một làng chuyên làm hương thắp để bán, không hiểu sao làm ăn ngày càng tệ, đói kém và sinh ra dịch bệnh, chết cả làng và tiệt luôn cả nghề làm hương. Lý giải hậu quả ghê gớm này, ông cụ bảo: “Làm nghề này là phải sạch sẽ, vệ sinh, phơi phông phải chỗ thanh cao. Chứ cái làng ấy mang hương ra phơi bên vệ đường, lối đi… như vậy, hương ấy đem cúng thì linh sao được, cả làng nghề chết là phải”. Có thể nguyên nhân đó là một sự suy diễn có tính dân gian, nhưng với bây giờ nó vẫn có giá trị như để đề cao đạo đức nghề nghiệp vậy.

Hương Bài

Tôi xin được trích đoạn một bài viết của tác giả Mai Ánh Nguyệt (Việt kiều ở Pháp), đăng trên VnExpress.net: “Ở bên Pháp, trong những ngày Tết này tôi thường da diết nhớ và thèm được ngửi mùi hương thơm ngày Tết: Một mùi hương ngan ngát, mênh mang rất đặc trưng trong không khí Tết Việt Nam mình. Mà chỉ đặc biệt trong dịp Tết mới thấy bán loại hương thơm đó nên mãi tôi vẫn chưa mua mang sang bên đây được. Khi về cứ lấn bấn đi chơi đây đó rồi lại quên mua.

Sản phẩm Hương Bài của Công ty Tân Nguyên (Huế) được làm từ loại rễ cây Hương Bài

Tôi cũng chưa lúc nào có được trên tay cùng một lúc cả nắm hương thơm Tết đó và cả thẻ hương trầm để có thể phân biệt khẳng định một cách chính xác, nhưng theo tôi thì hương thơm Tết không phải là loại hương trầm. Vì có lần tôi thực sự bị chinh phục trong mùi hương trầm vừa nồng nàn, ngất ngây lại vừa có vẻ thanh cao, quý phái. Song tôi vẫn nhận ra đó không phải mùi hương Tết mà tôi vẫn ưa thích.

Và trong một ngày, tự dưng thấy phảng phất một vị hương quen quen cảm thấy lòng xốn xang để phải thốt lên: “Sao mà giống ngày Tết vậy” rồi hít lấy hít để cái mùi hương chỉ riêng ngày Tết mới có.

Rễ cây hương bài dùng làm nguyên liệu sản xuất hương bài có hương thơm tự nhiên đặc biệt

Khi tôi sơ tán về làng Chợ Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, gia đình nhà chủ tôi ở có nghề tay trái là nghề làm hương thơm Tết. Do đó tôi được biết, có một hương liệu dùng để trộn làm bột hương cho hương ngày tết là rễ cây hương bài. Tôi nghĩ có thể rễ hương bài chính là thứ hương liệu tạo ra mùi hương ấn tượng nhiều người ưa thích đó. Và vì trầm hương không phải thứ hương liệu dễ kiếm”.

Tôi xa quê đã gần bốn chục năm nay. Mỗi lần về quê tôi cứ day dứt với việc thất truyền nghề làm hương bài. Hỏi ra mới hay, hương bài nguyên liệu làm từ rễ cây hương bài, loài cây mọc tự nhiên xen trong bụi cây bản địa sau đồi cát. Cứ dịp gần Tết là đi thu hái về làm hương. Lâu năm cây này cũng dần hiếm đi và kéo theo nghề làm hương mai một dần. Tôi nghĩ đây là loài cây quý cần được bảo vệ. Thế là tôi thuê người tìm kiếm cây hương bài còn sót lại trong tự nhiên và đầu tư nhân giống, tạo vùng nguyên liệu. Sau bao năm nghiên cứu, thử nghiệm, bước đầu tôi đã có một vùng nguyên liệu cây hương bài và đi vào sản xuất thử. Công ty Tân Nguyên, do đứa con trai đầu của tôi, một kỹ sư cơ điện tử trẻ làm chủ đã mạnh dạn giúp tôi thực hiện mong ước đó và bước đầu sản xuất thành công sản phẩm hương bài, đang được thị trường rất ưa chuộng. Điều đáng mừng nhất của tôi, là ước mong cây hương bài đã trở thành cây trồng kinh tế và một làng nghề sản xuất hương bài được tái hiện; để hương vị Tết làng quê Việt Nam lại tiếp tục bay đi muôn phương, đọng lại trong ký ức, tâm thức của mỗi con người vọng về cố hương.

Bài, ảnh: Tâm Hành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top