ClockThứ Hai, 05/12/2022 14:53

Hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn

TTH - Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như nâng cao giá trị các loại nông sản, nhiều mô hình rau màu, cây ăn quả theo hướng VietGAP đang được thị xã Hương Trà triển khai giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các sản phẩm chủ lực OCOP của các địa phương.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Kiểm tra mô hình hành lá an toàn tại HTXNN La Chữ, phường Hương Chữ

Từ mô hình nhỏ

Đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã và HTX Nông nghiệp La Chữ phối hợp thực hiện thí điểm mô hình trồng rau màu trên diện tích 6ha theo hướng VietGAP. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thị xã và vốn đối ứng của người dân, với tổng kinh phí trên 350 triệu đồng.

Dự án được đầu tư nhiều hạng mục, như hệ thống tưới phun tự động, nhà lưới, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo theo các quy định của tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lê Quang Trị, người dân phường Hương Chữ hồ hởi: “Mô hình này tôi thấy rất đạt. Tưới tiêu bằng phun sương nên giảm công sức cho nông dân, đồng thời, rau màu rất tươi tốt, hành lá phát triển đẹp, xanh mướt”.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hương Trà Đoàn Phước Lễ vui mừng: “Thành công lớn nhất từ mô hình là không chỉ tạo ra các sản phẩm rau màu đạt chất lượng, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho các hộ gia đình tham gia dự án về quy trình sản xuất rau màu an toàn, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, hướng đến xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm”.

Tại phường Hương Xuân, sau khi được Phòng Kinh tế thị xã phê duyệt dự án trồng ổi VietGAP, được sự hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết của các giảng viên Khoa Nông học - Trường ĐH Nông Lâm Huế, nông dân trồng ổi Hương Xuân đã tạo được sản phẩm sạch, có giá trị cạnh tranh cao. Từ vài ha ban đầu, nay vùng trồng ổi Hương Xuân đã tăng lên 35ha.

Phó Chủ tịch UBND phường Hương Xuân Lê Viết Xuân thông tin, mới đây, Hội Nông dân (HND) tỉnh và HND thị xã đã giải ngân 300 triệu đồng vốn vay ưu đãi thực hiện dự án trồng ổi VietGAP cho 10 hộ trồng để đầu tư, mở rộng mô hình sản xuất. Đồng thời, ổi Hương Xuân đã được công nhận sản phẩm VietGAP. “Địa phương đang liên kết với các cơ sở để tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cao hơn so với các cây trồng khác”, ông Xuân cho hay.

Đến đề án lớn

Phát triển nông nghiệp sạch chất lượng cao được thị xã Hương Trà xác định là 1 trong 4 chương trình trọng điểm nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, thị xã đã triển khai nhiều mô hình trồng rau màu, cây ăn quả theo hướng VietGAP vừa giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các sản phẩm chủ lực OCOP của địa phương.

Thị xã đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung một số loại rau quả, cây dược liệu, mở ra hướng phát triển mới cho người dân, như mô hình liên kết với Công ty Vật tư Nông nghiệp tỉnh, Công ty Quế Lâm sản xuất lúa chất lượng cao, đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng các loại rau và tưới bằng hệ thống van tự động cho rau màu và cây ăn quả ở Tứ Hạ, Hương Bình, Hương Vân; mô hình phát triển cây dược liệu tràm gió ở Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ; mô hình sản xuất cam, quýt, bưởi VietGAP ở Hương Bình...

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà Trần Xuân Anh thông tin, để phát triển có hiệu quả và bền vững chương trình nông nghiệp sạch, chất lượng cao của thị xã, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, cũng như thay đổi nhận thức về tập quán canh tác để mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Hương Trà cũng chọn một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương có ưu thế, như ổi ở Hương Xuân, bưởi ở Hương Bình, thanh trà ở Hương Vân, rau màu ở Hương Chữ, lạc ở Hương Văn, Hương Vân... để tập trung phát triển theo chiều sâu, gắn với sơ chế, chế biến. “Thị xã cũng hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm này để từng bước tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, chất lượng cao trên địa bàn”, ông Xuân Anh nói.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

TIN MỚI

Return to top