ClockThứ Hai, 17/08/2015 07:11

Hướng đến trung tâm đào tạo, khoa học - công nghệ uy tín

TTH - Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Đại học Huế tập trung trí tuệ và năng lực, lãnh đạo cán bộ, viên chức và người học đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Đại học Huế trong nền giáo dục đào tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Đảng bộ Đại học Huế là đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, Đảng bộ có 12 đảng bộ, chi bộ cơ sở, với 2.223 đảng viên, trong đó có 1.517 đảng viên là cán bộ, viên chức, lao động và 706 đảng viên là học viên, sinh viên.

Sinh viên trong giờ thực hành tại Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Huế
Đến tháng 5/2015, Đại học Huế có 108 ngành đào tạo cử nhân (tăng 15 ngành so với năm 2010), với tổng số sinh viên chính quy tập trung là 43.301 sinh viên (tăng hơn 11.000 so với năm 2010), 9.810 sinh viên hệ vừa làm vừa học và 22.643 sinh viên hệ đào tạo từ xa; 70 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ với 2.376 học viên; 37 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với 380 nghiên cứu sinh. Trong 5 năm qua, Đại học Huế đã đào tạo được trên 85.000 cử nhân, 5.836 thạc sĩ; 101 tiến sĩ; 2.434 bác sĩ chuyên khoa I; 682 chuyên khoa II và 346 bác sĩ nội trú.
Những thành tựu nổi bật
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Đảng bộ Đại học Huế thực hiện có kết quả, việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động lớn của ngành được tổ chức tốt… Trên cơ sở đó, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn Đại học Huế. Đại đa số đảng viên, cán bộ, viên chức và học viên, sinh viên luôn đoàn kết nhất trí, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống lành mạnh, tâm huyết với nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, gương mẫu trong công việc, góp phần quan trọng cho sự ổn định và phát triển của Đại học Huế.
Quy mô đào tạo được mở rộng hợp lý theo hướng ưu tiên phát triển hệ đào tạo chính quy, đào tạo sau đại học và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo liên kết, tiên tiến, chất lượng cao; tiếp tục triển khai phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ; tăng cường kỷ cương trong tuyển sinh, quản lý đào tạo...
 
 
Hoạt động khoa học-công nghệ được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Số lượng đề tài, dự án tăng nhanh; chất lượng, hiệu quả nhiều đề tài được nâng cao. Trong 5 năm, Đại học Huế thực hiện 2.221 đề tài, bao gồm 48 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, 105 nhiệm vụ cấp Bộ, 55 đề tài cấp tỉnh, 392 đề tài cấp Đại học Huế, 1.640 đề tài cấp cơ sở và hợp tác quốc tế. Kinh phí khoa học - công nghệ được đầu tư giai đoạn 2010-2015 hơn 125 tỷ đồng, tăng 109% so với giai đoạn 2005 - 2010. Nhiều đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử tạo ra các sản phẩm thiết thực đáp ứng nhu cầu xã hội. Trên 550 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó có hơn 200 bài được đăng ở các tạp chí có uy tín, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thứ bậc đại học cũng như tăng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư của Đại học Huế.
Quan hệ hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và phát triển, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực cán bộ, sử dụng có hiệu quả tiềm lực tài chính và cơ sở vật chất, nâng cao khả năng giao lưu, hội nhập và vị thế của Đại học Huế trong khu vực và thế giới. Trong 5 năm, Đại học Huế triển khai thành công 55 chương trình, dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế với tổng kinh phí trên 308,1 tỷ đồng; tổ chức thành công 85 hội nghị, hội thảo, tập huấn quốc tế có quy mô lớn về kiến trúc, quản lý môi trường, lịch sử, công nghệ thông tin, kinh tế, giáo dục, nông lâm, ngôn ngữ…
Công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, viên chức được đẩy mạnh; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tập trung, thống nhất công tác tổ chức cán bộ, tạo sự chủ động cho các trường thành viên, đơn vị trực thuộc phát triển bền vững. Đại học Huế đã thành lập thêm Trường đại học Luật, Trung tâm Ươm tạo và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và một số khoa, bộ môn ở các trường thành viên; tạo nên mô hình hoàn chỉnh của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp tích cực, Đại học Huế đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, viên chức đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Đến nay, Đại học Huế có 3.830 cán bộ, viên chức và lao động, với 2.113 giảng viên cơ hữu; trong đó có 12 giáo sư, 184 phó giáo sư (tăng 78 người so với năm 2010); 516 tiến sĩ (tăng 164 người so với năm 2010); 1302 thạc sĩ; 237 giảng viên chính; 56 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú. Nhiều giảng viên của Đại học Huế nhận được học vị tiến sĩ trước 30 tuổi và chức danh phó giáo sư trước 40 tuổi. Trong 5 năm, Đảng bộ kết nạp được 1.198 đảng viên mới, vượt 298 đảng viên (124%) so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.
Định hướng và chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Đại học Huế xác định phương hướng phát triển của Đại học Huế đến năm 2020 là:
“Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, nắm bắt thời cơ, chủ động sáng tạo; tiếp tục giữ vững sự ổn định và đẩy nhanh sự phát triển; tăng cường kỷ cương, đổi mới căn bản, toàn diện mọi mặt công tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng quy mô một cách hợp lý, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, trong đó ưu tiên phát triển đào tạo sau đại học, đào tạo chính quy và đào tạo theo các chương trình tiên tiến; tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đạt trình độ cao; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo bước phát triển đột phá, xây dựng Đại học Huế thành trung tâm đào tạo, khoa học - công nghệ có uy tín trong nước và khu vực, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà trước hết là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.
Để thực hiện thắng lợi phương hướng trên, Đảng ủy Đại học Huế đề ra các chỉ tiêu chủ yếu sau:
Đến năm 2020, có 112-115 ngành đào tạo đại học, 80-90 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52-55 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ; 20-30 ngành đào tạo trọng điểm, tiên tiến và đào tạo liên kết quốc tế, trong đó có từ 5 đến 10 chương trình đào tạo đồng cấp bằng; 80% cơ sở đào tạo được kiểm định chất lượng giáo dục, 40-50 chương trình đào tạo được công nhận kiểm định chất lượng cấp quốc gia, từ 5 đến 8 chương trình tham gia kiểm định chất lượng của mạng lưới đại học Đông Nam Á (AUN). Tổng số sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh quy đổi là 70.000, trong đó 70% là sinh viên chính quy; 20% học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Đến năm 2020, số lượng đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh do Đại học Huế chủ trì tăng 50% so với năm 2015. Xây dựng 10-15 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu liên kết quốc tế. Tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học-công nghệ chiếm 05-10% tổng các nguồn thu của Đại học Huế. Có ít nhất 8 đến 12 công trình/sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, 5 đến 8 sản phẩm có thương hiệu; 6 đến 9 nhóm nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến của Việt Nam và khu vực; nâng bậc xếp hạng Đại học Huế vào tốp 5 ở Việt Nam, tốp 300 các trường ở châu Á, 2000 các trường hàng đầu thế giới theo tiêu chuẩn UNESCO.
Đến năm 2020, số biên chế của Đại học Huế là 4.200 cán bộ, viên chức, trong đó 70% là giảng viên; 700 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ; 350 giáo sư, phó giáo sư, 2.000 thạc sĩ; trong số viên chức giảng dạy có 60% là giáo sư, phó giáo sư và giảng viên chính; 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong chuyên môn, giao tiếp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; 70% viên chức quản lý thông thạo nghiệp vụ quản lý và tin học.
Đến năm 2020, các trung tâm, viện nghiên cứu, nhà xuất bản và ít nhất 4 trường thành viên tự chủ về tài chính. Hoàn thành cơ bản các công trình trong kế hoạch tại các trường đại học, đơn vị trực thuộc và khu vực Trường Bia với tổng diện tích xây dựng là 34.576 m2.
Hàng năm có 50% tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; 15% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 83% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ phấn đấu kết nạp 1.200 đảng viên mới, trong đó 60-70% là sinh viên, học viên.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, mặc dù còn không ít khó khăn và thách thức, nhưng với truyền thống tốt đẹp vốn có, với ý chí quyết tâm và sức mạnh mới, chắc chắn Đại học Huế sẽ “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường hội nhập quốc tế, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng Đại học Huế trở thành trung tâm đào tạo, khoa học-công nghệ có uy tín trong nước và khu vực”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS.TS. NGUYỄN XUÂN KHOÁT - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đại học Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top