ClockThứ Bảy, 17/08/2019 18:32

Hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản, văn hóa

TTH.VN - Chiều 17/8, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội.

Kỷ niệm trọng thể 30 năm ngày tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng NhấtĐột phá hơn nữa trong phát triểnTrưởng thành vượt bậc về quy mô, tầm vóc, diện mạo

Dự làm việc với đoàn có UVTW Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng đại diện lãnh đạo chủ nhiệm các Ủy ban, Ban, Viện của Quốc hội. Về phía tỉnh có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Cần nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt

Báo cáo đến đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đô thị Thừa Thiên Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch có thương hiệu quốc gia và khu vực.

Kinh tế tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009- 2019) 7,2%/năm; quy mô kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2009. Công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Triển khai thực hiện tốt chương trình nông thôn mới, đã có 44 xã cán đích nông thôn mới.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phan Thành

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được. Do tỉnh có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao. Để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, tỉnh cần có cơ chế để trở thành “Đô thị di sản- Thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di sản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà Cố đô Huế đang vinh dự bảo tồn và phát huy.

Về đề xuất với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện nay đánh giá đô thị loại I được xác định theo các tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là khó khả thi đối với một đơn vị mang tính đặc thù của quốc gia về di sản như tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, kính đề nghị Quốc hội có cơ chế, chính sách đặc biệt để công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản- thành phố trực thuộc Trung ương.

Để đảm bảo nguồn lực kịp thời thực hiện và giải ngân dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, đề nghị Quốc hội chỉ đạo bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019- 2020, bố trí 1.500 tỷ đồng trong năm 2019 và năm 2020 từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế.  

Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế; áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP thực hiện dự án đầu tư mở rộng sân bay Phú Bài; nghiên cứu và xây dựng ban hành cơ chế đặc thù quy hoạch và phát triển đầm phá Tam Giang- Cầu Hai thành Công viên đầm phá Quốc gia…

Quốc hội luôn ủng hộ tối đa cho Huế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng trước những thay đổi và phát triển của Thừa Thiên Huế. Khẳng định hướng đi của tỉnh là xây dựng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” là hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của Thừa Thiên Huế và chủ trương của Đảng. Đề nghị tỉnh sớm tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 48, đăng ký chương trình làm việc với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế. Nếu định hướng này được làm trong năm nay thì đây là định hướng lớn cho tỉnh xây dựng nghị quyết đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Trong đó, việc TP. Huế được công nhận “Thành phố Văn hóa Asean”, “Thành phố bền vững môi trường Asean”, năm 2016 được công nhận là “Thành phố Xanh quốc gia” và Đô thị Huế được công nhận là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”... đã khẳng định được điều này. “Đặc biệt phong trào bảo vệ môi trường của tỉnh được cả nước đánh giá cao. Phong trào Ngày Chủ nhật xanh, nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng 1 lần được Nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện đều đặn, được Thủ tướng gửi thư khen là điểm sáng để cả nước học tập”- Chủ tịch Quốc hội khen ngợi.

Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ tỉnh đề ra trong thời gian tới, đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; thực hiện tốt phương châm xây dựng Đảng là then chốt; coi trọng công tác Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Nhân dân; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chương trình chống lãng phí và tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi người dân trong diện di dời khu vực Thượng thành- Eo bầu. Ảnh: Phan Thành

Tỉnh tiếp tục phát huy 4 lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Tỉnh cũng nên có đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát chương trình xanh và bền vững. Phát huy tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổng hợp để đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo theo thẩm quyền. Về xây dựng đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc Trung ương, cần có quy định hướng dẫn cho Thừa Thiên Huế, tỉnh sớm làm hồ sơ chuyển Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Cơ bản nhất trí chủ trương mở rộng ranh giới TP. Huế, đề nghị tỉnh sớm có đề án trình Chính phủ. Riêng dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa cho Huế và sẽ thực hiện bằng các cơ chế chính sách đặc thù. Đồng thời, sẽ chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực trùng tu hằng năm nhằm tôn tạo, tu bổ các hạng mục theo thứ tự ưu tiên.

Clip Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hăm hỏi người dân trong diện di dời 

Bài, ảnh, clip: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top