Thế giới

Hướng đi mới đầy tiềm năng

ClockThứ Năm, 26/11/2015 18:11
TTH - Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 tại Malaysia sáng 22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, đánh dấu thành tựu to lớn của quá trình hình thành và phát triển ASEAN trong gần nửa thế kỷ qua.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur và Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025. Ảnh: AFP

Việc tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN không chỉ đạt được mục tiêu xây dựng lợi ích, nhận thức và tầm nhìn chung của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết để bắt kịp cơ hội và ứng phó với thách thức trong khu vực, mà còn là sự khởi đầu của một tiến trình hội nhập mới, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho 10 quốc gia ASEAN với hơn 600 triệu dân.

Nâng cao vị thế ASEAN

Theo nội dung Tuyên bố, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời vào ngày 31/12/2015 dựa trên 3 trụ cột chính là Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC).

Phát biểu sau lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: “Các cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng đang ngày càng trở thành những diễn đàn tin cậy cho đối thoại hợp tác về những vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác phát triển không chỉ của khu vực ASEAN mà cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn rất đa dạng, phức tạp, với sự can dự ngày càng tăng của hầu hết các nước lớn, với những lợi ích đan xen, thậm chí đối nghịch nhau”.

Cùng quan điểm trên, tờ Lao Động dẫn lời ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao Việt Nam) nhận định, khi hình thành mặt bằng chung, sự đồng thuận cao, ASEAN có vị thế tốt hơn để ứng xử với nước lớn. Trong quan hệ quốc tế, đặc biệt ở châu Á - Thái Bình Dương, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc giữ vai trò quan trọng, can dự của họ vào khu vực đôi khi không theo ý muốn của ASEAN, dẫn tới va chạm, mâu thuẫn về lợi ích. Việc hình thành cộng đồng an ninh sẽ mở ra công cụ mới về thiết chế, thể chế để lôi kéo lãnh đạo các nước lớn cùng giải quyết bất đồng, tránh nguy cơ chiến tranh hay sử dụng vũ lực.

Cơ hội – thách thức đối với Việt Nam

Khi tham gia Cộng đồng ASEAN, nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội to lớn. Thứ nhất, Việt Nam có thị trường rộng lớn hơn. ASEAN có tổng GDP trên 2,7 nghìn tỷ USD, tăng trưởng trung bình 5%-6%/năm. Dân số trên 600 triệu người, với cơ cấu dân số tương đối trẻ và thu nhập bình quân đầu người trên 4.500 USD/người/năm. Thứ hai là cơ hội mở rộng xuất khẩu. Khi gia nhập AEC, thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Thứ ba là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Khi AEC được thành lập, thuế suất trong ASEAN giảm xuống mức 0%, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành các mặt hàng xuất khẩu, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh. Thứ tư là cơ hội thu hút nguồn đầu tư. Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn như Singapore, Indonesia...

Ngoài ra, lao động Việt Nam cũng nắm vững những lợi thế nhất định. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có nguồn lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Chất lượng lao động cũng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nguồn lao động nước ta cũng có những hạn chế không nhỏ. Do cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á trong bảng xếp hạng của WB. Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Như vậy, khi gia nhập AEC, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn, giúp tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác. Mặt khác, sự cạnh tranh gay gắt hơn đối với sản phẩm, thị trường và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho nước ta.      

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ UEF, Straitstimes & Asiaone)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Return to top