ClockThứ Sáu, 19/02/2016 14:38

Hướng đi nào cho kiến trúc đô thị Huế

TTH - Từ lâu, vẻ đẹp Huế được nhắc nhiều bởi sự đồng điệu về kiến trúc, văn hoá, tâm linh và con người xứ Huế. Song quá trình phát triển đặt ra những bài toán khó để vừa thúc đẩy sự phát triển, tôn trọng văn hóa cảnh quan mà vẫn mang hơi thở của thời đại.

Trồng cây xanh tạo cảnh quan

 

Cách đây mấy hôm, tình cờ tôi gặp lại H. - bạn thân từ thời trung học, hiện là một kiến trúc sư trẻ từ T.P Hồ Chí Minh về quê ăn tết. Trở về Huế sau hơn hai mươi năm công tác, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay, H. không khỏi ngưỡng mộ, xúc động trước những nỗ lực của chính quyền T.P. Huế trong công tác chỉnh trang đô thị; nhất là những dự án chỉnh trang đô thị gắn với việc ổn định đời sống người dân như: Định cư và cải thiện đời sống cho dân vạn đò; giải toả dân vùng xung yếu dọc sông Hương, sông An Cựu; giải toả tôn tạo sông Ngự Hà, cắm mốc di tích v.v...

Những giải pháp bài bản T.P Huế đưa ra trong việc chỉnh trang đô thị, nhất là việc mở rộng đi liền cải tạo cảnh quan hai bên đường ở đường Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Điện Biên Phủ được người dân đồng thuận khen ngợi. Màu xanh của đô thị Huế ngày càng được khôi phục làm cho di tích Huế, danh thắng Huế, sông Hương ngày càng lung linh, hấp dẫn và thơ mộng hơn... Chất lượng sống người dân ngày càng cao hơn.

Tại hội thảo khoa học “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương -Nhiệm vụ và giải pháp”vừa diễn ra cách đây không lâu, KTS Hồ Viết Vinh, một người con của Huế đang công tác tại Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, tổng thể cảnh quan Kinh thành Huế còn giữ vẻ đẹp cân xứng giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên, tỷ lệ cây xanh bao phủ. Cấu trúc không gian trống với công trình hiện hữu khá phù hợp. Tuy nhiên, cần giới hạn lại để tránh sự ảnh hưởng của công trình với không gian sông Hương. Nếu cần hiện đại và tránh làm đậm thêm, chật chội thêm cấu trúc đô thị nên phát triển về phía Khu đô thị mới An Vân Dương.

Hiện còn nhiều việc phải làm, thậm chí phải đối đầu những thách thức thực sự gay gắt để trả lại màu xanh cho đô thị Huế. Đó là kiểm soát chặt chẽ kiến trúc nhà cao tầng phục vụ mục đích thương mại ở một số trục đường trung tâm do thành phố quản lý. Cần tiếp cận độ lùi để xây dựng vỉa hè rộng, thông thoáng, vừa thuận tiện cho việc đi lại, vừa tạo sự cân đối và hiện đại. Để bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của Huế trước làn sóng đô thị hoá nhanh chóng hiện nay, cần có cái nhìn thấu đáo giữa không gian kiến trúc và hình khối kiến trúc; trong đó phải chú trọng giữ tỷ lệ không gian đô thị. Nên chăng, cần xây dựng những công trình hài hoà với thiên nhiên theo lối kiến trúc ẩn. Đặc biệt, khi thi công các công trình công cộng như: trường học, bệnh viện, cần đẩy lùi chỉ giới xây dựng để tạo không gian, cảnh quan và cây xanh.

Với những khu vực không nằm trong vùng di tích, cần mạnh dạn khẳng định tính hiện đại trong kiến trúc. Đồng thời, tăng cường tạo quỹ đất để xây dựng quảng trường, đài phun nước làm nơi giao lưu kiến trúc, giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn. “Chúng ta không phê phán một phong cách kiến trúc nào, nhưng phong cách đó phải biểu hiện cho yếu tố thời đại: kiến trúc sinh thái, kiến trúc phù hợp khí hậu địa phương, kiến trúc mang bản sắc văn hóa. Xây dựng thành phố như vậy sẽ tôn lên các giá trị văn hoá của Huế và ngày càng trở nên hấp dẫn, từ đó tạo được sự khác biệt giữa Huế với các đô thị khác”, KTS Dư Tôn Hoàng Long bộc bạch.

Đô thị Huế có quỹ di sản kiến trúc, ở một khía cạnh nào đó làm cho đô thị chậm phát triển, nhưng nếu biết dựa vào những bài học mà ông cha ứng xử với thiên nhiên trong quá khứ, và cách các đô thị bạn làm ngày nay sẽ là lợi thế để xây dựng Huế trở thành thành phố đáng phải đến ít nhất một lần trong đời của du khách.

Bài, ảnh: PHONG THƯ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
“Thương hiệu Huế” nhìn từ Quy hoạch tỉnh

Cần tạo ra “thương hiệu Huế”, đó là một trong những đặt hàng của các bộ, ngành Trung ương đối với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Chính phủ thông qua.

“Thương hiệu Huế” nhìn từ Quy hoạch tỉnh
Những “ký ức tập thể” của đô thị Huế

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm giữ cho bằng được biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi như một cách lưu giữ thêm “hồn vía” và “ký ức tập thể” cho đô thị Huế.

Những “ký ức tập thể” của đô thị Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top