ClockThứ Tư, 15/07/2020 20:38

Hương khói là nét đẹp văn hóa thiêng liêng cần phải được gìn giữ

TTH - Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng Ban Trị sự - Chánh Thư ký GHPG Thừa Thiên Huế khẳng định như thế khi nói về văn hóa thắp hương của người Huế nói riêng, Việt Nam nói chung.

Karatedo bái Tổ đầu năm

Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự - Chánh Thư ký GHPG Thừa Thiên Huế. Ảnh: THÁI BÌNH

Huế được đánh giá là vùng đất tâm linh, địa linh nhân kiệt, thế nên việc hương khói như là nét văn hóa truyền thống của người Huế, là cách thể hiện lòng tri ân công đức của cha ông. Điều đó có thể xem là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ? Hòa thượng có thể giải thích tại sao?

Huế được mệnh danh là vùng đất văn hiến kinh kỳ - địa linh nhân kiệt, mang trong mình nhiều giá trị đạo đức nhân văn, truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tri ân các bậc tiền nhân thể hiện qua việc hương khói là nét đẹp văn hóa thiêng liêng cần phải được gìn giữ. Tri ân biểu lộ sự cung kính trân trọng và biết ơn sâu sắc những người đã hy sinh, giúp đỡ... Có tri ân mới nghĩ cách báo đáp những ân đức, nghĩa tình một cách thiết thực và ý nghĩa. Vong ân thì chẳng còn luân thường đạo lý, tình người.

Thắp hương để tri ân tiền nhân là nét đẹp văn hóa của người Huế.  Ảnh: NGUYỄN PHONG

Một số người đến Huế cho rằng, Huế thắp hương nhiều quá, từ trong nhà, ra ngoài đường, dưới gốc cây…? Điều đó có thể gọi là mê tín không, thưa Hòa thượng?

Tôi nghĩ rằng, thắp hương là thể hiện tín ngưỡng tâm linh, tỏ lòng tôn kính. Chính yếu của việc thắp hương  phải với tâm thành kính là đốt nén tâm hương, hương đức hạnh, hương từ bi, hương tuệ giác để cầu nguyện, tưởng niệm, tri ân tha nhân và qua đó ngày càng hoàn thiện chính mình không lầm đường lạc lối trong cuộc đời. Thực hiện việc thắp hương có ý nghĩa chánh kiến như vậy thì không nhất thiết phải thắp nhiều, mà cần thắp đúng nơi đúng chỗ!

Phật pháp không khuyến khích việc rải và đốt vàng mã, điều này cũng được lãnh đạo tỉnh khuyến cáo bằng văn bản để hạn chế tình trạng này, song không thể phủ nhận là một bộ phận người Huế vẫn có tập tục đốt và rải vàng mã. Hòa thượng có thể nói về nguồn gốc và giải thích vì sao như vậy? So với các địa phương khác trong cả nước, tình trạng đốt rải vàng mã ở Huế như thế nào?

Đạo Phật không khích lệ tập tục này. Giáo hội Phật giáo kêu gọi tín đồ tu nhân tích đức, bỏ những hành động mê tín dị đoan; thấm nhuần tư tưởng nhập thế, gìn giữ truyền thống văn hóa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần hộ quốc an dân.

Tình trạng đốt và rải vàng mã vẫn còn ở một bộ phận người Huế, song người dân ngày càng ý thức chấp hành tốt hơn sự khuyến cáo của chính quyền nên việc đốt rải vàng mã đang có chiều hướng giảm, đó là dấu hiệu tích cực. Hy vọng rằng, chiều hướng tích cực đó sẽ góp phần làm cho không gian, cảnh quan xứ Thần kinh thơ mộng ngày mỗi xanh hơn, sạch hơn, sáng hơn, được mọi người yêu mến, gìn giữ.

Những ngày này, người dân Huế gần như nhà nào cũng bày lễ cúng nhằm tưởng niệm sự kiện “Thất thủ Kinh đô”. Theo Hòa thượng, liệu việc làm đó có ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường, cảnh quan?

 Hằng năm, trong suốt tuần lễ cuối tháng 5 âm lịch, người dân xứ Huế, nhà nhà đều tổ chức lễ cúng nhằm tưởng nhớ sự kiện “Thất thủ kinh đô” - tưởng niệm cầu nguyện cho những quan lại, quân sĩ, dân chúng... đã ngã xuống trong biến cố lịch sử đau thương này. Nghi lễ này rất có ý nghĩa thể hiện tình đồng bào, tính cộng đồng và nhân văn sâu sắc, là nét đẹp cao quý trong đời sống văn hóa tâm linh xứ Huế! Không ai yêu gia đình, quê hương, dân tộc mình bằng chính bản thân mình. Đó là ý thức gìn giữ giá trị di sản văn hóa, truyền thống yêu nước, thương nòi và hành động bảo vệ môi trường trong sáng, an toàn, thân thiện của Huế xưa nay.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Tâm Huệ

(thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Return to top