ClockThứ Ba, 29/11/2016 05:46

Hướng mở cho kinh tế trang trại

TTH - Các mô hình kinh tế gia trại, trang trại ở A Lưới phát triển góp phần thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su - cây trồng có hiệu quả ở A Lưới

Nhiều mô hình hiệu quả

Mô hình sản xuất trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Hồ Viên Mười, ở thôn A Hưa, xã Nhâm dần hiện rõ. Với 35ha, ông Mười chỉ trồng 2ha tre lấy măng để giữ đất. Còn lại, ông dành 3ha để trồng chuối và đầu tư 30ha cây keo tràm. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy để tái đầu tư, ông Mười nuôi đàn bò gần 20 con, hơn chục con dê và trên 100 con gia cầm các loại. Ông Mười chia sẻ: “Năm nay, riêng chăn nuôi tôi thu nhập khoảng hơn 350 triệu đồng”. Ba năm nay, mô hình của gia đình ông Mười trở thành địa chỉ mới để người dân đến tham quan, học tập.

Chủ tịch UBND xã Nhâm Phạm Minh Cải phấn khởi: “Diện tích rộng chính là thế mạnh của địa phương để phát triển gia trại, trang trại. Trên địa bàn xã vừa có thêm 3 mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi”.

Bên cạnh thế mạnh kinh tế đồi, rừng, vài năm trở lại đây, người dân A Lưới phát triển mô hình trang trại chăn nuôi lợn có quy mô. Ở thôn Kê, xã Hồng Vân có gia đình ông Quách Thanh Trung, chăn nuôi hơn 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái, sau khi trừ chi phí cho thu nhập 350 triệu đồng/năm. Ông cũng là người thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi, nhân rộng mô hình cho 12 hộ gia đình trên địa bàn. Các địa phương ở A Lưới đang có nhiều giải pháp thúc đẩy mô hình gia trại, trang trại bền vững. Sơn Thủy là xã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Được hỗ trợ nguồn vốn vay ban đầu hơn 50 triệu đồng, anh Văn Đình Quế, ở xã Sơn Thủy đầu tư xây dựng 10 chuồng nuôi heo nái theo hướng công nghiệp. Hiện, trại heo của anh có gần 130 con, gồm heo nái và heo thịt. Mỗi năm, trại cung ứng khoảng 300 heo giống và hơn 7 tấn thịt, thu nhập ước đạt gần 500 triệu đồng trong năm nay. Hiện gia đình anh Quế đang nghiên cứu mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học để mở rộng quy mô cho trang trại của mình.

Giải pháp phát triển bền vững

Những năm gần đây, UBND huyện A Lưới ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế trang trại. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất được lồng ghép, thông qua các chương trình như: sản xuất nông nghiệp trọng điểm, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, định hướng phát triển các mô hình trang trại tập trung, khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, đưa trang thiết bị máy móc vào sản xuất gắn với chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hải Thúy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết: “Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các tiêu chí để xác định kinh tế trang trại, các mô hình trồng trọt, sản xuất tổng hợp phải có giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm; đối với mô hình trang trại chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Hiện nay, huyện mới chỉ có vài mô hình được xác định tiệm cận điều kiện trở thành trang trại. Đối với những mô hình có thu nhập trung bình từ 400 - 500 triệu đồng/năm trở lên đang được huyện khuyến khích, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển”. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã hoàn thành quy hoạch đất đai, xây dựng vùng, khu trang trại trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Tại các xã Hương Phong, Phú Vinh, Sơn Thủy, A Ngo… xuất hiện những mô hình kinh tế gia trại, trang trại sản xuất có hiệu quả.

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT A Lưới phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại là chủ trương lớn của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện, địa phương có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập lớn nhất tập trung vào các hộ trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm...Phát triển của kinh tế gia trại, trang trại góp phần khai thác nguồn vốn trong dân, mở mang diện tích đất trống đồi trọc, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở A Lưới theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo các vùng sản xuất tập trung. Từng bước đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: Để phát triển các mô hình kinh tế trang trại bền vững, huyện sẽ đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi... Huyện có cơ chế khuyến khích các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất, chỉ đạo ngành nông nghiệp nhân rộng các mô hình. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thuỷ lợi... ở các vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho khu vực trang trại...

Bài, ảnh: QUỐC TUẤN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Return to top