ClockThứ Tư, 04/01/2017 07:01

Hương Tết cung xưa

TTH - Trời vào xuân. Ấm nồng bằng vạt nắng đổ mềm trên những đóa mai vàng và những chồi non xanh biếc. Huế - điểm đến của 5 di sản, là nơi được nhiều du khách chọn lựa trong những ngày đầu năm mới, như cách để “giữ lửa tết”, để gần hơn với quá khứ qua nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra trong không gian của Hoàng cung xưa.

1. Xưa, tùy mức độ thịnh suy trong từng giai đoạn mà điều kiện đón Tết Nguyên đán trong cung đình có khác nhau. Nhưng dù thời thế ra sao thì các nghi thức lễ Tết đều được bắt đầu ngay từ tháng Chạp với lễ Ban sóc (phát lịch), rồi đến các lễ Nghinh xuân (đón ngày lập xuân), lễ Phất thức (lau chùi ấn tỷ và kinh sách), lễ Cáp hưởng (mời các vị tiên về ăn Tết), lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu). Trong đó, lễ quan trọng nhất vẫn là ngày mùng một.

Mở đầu ngày mùng một là lễ thượng triều của nhà vua, lễ nghi quan trọng nhất. Hôm đó, trống ở điện Thái Hòa được đánh từ canh năm. Đến giờ lành, vua ngự ở điện Càn Thành mặc hoàng bào, đội mũ Cửu Long, cầm hốt Trấn Khuê lên kiệu để vào điện Thái Hòa, tiến hành lễ mừng Tết đầu năm. Từ tối 30 Tết, tất cả tam cung, lục viện trong Tử Cấm Thành đều tắt hết bếp lửa, đèn nến. Chỉ có ở điện Càn Thành - nơi vua ở, là đỏ lửa. Sáng mùng một, các vương phi, theo thứ bậc, ôm lồng ấp (lò sưởi) tuần tự đến điện Càn Thành xin vua ban lửa đầu năm. Trong ngày mùng một và mùng hai, vua ban yến tiệc, ban tiền thưởng xuân cho các quan lại, hoàng thân quốc thích và tổ chức các trò chơi giải trí, thử tài lộc đầu năm, như: đầu hồ, họa ngự thi, đánh thơ, cờ người. Sau ngày mùng ba Tết, triều đình tổ chức lễ Tịch điền. Vua xuống ruộng cày ba đường mở đầu cho vụ mùa của năm mới, cầu cho thần dân trăm họ làm ăn sung túc…

Đang hồi nhớ về lễ tục Tết xưa, chợt ông Vĩnh Cao, một người của Hoàng tộc, cũng là người rất am hiểu về phong tục trong cung đình triều Nguyễn xưa, hỏi lại tôi: “Rứa o muốn nghe chuyện Tết thời mô?”. Không đợi câu trả lời, ông nói luôn: “Bữa nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng lại lễ dựng nêu, hạ nêu rồi đó. Ngày xưa có nhiều lễ tục hay lắm, nếu dần phục hồi được thì không còn chi bằng”.

2. Đưa di sản Huế đến gần với người dân hơn, nhiều năm qua, UBND tỉnh mở cửa miễn phí các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế trong 3 ngày đầu năm mới đón Tết Nguyên đán. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng phục dựng nhiều hoạt động lễ hội và tổ chức các vui chơi theo kiểu trò xưa tích cũ trong không gian của Hoàng cung, phục vụ du khách. Cũng bởi trong không gian Hoàng cung hôm nay, nhiều công trình kiến trúc được phục hồi nguyên trạng, không gian hoang phế chốn hoàng gia xưa ngày càng được thu hẹp nên thật khó để một du khách đến Huế trong dịp Tết lại bỏ qua chuyến tham quan tới nơi từng gắn liền với bao nhân vật, bao sự kiện gắn liền với vương triều Nguyễn.

Nhiều mùa Tết trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tăng cường trang trí cây xanh hoa cảnh rực rỡ quanh các công trình di tích, vừa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật có chiều sâu, phù hợp với không gian hoàng gia. Trong những hoạt động được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng trong dịp vui tết đón xuân, hoạt động nào cũng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Từ chầm chậm lễ dựng nêu trước Tết, rộn ràng các trò chơi trong Tết và sự hân hoan, rạng rỡ trong lễ hạ nêu, khai ấn chúc xuân trong ngày đầu tiên làm việc của năm mới… TS. Phan Thanh Hải chia sẻ: “Phục hồi những sinh hoạt, nghi lễ cung đình xưa là việc khó, nhưng khó mấy chúng tôi cũng phải làm bằng được vì đó mới chính là phần hồn – những giá trị văn hóa phi vật thể làm nên vẻ đẹp của di sản.

Lễ hội cung đình là cách mà các đấng quân vương tri ân và chia sẻ với thần linh, với tổ tiên niềm mong ước, khẩn cầu nào đó. Đó cũng là nhu cầu có thực trong mỗi con người chúng ta, bất kể thời đại nào. Vậy nên, từ góc độ tâm linh, người ta đang quan tâm đến việc nên hay không tổ chức hoạt động dâng hương các vua Nguyễn một cách quy củ, bài bản tại Thế Miếu, hoặc khôi phục lại những lễ hội ý nghĩa khác, như: lễ Ban sóc, lễ Phất thức, hay lễ Tịch điền… để phục vụ khách du lịch muốn hướng tâm về nguồn cội trong những ngày đầu năm mới thiêng liêng.

Có người con Huế chiêm nghiệm và tự hào rằng: “Du lịch Huế là du lịch tâm linh. Nếu không đến Huế, du khách không thể hưởng được những gì quý giá nhất, sang trọng nhất, tinh tế nhất của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Vì thế, ai chưa đến Huế thì cũng chưa hiểu được một Việt Nam trọn vẹn…”.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top