ClockThứ Tư, 10/03/2021 10:05

Hưởng thụ sao cho phù hợp

TTH - Hưởng thụ vật chất là nhu cầu cần thiết của con người, là đánh giá thu nhập của từng gia đình và sự phát triển của đất nước. Vấn đề đặt ra là hưởng thụ thế nào cho phù hợp, đúng với khả năng, không gây phản cảm và khoảng cách xã hội.

Có nên lãng phí

1. Thực trạng hiện nay, có một số người khoe khoang sở hữu những tài sản lớn, giá trị đắt tiền, đồ dùng hàng ngoại, của quý hiếm. Ngay như chơi tết có người nhờ mua cho được bình rượu sâm Ngọc Linh loại “xịn” giá trên trăm triệu hay mua những hộp xì gà xách tay, mỗi điếu tính ra cả 1 triệu đồng. Khi đi ăn uống phải đến các nhà hàng 5 sao, được phục vụ cao cấp, thưởng thức đặc sản rừng- biển, giá cả không quan trọng. Đáng nói ở đây những kiểu khoe tài sản hay ăn chơi đó không phải chỉ những đại gia mà còn cả không ít cán bộ, những quan chức cơ quan nhà nước.

Rất tiếc, với một số người, những món đồ đắt tiền, bữa ăn sang trọng, kiểu chơi lãng phí không phải do làm ăn chân chính, không phải từ đồng lương hoặc thu nhập hợp pháp. Tiền từ đâu ra thì chỉ những người đó biết, cơ quan quản lý, thi hành pháp luật mới có điều kiện làm rõ.

Hưởng thụ quá mức, khoa trương quá đà, thích thể hiện với xung quanh, đề cao vật chất cá nhân... là biểu hiện của lối sống không lành mạnh, không phù hợp với lối sống của người Việt từ xưa đến nay. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên đó còn là dấu hiệu của tham nhũng, làm ăn trái phép, con đường dẫn tới thoái hóa, biến chất. Của cải có được, tiêu dùng lãng phí không do lao động thực sự tạo ra thì không có gì khác là làm ăn bất chính, trái pháp luật, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước. Khi đã có chút của cải người ta dễ “coi trời bằng vung”, tìm cách luồn lách, chạy chọt để có được chức quyền hoặc tìm mánh khóe làm giàu bằng mọi giá. Kiểu hưởng lạc quá mức sẽ phá vỡ đạo lý, tình đoàn kết, nghĩa cộng đồng, ích kỷ với hưởng thụ cho bản thân, xem đó là mục đích cao nhất.

2. Nhu cầu về điều kiện vật chất cần thiết là quyền của mỗi người, đồng thời đánh giá chất lượng sống của từng gia đình. Nhưng hưởng thụ thế nào cho phù hợp lại là điều cần cân nhắc trong điều kiện hiện nay. Một bộ phận dân chúng, cán bộ, công chức đang hướng về hưởng thụ cho bản thân mà quên trách nhiệm với xã hội, chia sẻ với những người yếu thế.

Đã có không ít dư luận lên án những người làm ăn bất chính, sống vương giả, những quan chức giàu nhanh từ tham nhũng. Đó là cảnh báo về lệch lạc lối sống, lệch chuẩn đạo đức, “khủng hoảng” giá trị con người trong bộ phận dân chúng và cán bộ công quyền. Xét cho cùng thì đó là thói đua đòi “trọc phú”, “trưởng giả học làm sang”, là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ. Không xóa bỏ được hiện tượng này người dân sẽ mất niềm tin với Đảng, Nhà nước, hiểu sai về bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa.

Xét ở góc độ xã hội, nguyên nhân chính là chạy theo lối sống thực dụng, hậu quả từ mặt trái của kinh tế thị trường đã “ngấm” vào đời sống một bộ phận dân chúng, cán bộ. Bệnh thành tích, khoa trương trong nội bộ đang tác động, ảnh hưởng đến chuẩn mực của một bộ phận cán bộ, công chức, người lãnh đạo. Xu hướng tuyệt đối hóa điều kiện vật chất, lấy đó làm thước đo giá trị cuộc sống ẩn chứa trong nhiều gia đình, tiêm nhiễm vào lối sống của không ít người. Kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập chưa thực sự minh bạch, tham nhũng, lãng phí chưa được loại bỏ triệt để là tiềm ẩn băng hoại đạo đức của bộ phận Nhân dân và cán bộ, đảng viên.

3. Trong hội nhập đời sống quốc tế hiện nay, mọi người đòi hỏi được quyền hưởng đời sống vật chất hiện đại nhưng không vì thế mà quên mất bản tính khiêm tốn, tiết kiệm của người Việt. Chọn văn minh tiến bộ đồng thời phải biết gìn giữ giá trị phong tục vốn là bản chất tốt đẹp của dân tộc, xây dựng lối sống lành mạnh, không khoe khoang bề ngoài, chạy theo mốt, của cải đắt tiền, tiêu dùng lãng phí...Tài sản có được từ chính nội lực thực chất, hưởng thụ hài hòa với đời sống chung của xã hội. Chúng ta đã xây dựng “văn hóa công sở” đối với cán bộ, công chức, đồng thời cần gắn kết với xây dựng “gia đình văn hóa”, “văn hóa ở khu dân cư” nhằm hoàn thiện thiết chế đời sống văn hóa chung. Từ sinh hoạt lành mạnh trong mỗi gia đình cần được lan tỏa, tạo ra bình đẳng, đoàn kết trong mọi mặt sinh hoạt trong cộng đồng.

Trên cơ sở “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...”, cần có tiếng nói lên án những biểu hiện tiêu xài lãng phí, hưởng thụ xa hoa. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ những điều thiết thực theo cuộc đời bình dị, vì nước, vì dân của Bác. Đó chính là góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, minh bạch tài sản của cán bộ, đảng viên.

Hưởng thụ hợp pháp, trong điều kiện cho phép và phù hợp với mức sống chung của xã hội là quyền riêng của mỗi người. Nhưng hưởng thụ quá mức, không phù hợp, dùng tiền bất chính là trái với phong tục, đạo lý và pháp luật. Biểu hiện đó chưa phù hợp với xã hội hiện tại, cần sớm được loại bỏ.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Ngành thanh tra
Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến, tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự.

Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm
Return to top