ClockThứ Ba, 11/05/2021 08:38

Hương Thủy phát triển nông nghiệp toàn diện

TTH - Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ hiện đại, quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả, rau màu, hoa... phù hợp đem lại giá trị kinh tế cao là mục tiêu Hương Thủy hướng đến.

Hướng đến phát triển nông nghiệp quy mô lớn, an toàn, bền vữngMở rộng thị trường cho làng nghề, nông sản & sản phẩm công nghiệp nông thônKinh tế hợp tác xã ở Hương Thủy: Đa dạng dịch vụ, ngành nghề

Thay thế keo tràm bằng cách mở rộng diện tích thanh trà góp phần giúp nông dân có thu nhập cao

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thẳng thắn: Tuy nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng nông nghiệp Hương Thủy chưa tạo được chuỗi giá trị cung ứng cao khi nhiều vùng đất còn hoang hóa, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt còn hạn chế, dẫn đến các tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương chưa được khai thác, phát huy tốt.

Trước thực tế này, nông nghiệp Hương Thủy cần phát triển theo hướng toàn diện, bền vững; thâm canh và đa dạng sản phẩm hàng hóa; hình thành các vùng sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu nông sản, hướng tới các sản phẩm sạch, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả, rau màu phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao là điều mà Hương Thủy hướng đến.

Đó là phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp vùng gò đồi tỷ lệ 1/10.000; quy hoạch, giảm bớt diện tích trồng keo tràm, tre lồ ô và thay bằng các loại cây ăn quả phù hợp, như: thanh trà, bưởi da xanh, tiêu, thanh long ruột đỏ, bơ… ở các xã Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù; sản xuất rau màu, hoa, dưa lưới... trong nhà màng ở Thủy Lương, Thủy Thanh và Thủy Tân.

 Hướng dương - một trong những loại hoa sẽ được nhân rộng tại Thủy Thanh

Với hơn 22 ngàn ha đất rừng sản xuất chủ yếu trồng keo, tràm, tre lồ ô…, tập trung ở 3 xã: Dương Hòa, Phú Sơn và Thủy Phù, thời gian qua, không phủ nhận hiệu quả kinh tế đem lại từ loại cây này, tuy nhiên, mức độ như mong muốn là chưa cao.

Theo ông La Đành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Dương Hòa rất thích hợp trồng các loại cây như: thanh trà, bưởi da xanh… đem lại giá trị kinh tế cao. “Bên cạnh thanh trà đang là loại cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây thì những loại cây ăn quả khác như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, tiêu, bơ… cũng cho thấy những tín hiệu khả thi khi vốn đầu tư thấp, không quá vất vả như trồng keo tràm, lồ ô và trong khi chờ thu hoạch, người trồng có thể tận dụng thời gian làm việc khác để tăng thêm thu nhập”, ông Đành nói.

Ở Phú Sơn, ông Trần Trường được biết đến là người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi mạnh dạn đầu tư diện tích 1.000m2 thanh long ruột đỏ. Hiện, những lứa thanh long đang cho thu hoạch ổn định trên vùng đất trước đây cứ ngỡ chỉ quen với keo, tràm. “Trồng thanh long cho thu nhập đều và nhàn hơn keo tràm rất nhiều. Trồng keo tràm mà người ở độ tuổi như tôi thì rất khó có sức khỏe để chăm sóc, khai thác”, ông Trường nói.

Nếu như Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù đang được hướng đến nhân rộng hơn nữa diện tích trồng các loại cây ăn quả, thì các vùng Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Lương thích hợp cho việc trồng rau màu, dưa lưới, hoa trong nhà màng theo hướng công nghệ cao.

Với đặc thù của loại hình nông nghiệp này, tuy không cần diện tích quá lớn (chỉ khoảng 300 - 500m2 là có thể xây dựng một mô hình quy mô) nhưng lại đòi hỏi đầu tư tương đối và thường xuyên, đi kèm với đó là đầu tư về con người để có thể áp dụng công nghệ trong suốt quá trình gieo trồng, chăm bón, thu hoạch...

Ngoài thanh trà luôn có sức tiêu thụ ổn định, đầu ra các sản phẩm nông nghiệp mà Hương Thủy đang chuẩn bị triển khai là vấn đề cần rất được quan tâm. “Hương Thủy cũng đã tính toán đến vấn đề này. Quá trình liên kết với Trường đại học Nông lâm Huế trong đào tạo nhân lực, thị xã và trường đã có “gạch đầu dòng” về các chiến lược quảng bá, marketing gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Qua nghiên cứu, đánh giá, nhu cầu về rau màu, cây ăn quả chất lượng cao của toàn tỉnh khá cao, nên chỉ cần chất lượng sản phẩm đảm bảo thì nông dân Hương Thủy không lo đầu ra”, ông Tập nói.

Ông Tập cho biết thêm, hiện, Hương Thủy và Trường đại học Nông lâm Huế đã thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đến đầu tháng 7, mô hình trồng rau màu, dưa lưới, hoa trong nhà màng sẽ được thị xã triển khai. Còn về mở rộng diện tích cây ăn quả, có lẽ trong một, hai năm tới...

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Return to top