ClockThứ Tư, 16/11/2016 05:46

Hương Thủy trên đường hướng đến trung tâm thương mại - dịch vụ

TTH - Từ nay đến năm 2020, Hương Thủy quyết tâm xây dựng thị xã phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Lợi thế chỉ sau Huế

Hương Thủy nằm liền kề với TP. Huế về phía Nam, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng; có khu công nghiệp Phú Bài, là thế mạnh để Hương Thủy phát triển các ngành du lịch, dịch vụ thành kinh tế chủ đạo, mũi nhọn. Nhiều năm qua, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương, thị xã Hương Thủy từng bước xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, tạo chuyển biến đáng kể trong cơ cấu kinh tế từ một huyện nông nghiệp sang một thị xã năng động với công nghiệp và dịch vụ.

Một góc đô thị phường Phú Bài

Lĩnh vực dịch vụ của thị xã phát triển khá mạnh và đóng góp vào tăng trưởng ngày càng tăng. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ bình quân hằng năm là 10,25% và tỷ trọng của ngành đến năm 2015 chiếm 8,2% trong cơ cấu kinh tế của thị xã, với hơn 18 ngàn lao động (chiếm hơn 36% tổng số lao động xã hội) hoạt động trong lĩnh vực này. Hoạt động dịch vụ thương mại ở Hương Thủy cũng phát triển ngày càng mạnh, với hơn 300 doanh nghiệp và gần 5.000 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; trong đó, phát triển mạnh là các ngành nghề mua bán ô tô, xe máy, điện thoại, sửa chữa điện lạnh, kinh doanh nhà hàng…

Ở lĩnh vực dịch vụ du lịch, thị xã Hương Thủy có những bước tiến tích cực khi thu hút được ngày càng đông lượng khách đến với Chợ quê ngày hội, tượng Quán Thế Âm và doanh thu hằng năm từ những hoạt động này đều tăng. Thị xã đang khảo sát đầu tư điểm vui chơi tại thác Đá Dăm, khe De, hồ Tả Trạch, khe Đầy, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động lưu trú trên địa bàn cũng được người dân tham gia sôi động, nhiều gia đình ở các phường nội thị, nhất là phường Phú Bài và Thủy Dương, mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nâng số điểm lưu trú trên địa bàn lên 3 khách sạn và gần 40 nhà nghỉ có quy mô với gần 350 phòng. Với thế mạnh của địa phương có khu công nghiệp lớn nhất tỉnh đứng chân, hoạt động dịch vụ ở các lĩnh vực khác trên địa bàn Hương Thủy cũng ngày càng đa dạng và năng động, như: giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, văn hóa thể thao…, tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ người dân.

Con đường đi tới

Hương Thủy hướng đến trở thành trung tâm thương mại phía Nam của tỉnh, với hạt nhân là phường Phú Bài và khu vực nội thị giáp TP. Huế. Quy hoạch, xây dựng một số cụm thương mại, dịch vụ mới dọc tuyến đường phía Tây TP. Huế, đường Phú Bài - Phú Thứ, Thủy Dương - Tự Đức, dọc tuyến đường Dương - Phương, Quang Trung và phát triển các cụm dịch vụ ở trung tâm các xã Thủy Thanh, Thủy Bằng... Vươn đến tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng bình quân hàng năm 24-26%/năm. Thị xã khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ mới, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có lợi thế, như: dịch vụ vui chơi giải trí, lưu trú du lịch, văn phòng cho thuê, dịch vụ phục vụ khu công nghiệp Phú Bài, dịch vụ đô thị.

Để khai thác các tiềm năng về du lịch, thị xã hướng đến triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và du lịch đồng quê, lễ hội, ẩm thực… Huy động sự tham gia của toàn xã hội để doanh thu du lịch đạt mức tăng trưởng 18 - 20%/năm và số lượt khách du lịch tăng 15 - 16%/năm. Ngoài các cụm du lịch, dịch vụ trọng điểm, như: lăng vua Khải Định, lăng vua Thiệu Trị và các di tích lịch sử văn hóa đã định hình trên địa bàn, Hương Thủy tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh, khu vui chơi giải trí, dịch vụ tổng hợp ở Thủy Bằng, Thủy Phù, khu vực hồ Tả Trạch, du lịch đồng quê ở Thủy Thanh và xây dựng khu công viên cây xanh hồ Ba Cửa, Độn Sầm…

Để cụ thể hóa, UBND thị xã Hương Thủy đang xây dựng đề án lộ trình phát triển dịch vụ thị xã từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó, phân tích rõ những điểm mạnh, điểm còn hạn chế cản trở tốc độ phát triển lĩnh vực này ở thị xã.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã, đề xuất: Ý tưởng thì đã có, nhưng để thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư trên địa bàn, thị xã Hương Thủy rất mong được lãnh đại tỉnh tạo điều kiện nhiều hơn nữa trong việc cho chủ trương đầu tư, công bố dự án, tạo điều kiện sử dụng đất và thu hút các nhà đầu tư. 

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Return to top