ClockThứ Năm, 24/10/2019 15:02

Hướng tới xã hội hóa Quỹ Hỗ trợ nông dân

TTH.VN - “Hội Nông dân (Hội) cơ sở phải là cầu nối giúp nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Đinh Khắc Đính trong buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh về hoạt động kiểm tra, giám sát công tác Hội và phong trào nông dân năm 2019 diễn ra ngày 24/10.

Nông dân là chủ thể trong phát triển kinh tế nông thônNhà nông tương thân, tương áiVinh Thanh vươn khơi

 

Ông Đinh Khắc Đính yêu cầu Hội Nông dân tỉnh đổi mới hoạt động

Hoạt động của đoàn kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kéo dài trong 2 ngày 23 và 24/10. Trước đó, đoàn đã đi kiểm tra một số cơ sở hội vùng khó khăn bãi ngang ven biển, một số cơ sở hội có hoạt động hội và phong trào nông dân tốt trên địa bàn tỉnh.

Cầu nối

Hội Nông dân tỉnh hiện có 103.101 hội viên sinh hoạt tại 1.061 chi hội. Các hội cấp xã đã thành lập được 38 chi, tổ hội nghề nghiệp với 898 thành viên tham gia

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ) trong năm 2019 được ngân sách tỉnh cấp 1,5 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thị xã cấp 550 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn quỹ lên 26 tỷ đồng. Trong đó, quỹ của tỉnh quản lý 20 tỷ đồng, cấp huyện quản lý 6 tỷ đồng. Hội các cấp tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo thêm các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân. Hội cũng đang quản lý 731 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội là 802,4 tỷ đồng. Trong năm, quỹ của tỉnh đã giải ngân cho vay 29 dự án cho 162 hộ vay và đang triển khai 81 dự án cho 703 hội viên nông dân vay vốn với số tiền 20,5 tỷ đồng.

Thời gian tới, hội tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng quỹ từ các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ qua các dự án của quốc gia, quốc tế, nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn. Thực hiện công tác hỗ trợ vốn có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra các mô hình điển hình sử dụng vốn vay có hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo gắn với chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Đồng thời, nghiên cứu, mở rộng các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng dự án cho vay lên mức tối đa 100 triệu/hộ để có điều kiện xây dựng mô hình hiệu quả kinh tế hơn.

Phát triển hội viên, trí thức hóa nông dân

Đại diện Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thị đều có chung quan điểm, công tác hội đang gặp rất nhiều khó khăn khi khả năng tiếp cận thị trường của nông dân và các cấp Hội vẫn khá hạn chế. Lực lượng cán bộ hội, nhất là ở các thôn không có các chế độ chính sách đi kèm nên rất khó khăn trong quá trình hoạt động.

 Khuyến khích doanh nghiệp, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia Hội Nông dân

Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề xuất, Trung ương hội cần phân bổ thêm nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ ngân sách Trung ương từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm; nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định xử lý rủi ro đối với hộ vay vốn có cả người vay và người thừa kế bị bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn không còn sức lao động. Quy định trả nợ gốc từ 2 - 3 lần/một chu kỳ vay thay vì trả gốc 1 lần vào cuối chu kỳ như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi vốn, đồng thời tạo điều kiện cho hộ vay vốn duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Khắc Đính đánh giá cao những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, giải pháp thiết thực của Hội Nông dân tỉnh trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân; chia sẻ những khó khăn với các cấp hội cơ sở trong thực hiện nâng cao công tác Hội. Đồng thời khẳng định, người nông dân chính là chủ thể trong phát triển kinh tế nông thôn. Để xây dựng những mô hình kinh tế nhanh, bền vững, họ phải nắm vững kiến thức, biết áp dụng khoa học và sản xuất, có tay nghề… Các cấp hội phải thể hiện được vai trò cầu nối, bà đỡ của mình. Thông qua hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập huấn chuyển giao công nghệ…. giúp nông dân tiến cận những mô hình hay, khoa học kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào thực tiễn.

 Muốn làm được điều này, các cấp hội phải đẩy mạnh xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã, tạo nên mối liên kết theo chuỗi giá trị. Chăm lo bồi dưỡng cán bộ về trình độ nghiệp vụ cũng như kỹ năng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trong cuộc sống. Trong đó, quan tâm nắm chắc số lượng hội viên, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu hội viên; quan tâm đến các doanh nghiệp, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển hội viên, trí thức hóa nông dân, tạo chuyển biến trong công tác hội và phong trào nông dân.

Ông Đính cũng thống nhất quan điểm, Quỹ Hỗ trợ nông dân cần lựa chọn những nông dân có tâm huyết để hỗ trợ, riêng hộ nghèo có thể nghiên cứu phối hợp với nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách để hỗ trợ. Hội cũng cần nghiên cứu, tham mưu với tỉnh để có chính sách xã hội hóa nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo động lực trong hoạt động Hội.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top