ClockThứ Năm, 04/10/2012 11:10

Hương Trà phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

TTH - Hương Trà là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng sinh học. Chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững được UBND thị xã đặc biệt quan tâm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển vững mạnh.

Hương Trà là địa phương có đa dạng địa hình. Vùng núi ở phía tây nam địa hình đồi núi thấp, chiếm 61% diện tích, đất đai phù hợp cho phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc. Vùng đồng bằng chạy hướng Bắc Nam, nằm phía hữu ngạn sông Bồ và tả ngạn sông Hương được phù sa bồi đắp hằng năm là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Vùng ven biển đầm phá ở phía đông bắc thị xã có 700 ha mặt nước phá Tam Giang, 7km bờ biển là nơi cư trú nhiều loài thủy hải sản và lưu trữ nhiều giá trị đa dạng sinh học phù hợp cho phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

 

Mùa vui trên cánh đồng Hương Toàn

 

Chúng tôi có dịp đến thăm xã Hương Toàn, một xã có nhiều thế mạnh trong phát triển cây lúa. Với diện tích trồng lúa 600 hecta, những năm qua, Hương Toàn luôn dẫn đầu về năng xuất, sản lượng toàn thị xã, với năng xuất 58 tạ/hecta. Ông Trần Kiêm Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của thị xã UBND xã đưa ra những định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Việc ổn định diện tích trồng lúa chất lượng cao rất được quan tâm, tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa tại chỗ, đầu tư những giống mới như HN1, TN1. Xã chỉ đạo trạm bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông và 2 hợp tác xã phối hợp lên lịch thời vụ, kiểm tra thường xuyên các diện tích lúa đưa vào gieo trồng, phát hiện các loại bệnh trên cây lúa, kịp thời chỉ đạo bà con phun thuốc đại trà, đảm bảo vấn đề phòng trừ sâu bệnh. Từ đây, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón một cách hiệu quả không làm ô nhiễm môi trường”.

 

Thị xã chủ trương phát triển diện tích rừng gắn với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh; tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển; chú trọng quản lý, bảo vệ tốt rừng đặc dụng. Hương Bình được xem là điểm sáng. Với tiềm năng phát triển lâm nghiệp và cây cao su, Hương Bình đã có những chủ trương quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh hoạt động khai thác rừng và thu hoạch mủ cao su, người dân còn được tập huấn các lớp về khai thác và bảo vệ rừng cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng... Với diện tích cao su trên 1.000 hecta, trong đó 827 hecta đang cho thu hoạch và 650 hecta rừng, tạo cho Hương Bình một lợi thế trong phát triển kinh tế. Những người dân nơi đây cũng ý thức hơn trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi từ rừng mang lại.

 

Thị xã đặc biệt quan tâm nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng có năng suất, chất lượng, không làm tổn hại tới đa dạng sinh học; bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi của địa phương, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước, vùng biển, đầm phá, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, sử dụng bền vững tài nguyên sinh học. Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, các cơ quan chức năng của thị xã Hương Trà phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hương Phong. Thông qua bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững và tổng hợp tài nguyên thiên nhiên đồng thời triển khai phục tráng giống lúa chịu mặn, mô hình nuôi thủy sản xen ghép và mô hình trồng lúa và nuôi cá, nhằm giúp cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho biết: “Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững cần có đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng các diện tích đất nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ sạch; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới... tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; duy trì diện tích đất lúa để có điều kiện thâm canh, chủ động tưới tiêu. Ổn định diện tích trồng lúa mỗi vụ là 20.000 hecta, đặc biệt ở các xã Hương Toàn, Hương Hồ... Xây dựng vùng rau an toàn với 100 hecta tại phường Hương Hồ, Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân; củng cố các loại cây ăn trái đặc trưng như thanh trà ở phường Hương Vân, bưởi ở xã Hương Thọ; ổn định chăm sóc và phát triển diện tích cao su và rừng ở các xã vùng núi. Khuyến khích lai tạo, sử dụng giống mới, phát triển mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp tập trung. Trong nuôi trồng thủy hải sản ổn định 3.000 hecta nuôi cá nước lợ, 130 hecta nước ngọt sử dụng các chế phẩm sinh học và thức ăn công nghiệp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên”.

 

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top