ClockThứ Tư, 25/02/2015 05:39

Hương vị bánh khô

TTH - Nguyên liệu hoàn toàn từ nông sản do người dân làm ra, bánh khô ở Phong Bình (Phong Điền) không chỉ điểm thêm hương vị cho ngày Tết cổ truyền mà còn là món quà đặc sản được gửi ra Bắc, vào Nam và quà cho bà con xa xứ ở nước ngoài thưởng thức.

Bánh ra lò sau hơn nửa tiếng đóng chày

 

Đậm đà hương quê

Bánh khô, được làm hoàn toàn từ sản phẩm do người nông dân tại địa phương làm ra. Nếp được chọn là nếp cao sản, hạt tốt, bung thành nổ, đem trộn đều với các nguyên liệu mứt gừng, cà rốt giã nhỏ, đậu phộng, đường xay mịn đổ vào khuôn dùng chày đóng mạnh, cho ra một đòn bánh dài khoảng 40cm, vuông vức bốn mặt. Tuy có hình dạng như bánh lăn (chỉ có nếp và đường), bánh nổ... của nhiều vùng miền khác, nhưng để có được những lát bánh khô thơm ngon, dòn và dùng được lâu, công đoạn sấy khô, đóng gói rất quan trọng.
Chị Phan Thị Đẻo, một trong những người còn theo đuổi nghề làm bánh khô ở Phong Bình vẫn nhớ như in cách đây vài năm về trước, những ngày gần tết, cả làng rộn ràng “trạo” nhau chuyện làm bánh, làm mứt. Hồi đó, cứ năm, bảy gia đình rủ nhau đóng một cái khuôn rồi thay phiên nhau làm để ăn trong những ngày tết. Muốn làm được một đòn bánh khô rất kỳ công, từ việc lựa chọn nguyên liệu, chế biến cho đến công đoạn sấy khô. Nên dần dần, do bận rộn công việc, số nhà làm trong mỗi dịp tết giảm dần, bây giờ, mỗi làng chỉ còn lại khoảng vài hộ.
Những hộ còn duy trì chủ yếu làm để phục vụ cho bà con, xóm giềng ăn tết, làm quà. Bình quân mỗi nhà đặt từ 5 đòn trở lên. Như gia đình anh Phan Như Lâm ở thôn Hòa Viện, nhờ chất lượng ngon, đảm bảo từ lâu nay, nên mỗi dịp tết, gia đình anh làm hơn 1.000 đòn bánh theo đặt hàng của bà con trong làng, các cơ quan, trường học... Để làm ra những lát bánh khô phục vụ cho bà con trong dịp Tết, vợ chồng anh Lâm phải lo mọi thứ từ 2 tháng trước đó. Theo anh Lâm, công việc tuy vất vả, chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng cái quý là duy trì nghề truyền thống của ông bà để lại và giữ được hương vị đặc trưng của quê hương, làm đậm đà thêm phong vị cho ngày tết.
Bánh quê xuất ngoại

Sấy khô bánh sau khi đã cắt lát

 
Để có được bánh ngon đòi hỏi người làm phải rất kỳ công. Riêng nếp phải chọn hạt trên sàng (loại 1). Khi bung nổ phải được bảo quản trong túi ni long thật kín. Mứt gừng cũng phải chọn gừng già thật cay, thơm. Đến mùa đậu, những nhà làm bánh thường mua dự trữ và chọn hạt to, đều. 
Chị Đẻo cho biết, ngoài lựa chọn nguyên liệu, công đoạn sấy khô bánh cũng mất nhiều thời gian. Để sấy một dã bánh (độ khoảng 3 đòn xắt lát) mất khoảng 12 tiếng đồng hồ. Lò sấy được dùng bằng than củi nhỏ và phải quan sát ngọn lửa thường xuyên, tránh không quá nóng cũng không quá nguội.
Trong từng lát bánh, hạt nếp giòn khô cùng với hương vị cay nồng của gừng, thanh béo của đậu phộng, cà rốt và đường xay mịn là sự kết tinh của sản phẩm do chính tay người dân địa phương trồng ra. Khi ăn miếng bánh khô của người dân Phong Bình đặc biệt có vị thơm ngọt, dòn, không ngấy.
Tuy đã xa quê lâu năm, nhưng chị Lê Như Tuyết hiện đang định cư ở Úc vẫn không thể nào quên được hương vị bánh khô ngày xưa được ăn trong ngày tết. Năm nào cũng vậy, nếu không về quê để thưởng thức bánh khô là chị Tuyết và nhiều bà con Việt kiều đều đặt mua gửi qua. Anh Nguyễn Khoa Dũng ở thôn Bàu, xã Phong Hòa hằng năm vẫn thường mua để gửi qua Mỹ làm quà cho người thân. Chị Đẻo khoe: “Cách đây ít hôm, vài người ở Sài Gòn ra thăm quê, họ cũng đặt mua vài chục đòn bánh mang vào ăn tết. Thấy ngon, họ điện ra đặt thêm để gửi qua Đức cho người thân”. “Với họ, tuy thưởng thức nhiều của ngon, thức lạ, nhưng mùi vị của chiếc bánh nổ tự tay bà con mình làm ra thì họ không bao giờ quên được. Thấy được giá trị, công sức bỏ ra được trân trọng, những gia đình còn giữ nghề như chúng tôi rất phấn khởi”, chị Đẻo bộc bạch.
Đậm đà, dân dã, đặc sản bánh khô làm cho ngày tết ở những làng quê Phong Điền và những người con xa xứ càng thêm ý nghĩa.
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top