ClockThứ Hai, 12/08/2019 13:00

Huy chương & khát vọng - Bài 2: Thầy hay thì trò mới giỏi

TTH - Không chỉ là “nuôi gà chọi” để săn huy chương, Trường THPT chuyên Quốc Học đang hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Huy chương & khát vọng - Bài 1: Ngôi trường mơ ước

Hồ Đắc Thanh Chương, cựu học sinh Quốc Học vô địch đường lên đỉnh Olympia năm 2016. Ảnh: Phan Thành

Bệ phóng ước mơ

Tại cuộc gặp mặt học sinh giỏi vào vòng dự tuyển thi quốc tế, năm học 2018-2019, một phụ huynh khi bày tỏ nguyện vọng thiết tha, rằng dù các em mệt mỏi, muốn trường tạo điều kiện “cho qua” các môn phụ thì cũng đừng vì thương yêu khi các em đã đem lại vinh quang cho trường mà không tiếp tục dạy những môn khác. Kiến thức ấy mới chính là hành trang để các em vào đời. Tâm tư của vị phụ huynh này nhận được sự hưởng ứng và nhà trường cam kết sẽ bồi dưỡng kiến thức các em thiếu hụt trong những ngày tháng ôn tập bằng nhiều hình thức.

Hàng chục năm qua, nhiều phụ huynh và ngay cả học sinh muốn tìm đến trường chuyên chỉ để được học tập tại môi trường học tập tốt. Đề án phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học (giai đoạn 2010-2020) của UBND tỉnh đã giao trọng trách cho nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đề án cũng có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được tăng cường. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuyển biến đáng kể, nhất là thí điểm dạy học một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Sau 9 năm triển khai, trường có sự phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên Quốc Học tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của nhiều trường đại học uy tín trong nước và cả ở nước ngoài. Mỗi năm, bình quân có 30 em đi du học theo chương trình hợp tác với các trường trong khu vực và quốc tế.

Xu hướng của đa số học sinh chuyên Quốc Học đặt ra mục tiêu là đỗ đại học, thủ khoa hoặc đi du học. Điều này không khó khi công bố của Cổng thông tin và tuyển sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, năm 2017, Quốc Học xếp thứ 5 trong số 100 trường có điểm thi đại học tốt nhất cả nước (99% học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1). Nghĩa là, con đường chọn trường tốt, học bổng “xịn” rộng thênh thang đối với học sinh Quốc Học.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà cụ thể là đưa học sinh ra đào tạo ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện. Trong gần 10 năm, chưa có học sinh trường chuyên đi theo diện này. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của trường chuyên là phải ở mức tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Thực tế, nếu chỉ tính cơ sở vật chất với thiết bị thí nghiệm là tương đối đầy đủ. Còn trang thiết bị, máy móc mang tính chuyên sâu để học sinh thực hành phục vụ cho các cuộc thi quốc gia và quốc tế thì học sinh Quốc Học vẫn phải nhờ vào phòng thí nghiệm các trường đại học ở Huế. Dù tổng kinh phí đầu tư đề án là trên 64 tỷ đồng, trong đó đầu tư cơ sở vật chất 49 tỷ đồng và đào tạo bồi dưỡng 15 tỷ đồng.

Muốn có trò giỏi, phải có thầy hay

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy định chế độ chính sách cho học sinh giỏi và giáo viên. Song so với các tỉnh, thành khác, con số này ở Thừa Thiên Huế vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể, học sinh đạt huy chương vàng Quốc tế có nơi được thưởng đến 500 triệu đồng, còn ở Thừa Thiên Huế mới chỉ dừng lại mức khiêm tốn 70 triệu đồng. Mỗi đội thi các vòng loại khu vực, ngân sách tỉnh có thể chi được 200 - 300 triệu đồng. Còn lại phải vận động. Nếu được đầu tư nhiều hơn, các em sẽ có điều kiện mua tài liệu nước ngoài, tiếp cận với trang thiết bị thực hành hiện đại, mời hoặc đi tìm thầy giỏi để ôn tập dài ngày hơn.

Trường THPT chuyên Quốc Học có 140 giáo viên; trong đó, có đến 82 thạc sĩ. Mục tiêu đề án đến năm 2020, trường có 60 % giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm, chỉ tiêu đưa 27 giáo viên đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài không thực hiện được. Hiện nay, để nâng cao trình độ, những giáo viên được đưa vào quy hoạch sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định của tỉnh. Một số giáo viên trẻ có nhu cầu học tập phải tự bỏ tiền túi để học, kể cả tự “săn” học bổng ở nước ngoài.

Nhiều năm qua, phần lớn học sinh giỏi khi ra trường không chọn ngành sư phạm theo học là khó khăn của nhà trường khi tuyển chọn đội ngũ giáo viên. Mong muốn của Quốc Học là có nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, quốc tế các môn khoa học tự nhiên đăng ký học ngành sư phạm để bổ sung đội ngũ giáo viên dạy chuyên. Bởi lẽ, nguồn giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy chuyên đang còn thiếu.

Thế hệ vàng giáo viên chuyên luyện “gà chọi” đang vắng dần và dường như Quốc Học đang bị “khuyết” những người có tài, có tâm huyết và kinh nghiệm thật sự để tiếp tục tạo nên “cú hích” ở những đấu trường trí tuệ lớn. Đào tạo như thế nào, thắp lửa đam mê, tâm huyết vào từng bài giảng, bài luyện cho học sinh đang là bài toán cần tìm lời giải...

“Sắp đến, chúng tôi sẽ mời những người thầy từng giảng dạy ở Quốc Học qua các thời kỳ tiếp tục truyền lửa cho học sinh tham gia ở các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ bày tỏ mong muốn khôi phục một số môn học từng là một thời hoàng kim ở Quốc Học.

Xưa nay, để có trò ngoan giỏi, trước hết phải có thầy giỏi và tâm huyết. Đó cũng mục tiêu mà Trường THPT chuyên Quốc Học hướng đến.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Khát vọng đạt chuẩn quốc gia

Tính đến đầu năm học 2023 - 2024, toàn thị xã Hương Trà có 25/35 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 71,43%. Trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, bên cạnh sự quan tâm đầu tư thỏa đáng từ phía Nhà nước còn cần đến khát vọng từ đội ngũ giáo viên và học sinh ở các trường học.

Khát vọng đạt chuẩn quốc gia
Return to top