ClockChủ Nhật, 22/01/2023 14:43

Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.

Tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS cho 500 đoàn viên, sinh viênTìm hiểu về Quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực, ma tuý trong trường họcBất bình đẳng giới đang cản trở nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt bệnh AIDS

Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).

Ảnh minh họa

Đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu, tuy nhiên trong những năm gần đây, lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, 1.378 bệnh nhân tử vong. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (chiếm 48,6%) và 30-39 (chiếm 28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 81,6%).   

Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay. Hiện tỷ lệ nhiễm HIV tăng rõ rệt, tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng cao từng năm. MSM và nhóm chuyển giới được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm thời gian tới. Trong đó, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. 

Gia tăng ca nhiễm mới trong nhóm thanh thiếu niên

Đánh giá về công tác điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, đến nay, cả nước có 499 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV qua Bảo hiểm y tế, với 167.022 bệnh nhân, trong đó 3.453 bênh nhân trẻ em, 163.568 người lớn. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này.

Cùng với công tác điều trị, hoạt động xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở; xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh, thành phố với 204 phòng xét nghiệm. Hiện xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiệm. Bên cạnh đó, hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngành Y tế tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến ngày 30/9/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị, trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy.

Cùng với đó, ngành tích cực triển khai các biện pháp dự phòng thế hệ mới như điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) đã được triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Tính đến ngày 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.

Ngành còn tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam; đã xét nghiệm cho khoảng 22.250 lượt trại viên tại trại giam và 7.201 lượt tại trại tạm giam được làm xét nghiệm HIV (trong đó có 1,5% dương tính; điều trị cho khoảng 3.525 bệnh nhân ARV và 1.200 bệnh nhân ARV được điều trị viêm gan C.

Đến ngày 30/9/2022, số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị methadone mắc viêm gan C (VGC) được điều trị tại 38 tỉnh, thành phố là 16.052 bệnh nhân (trong đó có 4324 bệnh nhân methadone). Tỷ lệ khỏi bệnh trong số bệnh nhân được làm SVR12 đạt 97,4%

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đó là HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên. Cùng với đó, việc sử dụng và lệ thuộc vào ma túy tổng hợp đang gia tăng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ngành Y tế cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý; tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.

Đồng thời, ngành đẩy mạnh việc triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm có hành vi nguy cơ cao, gồm người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm, phạm nhân; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. 

Bên cạnh đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, cần mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Ngành thí điểm và nhân rộng mô hình cấp phát thuốc điều trị mang về nhà; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân…

Cùng với đó, ngành huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; lồng ghép dịch vụ điều trị vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời thực hiện phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng. Đối với phụ nữ mang thai, cần tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV; điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

TIN MỚI

Return to top