ClockChủ Nhật, 25/03/2018 14:58

Huyền bí hang dơi

TTH - Họ xem dơi như một thứ quà quý mà ông trời ban tặng. Hàng năm, chỉ được một lần vào hang để bắt với những tục lệ nghiêm ngặt.

Phát hiện hang động sâu nhất thế giới, chưa dò thấy đáyBộ ảnh hang Sơn Đoòng đẹp ngoạn mục trên báo Anh

Đường vào hang khá vất vả

1. Thôn 2, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông ẩn mình dưới chân núi Ka Lang. Trên dãy núi ấy có những hang động lớn, huyền bí, là nơi trú ngụ của loài dơi mà người Cơ Tu xem như “báu vật”.

Sau mấy bận lỡ hẹn, anh Nguyễn Văn Cần (thôn 2, xã Thượng Quảng) cứ giục tôi vào thăm hang dơi cho bằng được. Theo lời anh Cần, hang dơi ở Thượng Quảng được tổ tiên người Cơ Tu phát hiện trong một lần băng rừng vượt suối tìm mây, hái quả. Khi gặp phải thú dữ, hang động này trở thành nơi ẩn nấp của người Cơ Tu và cũng là nơi sinh sống của loài dơi núi, chuyên ăn trái cây. Như để tri ân “ngôi nhà” của loài dơi đã góp phần cứu mạng, hàng năm vào tháng 9, người Cơ Tu khắp bản làng Ka Lang bày biện đủ các lễ vật để cúng thần dơi. Rồi bắt đầu mùa lễ hội bắt dơi chỉ trong vòng 1 tháng. Tục lệ này kéo dài mấy chục năm nay.

Hang dơi Thượng Quảng được chính quyền địa phương khảo sát để tạo ra điểm du lịch hấp dẫn

Trước khi vào hang, anh Cần đưa 2 ngón tay, nhìn về phía tôi. Tôi chưa hiểu chuyện, anh vội giải thích: “Thời điểm ni không phải là mùa lễ hội vào hang dơi nên cần xin phép thần dơi. Phải có lễ vật cúng thần dơi mới vào hang được, nếu không thần dơi sẽ nổi giận. Tuyệt đối không được bắt dơi. Nếu anh xin một lần thì những lần sau vào tham quan không cần phải cúng nữa. Lễ vật gồm rượu và gà, cỡ 200 nghìn mà thôi”.

Sau khi làm xong những “thủ tục” cần thiết, chúng tôi tiến hành tham quan hang động huyền bí này... Đường vào hang quả gian nan. Từ thôn 2, mất 20 phút đi xe máy theo đường rừng, rồi cuốc bộ khoảng 1 cây số mới lên sườn của ngọn núi Ka Lang. Hang dơi hiện ra với 3 cửa hang, nằm giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, đường vào cửa bị những phiến đá to, phủ rêu chen ngang. Hang vẫn giữ được nét hoang sơ, huyền bí, như một tuyệt tác phong hóa của thiên nhiên ban tặng.

Vách hang xuất hiện những đường vân hình thù, độc đáo, lạ mắt

Với những người vốn quen với núi rừng như anh Cần, việc “đột nhập” vào hang khá dễ dàng. Còn với tôi, lòn qua được miệng hang là cả một thử thách. Nghe tiếng bước chân, đàn dơi trên nóc hang cao hơn 50m bay loạn xạ. Trong hang, dưới ánh sáng của đèn pin, những khối đá đủ hình thù, nhũ đá dạng đèn vàng, hang ngầm hiện ra tuyệt đẹp. Không có ánh đèn, khoảng không trước mắt người đen sầm, sẽ thu hút những ai thích khám phá, mạo hiểm. Trong lúc tham quan hang, anh Cần không quên dặn dò: “Anh phải đi thật chậm, để ý những nhũ đá trên đầu để tránh va phải. Ở đây có nhiều ngóc ngách, anh không quen đường nên đi sau lưng tui để tránh vấp phải các hòn đá giữa lối đi”.

Do nằm sâu trong vách núi nên hang dơi chỉ đón được ánh sáng xuyên qua từng kẽ lá từ miệng hang. Bởi thế, đây là nơi trú ẩn lý tưởng của loài dơi núi. Trong sự tĩnh lặng của núi rừng, thi thoảng từ vách hang vọng ra những tiếng kêu lớn. Anh Cần kể, hang dơi có nhiều khu vực khác nhau với những khối đá bóng màu thời gian, hình thù lạ mắt, kì dị. Nền hang có đôi chỗ ẩm ướt, từ nền đến nóc chỗ cao nhất đến hơn 50m. Hang vẫn còn giữ được nét của tự nhiên và được vợ chồng anh trông coi mấy chục năm nay.

Muốn di chuyển trong hang cần phải sử dụng đèn pin chiếu sáng

“Dơi sinh sống trong hang xuất hiện nhiều từ độ tháng 9, tháng 10 âm lịch. Những đàn dơi lũ lượt về đây sinh sống như báo hiệu một mùa vụ mới. Bởi rứa mà đến tháng 9, tụi tui phải cúng thần dơi, cầu cho mùa màng bội thu, người dân được bình an, đồng thời thanh niên trong làng kéo nhau vào hội bắt dơi trong vòng 1 tháng, để thể hiện sức mạnh của con người. Những ngày bình thường không được bắt dơi vì xâm phạm đến thần linh. “Thần” dơi sẽ nổi giận”, anh Cần chia sẻ.

Mặc cho những quy định nghiêm ngặt nhưng cũng có một số người quên đi lời dặn từ ngàn xưa, lén lút lên hang bắt dơi ăn thịt. Trong lúc khám phá hang dơi, trên nền hang còn lưu lại những “bẫy” lưới bắt dơi còn sót lại. Và cũng đã xuất hiện những cái chết đau thương từ việc lén lút vào hang bắt dơi. “Tục lệ làng chỉ cho phép vào hang bắt dơi vào tháng 9, những ngày còn lại tuyệt đối cấm. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt…”, anh Cần khẳng định.

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết: “Mặc dù người Cơ Tu có tục lệ bắt dơi chỉ một lần trong năm nhưng họ cũng đang canh giữ, góp phần bảo tồn loài dơi và tính nguyên bản của hang động này. Do vậy, đàn dơi sẽ không quá bị ảnh hưởng bởi con người. Hy vọng, hang dơi Thượng Quảng sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai”.

2. Ở các tỉnh, thành miền Bắc hay miền Trung, hang dơi chẳng có gì lạ. Đó có thể là những hang động mang dấu tích của lịch sử. Nhiều hang dơi trở thành những điểm du lịch khá hấp dẫn, như ở Sơn La, Vĩnh Phúc, Quảng Nam... Tại Thừa Thiên Huế, cũng có những hang dơi ở Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông bảo rằng, tại địa phương này hang dơi không chỉ có ở xã Thượng Quảng mà còn xuất hiện ở một số nơi khác, tạo thành một hệ thống hang động còn rất hoang sơ, chưa được khai phá.

Khi được hỏi về việc bảo tồn, đưa hang dơi Thượng Quảng trở thành điểm du lịch, bà Hồ Thị Ngọ, người quản lý hang dơi này nói: “Mấy chục năm nay, gia đình tui trông coi và bảo vệ hang dơi. Đó không chỉ bảo tồn lại tâm huyết của tổ tiên mà còn muốn hang động còn rất hoang sơ này được nhiều người biết đến. Người Cơ Tu có tục lệ bắt dơi một lần trong năm nhưng cũng phải bảo tồn, không chỉ để dơi sinh trưởng mà còn bảo tồn được loài dơi trong hang động được tổ tiên phát hiện từ ngàn xưa”.

So với các địa phương khác, du lịch khám phá hang động ở Nam Đông được khởi động khá muộn, nếu không muốn nói vẫn chưa khai phá được tiềm năng vốn có. Dẫu vậy, ngành du lịch Nam Đông cũng đã đặt ra những kế hoạch mang tính dài hạn. Bên cạnh xây dựng những sản phẩm đặc trưng của vùng đất, huyện Nam Đông đang tập trung khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó giới thiệu, bảo tồn những nét văn hóa của người Cơ Tu, trong đó có hang dơi ở Thượng Quảng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Một số địa phương đã đề xuất đưa hang dơi thành điểm du lịch. Đến bây giờ, những hang động này vẫn còn rất “huyền bí”. Ở Nam Đông, hang dơi Thượng Quảng được địa phương này đề xuất bảo tồn và cũng được chúng tôi đưa vào đề án xây dựng điểm du lịch khám phá. Chúng tôi đã có kế hoạch thành lập đoàn khảo sát hang dơi Thượng Quảng, đồng thời tìm hiểu thêm những nơi khác để tiến hành xây dựng chuỗi hang động ở Nam Đông thành những điểm du lịch hấp dẫn”.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Return to top