ClockChủ Nhật, 18/09/2016 13:16

“Huyền tích” orang

TTH - Núi rừng mang đến cho đồng bào vùng cao bao sản vật quý hiếm. Và trong chuyến đi về phía núi, câu chuyện về măng rừng orang đã để lại bao huyền tích.

Orang chống giặc

Ngồi trong ngôi nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu ở xã Thượng Long (huyện Nam Đông), khi gió rừng mang hơi nóng thổi mạnh từng cơn, anh Hồ Văn Mão (cán bộ văn hóa xã Thượng Long) quay sang hỏi: “Ở đồng bằng, loại gió đó gọi là gì?”. Tôi bảo: “Là gió nam”. Anh Mão lặng im một hồi rồi nói, thời điểm xuất hiện loại gió này cũng là lúc núi rừng in hằn dấu chân sơn tràng tìm hái măng orang.

Măng orang thường mọc bên dòng nước mội, từ tháng 9-12

Trong kí ức của những phụ nữ đứng tuổi nơi miền rẻo cao, orang hiện về như là loại vũ khí chống chọi thú rừng. Chuyện là, trong những chuyến đi rừng tìm măng orang không may gặp phải thú dữ, để chống chọi hiểm nguy, họ chặt tre orang, vót nhọn để phòng thân. “Tre orang sắc và cứng hơn các loại tre thông thường. Ba tui kể, trong một lần đi rừng gặp phải hổ, trong tay không có thứ gì ngoài con dao. May mắn, bên cạnh có bụi tre orang, ba tui chặt tre, vuốt nhọn đầu mũi tạo thành cây thương dài sắc bén, đâm hổ bị thương phải bỏ chạy. Sau này, mỗi lần băng rừng tìm sản vật, vợ chồng tui thường thủ một cây thương bằng tre orang để phòng bất trắc. Và cũng nhờ nó mà chồng tui săn được nhiều thú”, già A Rất Mia (75 tuổi, xã Thượng Long) kể.

Orang thường mọc bên những khe, thác có dòng nước mát và được xem là loại cây “kén” đất. Vào khoảng độ tháng 9-12, măng orang xuất hiện. Muốn hái được loại đặc sản này phải băng qua những khu rừng sâu để tìm dòng nước mội. Vì thế, con người phải đối diện với hiểm nguy nơi chốn rừng thiêng, nước độc. Già A Rất Mia bảo rằng, ngày xưa, khi orang còn nhiều, mỗi ngày, sau chuyến đi rừng, một người có thể hái được cả tạ măng. Nhưng nay, thứ đặc sản của núi rừng khan hiếm theo thời gian.

“Bây giờ, ở vùng miệt núi này, thế hệ của tui là những người có thâm niên nhất trong việc hái orang. Lúc trước, trong những chuyến đi rừng, tổ tiên bất ngờ phát hiện orang, nếm thấy có vị giòn giòn, ngọt ngọt thế là bẻ về ăn thử. Về sau, nó trở thành thực phẩm không chỉ chống đói mà còn là đặc sản. Trước đây, tui mang ra chợ bán lấy tiền nhưng nay ít rồi, tuổi cũng cao nên cũng không còn sức đi hái”, già Mia nói.

Nhưng orang không chỉ dừng lại là thực phẩm của đồng bào. Nếu như truyền thuyết về Thánh Gióng dùng tre diệt giặc in sâu vào tâm khảm của mọi người dân Việt thì với những cựu binh già nơi miệt sơn cước, tre orang không phải là truyền thuyết mà chính là vũ khí thực sự giúp họ chống giặc.

Cựu binh Rapat Xuôm (70 tuổi, xã Thượng Long) kể rằng, những năm tháng chiến đấu, suốt tháng tá túc trong rừng sâu, chống đói bằng măng rừng, vót orang tạo hầm chông, hố chông cản bước chân kẻ thù. “Orang bén, cứng, không loại tre nào sánh bằng. Những con heo rừng nặng đến cả tạ khi dính bẫy chông orang cũng không thể nào thoát ra được. Bởi thế mà khi chiến đấu, đồng bào thường lấy loại tre này làm thành chông, ngụy trang dưới lòng đất, ngăn cản quân địch”.

Giúp dân giữ đất

Câu chuyện về orang bên nhà Gươl khiến chúng tôi tò mò và dẫu trời sắp đổ bóng, tôi vẫn giục anh Mão dẫn đi tìm orang xem dáng hình thế nào. Anh Mão bảo, bây giờ đi bộ phải mất hơn 30 phút nhưng chưa chắc đã hái được măng orang bởi nó chỉ vừa nhú, độ vài ngày nữa hái mới được. Thấy tôi có vẻ thất vọng, anh Mão nhảy ngay xuống sàn nhà, mang gùi, vác rựa, cười xòa: “Mình đi, nếu không có măng thì coi như là đi chơi”.

Măng orang-sản vật vùng cao

Từ xã Thượng Long, tầm hơn 30 phút cuốc bộ đường rừng, chúng tôi có mặt tại một con suối nhỏ nằm sát sườn đồi. Bằng con mắt kinh nghiệm, anh Mão dẫn tôi đi tìm dòng nước mội, nơi mà tre orang thường mọc. Có lẽ anh thuộc nằm lòng những con suối nơi đây nên một lát sau đã tìm ra một khóm orang xanh mướt. “Bụi ni chỉ mới nhú thôi, chưa hái được. Thôi đi tìm bụi khác”, anh Mão nói với giọng tiếc rẻ.

Men theo bờ, qua mấy con suối, chúng tôi vẫn không tìm được những búp măng ưng ý, thay vào đó là những khóm tre orang xanh ngắt, đốt dài hơn một mét, to chừng hơn bắp tay người lớn. “Bây giờ măng o rang không còn nhiều như trước. Người dân thấy mọc là bẻ ngay nên hiếm. Thôi mình quay trở về nhà, ghé sông A Kà thử vận may xem sao”, anh Mão gợi ý.

Bên dòng A Kà tựa vào núi, xanh trong chỉ xuất hiện vài khóm orang nhỏ phủ bóng xuống dòng sông. Vượt đoạn sông cạn chừng 100 mét, cuối cùng vận may cũng mỉm cười với chúng tôi. Từng búp măng nhô lên bên bờ sông, nhỏ thì bằng ngón chân cái, to thì cỡ bằng cổ tay người lớn. anh Mão lia rựa chặt hết. Những búp măng to, nhỏ chất đầy gùi. “Khu vực tre orang này là của người dân lấy giống từ rừng về trồng. Năm nay mình chặt hết thì năm sau nó lại mọc nên không sợ tuyệt chủng, khỏi phải lo”, anh Mão nói.

“Tre orang cũng có thể trồng? Sao không trồng dọc bờ sông A Kà nhiều hơn?”. “Có phải đoạn sông nào cũng trồng được orang đâu” – anh Mão cười giải thích. Hóa ra, khi nghe chuyện tre orang được người dân trồng khiến tôi quên bẵng việc loại cây “kén” đất này chỉ xuất hiện ở nơi có dòng nước mội. Lý do khiến người dân mang orang về trồng nơi đây không chỉ để duy trì loài măng ngon mà còn tận dụng nó để hạn chế sạt lở bờ sông mỗi mùa mưa lũ. “Tuy tre orang không to bằng các loại tre khác nhưng rễ của nó lại giữ đất tốt hơn tre thông thường. Chuyện này chưa có ai nghiên cứu nhưng quan sát sẽ thấy, đoạn sông có tre orang thì hai bên bờ không bị xói mòn. Tiếc rằng loại tre này quá “kén” đất…”, anh Hồ Văn Mão than thở.

Rời sông A Kà lúc trời vừa tắt nắng, câu chuyện măng tre orang vừa ăn ngon, vừa chống giặc, lại vừa giúp dân giữ đất cứ lẫn khuất trong tôi. Và rằng, dẫu khiêm tốn nhú mình bên bờ suối nhưng đằng sau những búp orang là cả một “huyền tích” của đồng bào vùng cao.

“Tre orang hay còn gọi là lồ ô orang, từ orang được người dân địa phương đặt. Loại tre này to bằng cán rựa mọc ở hai bên bờ suối trong rừng sâu nơi có dòng nước mát chảy qua. Hiện nay, ở núi rừng Nam Đông còn lại rất ít, chỉ xuất hiện ở khu vực rừng thuộc xã Hương Sơn, Thượng Long. So với các loại măng tre khác, măng orang giòn, thơm ngon hơn hẳn”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết.

Bài, ảnh: Lê Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án (DA), chính sách dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở các huyện vùng cao như Nam Đông, A Lưới đã mạnh dạn phát triển kinh tế, từ đó từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sau gần 2 năm triển khai Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 đã và đang hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, xóa nhà tạm giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tôn vinh 50 cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 11/12, UBND huyện A Lưới tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) huyện A Lưới lần thứ nhất.

Tôn vinh 50 cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số
Đưa bảo hiểm đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Để chính sách an sinh này đến với người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS), BHXH 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã đẩy mạnh truyền thông, giúp người dân tiếp cận với các chính sách của Nhà nước.

Đưa bảo hiểm đến với đồng bào dân tộc thiểu số
9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ

Tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, sau khoảng thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19, Hồ Viết Ái Duy (sinh năm 1997, dân tộc Pa Cô, trú thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học.

9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ
Return to top