ClockThứ Sáu, 22/07/2016 14:22

Indonesia: Bê bối vaccine giả cho thấy dấu hiệu khủng hoảng hệ thống y tế

TTH.VN - Một vụ bê bối vaccine giả cho trẻ em Indonesia trong thời gian gần đây đã khiến các bậc phụ huynh tức giận và xảy ra ẩu đả với bác sĩ ở thủ đô Jakarta, một dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống y tế của đất nước. Hãng tin AP ngày hôm nay (22/7) có bài viết về vấn đề này.

Một em bé được tái tiêm chủng tại trung tâm y tế cộng đồng ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Trước đó vào cuối tháng 6, những lọ vaccine giả chứa đầy dung dịch nước muối và thuốc kháng sinh đã được phát hiện ở 37 bệnh viện và phòng khám tại 9 thành phố ở Indonesia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm nước này cho hay.

Tính đến thời điểm hiện nay, 23 người đã bị bắt, trong đó có 3 bác sĩ. Số trẻ em bị ảnh hưởng bởi vụ việc vẫn đang được điều tra.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong tuần này đã đến thăm 1 bệnh viện, nơi gần 170 trẻ em được tái tiêm chủng. Ông Widodo yêu cầu người dân kiên nhẫn trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra về loại "tội phạm đặc biệt" trong vụ bê bối này.

Được biết, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu chương trình tái chủng ngừa miễn phí cho trẻ em từ hôm 18/7. Chương trình diễn ra tại các bệnh viện và phòng khám bị ảnh hưởng, trong đó có 14 bệnh viện ở thủ đô Jakarta và vùng ngoại ô Jakarta.

"Hiện nay, chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp và chúng ta phải nhanh chóng khắc phục điều này", Tiến sĩ Aman Bhakti Pulungan, người đứng đầu Hiệp hội bác sĩ Nhi khoa Indonesia nhấn mạnh.

Ông Pulungan nói rằng, hiện vẫn chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do vaccine giả, nhưng một số trẻ em có thể bị ốm mà không được phát hiện. Các loại vaccine giả liên quan đến một số căn bệnh thường gặp ở trẻ em, gồm bệnh sởi, ho gà, viêm gan và bệnh bạch hầu.

Những loại vaccine giả này được dán nhãn của các thương hiệu nhập khẩu. Vì thế, ông Pulungan tin rằng, số lượng trẻ em bị ảnh hưởng có thể ở quy mô nhỏ, bởi chỉ có 1% vaccine trong nước được nhập khẩu.

Trong một diễn biến liên quan, truyền hình địa phương trong tuần này đã chiếu đoạn phim cho thấy, một đám đông giận dữ gồm cha mẹ của những trẻ em bị tiêm vaccine giả ở bệnh viện Harapan Bunda, miền đông Jakarta có cuộc tranh cãi với một bác sĩ và sau đó xảy ra ẩu đả với bác sĩ này, trước khi nhân viên an ninh kịp thời can thiệp. Nhiều bậc phụ huynh khác cũng nổi cơn thịnh nộ với chính phủ, than phiền với các thành viên của quốc hội và yêu cầu sự giúp đỡ.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek kêu gọi người dân hết sức bình tĩnh và các bậc cha mẹ không nên hoảng sợ. Thế nhưng, sự mất lòng tin vào hệ thống y tế đã hằn sâu trong một đất nước đầy rẫy tham nhũng, bệnh viện quá tải và thiếu bác sĩ có trình độ. Đối với những người có đủ khả năng kinh tế, Singapore hay Malaysia thường là lựa chọn đầu tiên cho việc điều trị.

Trong khi đó, tiến sĩ Mohammad Kartono, cựu Giám đốc của Hiệp hội Y tế Indonesia cho hay, các quy định đã được thực hiện để đảm bảo quản lý an toàn các loại vaccine, nhưng việc thực thi và giám sát những quy định này lại yếu kém. Ông Kartono nói rằng, những vụ bê bối vaccine là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn nhiều và hệ thống y tế của toàn bộ của nước này nên được xem xét lại.

Lê Thảo (Lược dịch từ AP & Abcnews)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

Những ngày đầu năm 2024, đơn hàng xuất khẩu tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng trở lại. Các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tái khởi động, tìm cách để có thêm những đơn hàng mới trong thời gian tới nhằm ổn định sản xuất, phát triển.

Đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc
Indonesia mở thầu mua 500.000 tấn gạo

Theo tin từ Reuters, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo 5% tấm có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.

Indonesia mở thầu mua 500 000 tấn gạo
Return to top