ClockThứ Bảy, 19/08/2017 09:03

Ít kết quả xét nghiệm được liên thông sau gần 1 tháng triển khai

Việc liên thông kết quả xét nghiệm thực hiện tại các bệnh viện (BV) tuyến trung ương đã được thực hiện từ 1.8 tại 38 BV. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng triển khai, chỉ một số ít xét nghiệm được liên thông.

Sau gần 1 tháng triển khai, chỉ một số ít xét nghiệm được liên thông.

Không phải xét nghiệm nào cũng được liên thông

Mỗi năm BV Bạch Mai (Hà Nội) thực hiện hàng triệu xét nghiệm các loại. Từ 1.8, cùng với 37 BV tuyến trung ương, BV Bạch Mai cũng thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Do thời gian thực hiện còn ít nên chưa đánh giá được kết quả, tuy nhiên số xét nghiệm được liên thông không nhiều.

Lý giải điều này sau gần 1 tháng thực hiện, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho rằng: Theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.

“Chỉ đơn cử, có bệnh nhân buổi sáng làm xét nghiệm men gan ở BV Thành Nhàn nhưng chiều sang BV Bạch Mai bác sĩ vẫn yêu cầu xét nghiệm lại. Bệnh nhân cũng thắc mắc nhưng kết quả cho ra hoàn toàn khác nhau. Điều này không phải do chất lượng xét nghiệm khác nhau mà bệnh tình bệnh nhân nặng thêm. Trong trường hợp này, bệnh nhân vẫn cần làm xét nghiệm để tiên lượng bệnh và có hướng điều trị”- TS Hùng lấy ví dụ.

Bác sĩ Tuấn Anh, Trưởng khoa hoá sinh (BV Bạch Mai) cũng cho rằng: Liên thông nhưng đảm bảo chất lượng điều trị của bệnh nhân. Trong tổng số xét nghiệm BV vẫn làm, số lượng được phép liên thông đạt tỷ lệ ít. Không phải xét nghiệm nào cũng liên thông được.

Việc giảm chi phí, thời gian cho người bệnh không phải là tất cả, điều quan trọng là từ xét nghiệm chính xác để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Tuỳ thuộc vào tình trạng người bệnh, bác sĩ ra quyết định có phải làm lại xét nghiệm không.

Liên thông xét nghiệm – bước đệm quản lý bệnh nhân liên tuyến

“Nói như vậy không có nghĩa các BV từ chối xét nghiệm của bệnh nhân ở BV cùng hạng hay tuyến dưới. Xét nghiệm bất kỳ cơ sở nào cũng quan trọng. Đó là tài liệu tham khảo, để nhân viên y tế hiểu hơn về tiền sử bệnh của bệnh nhân”, TS Hùng nói.

Từ việc liên thông kết quả xét nghiệm, thời gian tới, các BV sẽ quản lý bệnh nhân theo hệ thống. Mỗi bệnh nhân sẽ có mã riêng. Khi mã bệnh nhân nhập vào hệ thống, các BV có thể theo dõi tất cả dữ liệu của bệnh nhân, trong đó có cả xét nghiệm. Điều này tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng lạm dụng khám chữa bệnh để rút BHYT.

Hiện nay, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Kết quả thường tốt hơn ở các BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh, hạn chế ở tuyến dưới. Cũng vì thế, tình trạng các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền của.

Theo lộ trình, chậm nhất đến năm 2018, kết quả xét nghiệm  sẽ liên thông đối với các phòng xét nghiệm thuộc BV hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Đến năm 2020, liên thông với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành. Năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc.

Cả nước hiện có 38 BV tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 BV huyện và 31 BV ngành. Bước đầu Bộ Y tế thí điểm thực hiện tại 38 BV trung ương, chọn mỗi chuyên ngành 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm

Theo Lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

Từ ngày 28 - 30/11, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Bộ Y tế phối hợp với Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền - Bộ Y tế tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên truyền thông vận động và huy động xã hội về xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu
Return to top