Thế giới
Hội nghị thượng đỉnh G20:

Italy kêu gọi tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022

ClockChủ Nhật, 31/10/2021 07:09
TTH.VN - Italy, quốc gia trên cương vị Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2021 cho rằng, các quốc gia G20 cần đảm bảo 70% dân số toàn cầu được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.

IMF và G20 kêu gọi giải quyết tắc nghẽn nguồn cung đang đe dọa nền kinh tế toàn cầuG20: Thương mại đa phương sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch

Thủ tướng Italy Mario Draghi tại Hội nghị thượng đỉnh G20, sự kiện đang được tổ chức ở thủ đô Rome (Italy) từ ngày 30-31/10. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 30/10, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhận định: “Chúng ta đang tiến rất gần đến việc đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là tiêm chủng cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021. Bây giờ, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để đạt được mục tiêu 70% vào giữa năm 2022”.

Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài trong 2 ngày ở thủ đô Rome (Italy), các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến ​​sẽ thảo luận về những nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu và các mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ông Mario Draghi lưu ý, trong khi hơn 70% dân số ở các quốc gia phát triển đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3% ở những nơi nghèo nhất trên thế giới. Qua đó, Thủ tướng Italy khẳng định: “Những khác biệt này là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, và làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu”.

Trong một động thái liên quan trước đó vào ngày 29/10, các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế của Nhóm G20 cũng đã nhóm họp, và đề cập đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm tới.

Nhằm đạt được mục tiêu này, các Bộ trưởng G20 đã cam kết thực hiện các bước để giúp thúc đẩy nguồn cung vaccine, các sản phẩm y tế thiết yếu và các yếu tố đầu vào ở những quốc gia đang phát triển, đồng thời loại bỏ những hạn chế về nguồn cung và tài chính có liên quan.

Tiếp đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo G20 rằng: “Chủ nghĩa đa phương là câu trả lời tốt nhất cho những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Từ đại dịch đến vấn đề biến đổi khí hậu, cho đến việc đánh thuế công bằng và bình đẳng, đi một mình đơn giản không phải là lựa chọn”.

Được biết, các nhà đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đang chạy đua với thời gian để đạt được một thỏa thuận về khí hậu, có thể được đưa vào Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), dự kiến được tổ chức tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh trong ngày hôm nay (31/10).

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Tiêm chủng mở rộng năm 2024: Đảm bảo nguồn vắc-xin

Trong đợt tiêm đầu năm 2024, các vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và bà mẹ mang thai đã được phân bổ về cơ sở. Nhiều phụ huynh vùng nông thôn vui mừng vì không phải tốn kém, vất vả lên thành phố tiêm dịch vụ các mũi còn thiếu trong năm 2023.

Tiêm chủng mở rộng năm 2024 Đảm bảo nguồn vắc-xin
Return to top