ClockThứ Tư, 09/09/2020 07:30

Kể chuyện rừng Sác

TTH - Sau này lớn lên, đi học rồi đi làm, tôi có dịp đọc nhiều sách vở tài liệu và được biết đó là những chiến công gắn liền với các chiến sĩ đặc công Rừng Sác.

Đổi thay nơi bìa rừngThả nhiều động vật rừng quý hiếm về môi trường tự nhiên

Tác giả bên cạnh mô hình chiến sĩ rừng Sác. Ảnh: ĐD

1. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, sống ở đó cho đến khi đến tuổi cắp sách tới trường mới ra Huế. Sài Gòn những năm 60 đọng mãi trong ký ức tôi là những chuyện kể về chiến tranh với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của lực lượng cách mạng. Tôi nhớ, dạo ấy cả Sài Gòn rúng động khi xảy trận đánh làm nổ tung con tàu Victory của Mỹ, hay sau đó không lâu là trận đánh bom Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, lửa cháy ngùn ngụt suốt 12 ngày đêm.

Sau này lớn lên, đi học rồi đi làm, tôi có dịp đọc nhiều sách vở tài liệu và được biết đó là những chiến công gắn liền với các chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Tôi cũng được biết, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền (gọi tắt của Bộ Tư lệnh các LLVT Nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam) ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác - cấp trung đoàn), với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.

Tính ra, trong 9 năm (1966 - 1975), Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch. Còn để tồn tại, ngoài nhu yếu phẩm do Nhân dân giúp đỡ, bộ đội đặc công nước còn phải tự túc bắt cua, còng, cá, hái lá kìm, đọt chà là... Rừng Sác và lính đặc công "Việt Cộng" là nỗi ám ảnh của nhiều lính Mỹ. Chính tướng Mỹ W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam thừa nhận, đó là “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”.

2. Sau nhiều lỡ hẹn, cuối cùng vào mùa hè năm 2019, tôi cũng có dịp đến Rừng Sác với tư cách là một khách du lịch. Ngay từ sáng sớm, tôi phải có mặt ở một địa điểm gần chợ Bến Thành để bắt đầu khởi hành đi Cần Giờ. Cách trung tâm thành phố khoảng chừng 50 km, xe chở đoàn khách chúng tôi chạy một mạch đến bến phà Bình Khánh, để từ đây dọc theo con đường Rừng Sác đến với khu du lịch Đảo Khỉ - căn cứ Rừng Sác.

Rừng Sác là tên gọi khác của vùng rừng ngập mặn Cần Giờ. Sác (tương đương với từ Palétuvier, tiếng Pháp) để chỉ một nhóm loại cây chỉ mọc được ở những bờ biển đất mới bồi còn quá thấp, nước mặn. Đó là tên chung chỉ các loại cây mọc ở vùng ngập mặn, như đước, mắm, bần, sú, vẹt… Với các loại cây này tiên phong, khi đất bùn được cố định, nước nhạt dần, cây dừa nước phát triển sau cùng trong đoàn quân lấn biển. Tương phản với không khí sôi động ở bên này, bên kia phà Bình Khánh là một Rừng Sác - Cần Giờ yên ả với một màu xanh trải dài, ngút ngàn tầm mắt.

Mặc dù được cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu khá kỹ càng, thế nhưng sau hơn cả tiếng đồng hồ mơ màng trên xe, chúng tôi vẫn vô cùng bất ngờ khi đến Đảo Khỉ. Vừa bước qua cổng khu du lịch, chúng tôi đã được đàn khỉ chào đón nồng nhiệt. Chúng nô nức nhảy trên cầu, leo cây đánh đu, nhảy lên cả ô tô. Một vương quốc khỉ rộn ràng với khỉ đực, khỉ cái, khỉ con... Nhiều con thoắt ẩn, thoắt hiện quanh các gốc đước gây sự chú ý của mọi người. Không khó để “mời” một chú khỉ cùng chụp ảnh lưu niệm với mình.

Tôi đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi mô khỉ dạn dĩ, tinh nghịch và dễ thương như nơi đây. Cô hướng dẫn viên du lịch cho biết, trước năm 1994, chỉ còn khoảng 100 con sinh sống ở sâu trong rừng. Cũng thời gian này, ý tưởng dụ đàn khỉ xuống núi để khôi phục và phát triển đàn, đồng thời biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái hình thành. Tổ bảo tồn động vật Cần Giờ ra đời. Họ phải nằm rừng nhiều ngày để phát hiện đàn khỉ, học thói quen, tập cho khỉ ăn, khỉ nghe quen tiếng hú của người, rồi dần dần dụ khỉ từ rừng về. Nhờ kiên trì, đàn khỉ ở khu du lịch nay nay đã lên tới hàng ngàn con.

3. Cùng với Đảo Khỉ còn có nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn nữa, thế nhưng đến Cần Giờ không thể không ghé thăm khu di tích lịch sử Rừng Sác. Sau buổi trưa nghỉ ngơi, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Đưa vào chúng tôi vào trung tâm căn cứ Rừng Sác là đội ca nô gần chục chiếc chạy hết công suất, mỗi chiếc chở 8 khách một lần lượt trên dòng nước đỏ đục của con lạch ngoằn ngoèo, xung quanh là các loại cây rừng ngập mặn. Chúng tôi như lạc vào một thế giới khác lạ với đầy cảm xúc ngập tràn.

Ca nô chạy khoảng hơn 5 phút, những hình ảnh đầu tiên về khu căn cứ cách mạng Rừng Sác bắt đầu hiện ra với những mô hình rải rác ở khắp nơi. Từ những nơi sinh hoạt của bộ đội như nhà quân nhu, xưởng quân giới, nhà quân y, nhà thông tin… đến những hoạt động thường ngày như may tư trang, bữa cơm của chiến sĩ, trưng cất nước ngọt… bao quanh tượng đài tưởng niệm gần 900 chiến sĩ đã ngã xuống đứng uy nghi giữa rừng, đều được mô phỏng thật gần gũi, giúp du khách hiểu được cuộc sống của các chiến sĩ năm xưa.

Có 1 mô hình là “đặc sản” của khu du lịch căn cứ Rừng Sác là chiến sĩ diệt cá sấu. Đó là câu chuyện đầy xúc động. Rằng hôm đó, địch vây ác liệt, ta không thể đi thuyền như mọi ngày để đưa tài liệu cơ yếu cho cấp trên. Ðoàn 10 đã cử đặc công Nguyễn Hữu Nghĩa cùng 2 đồng đội mang tài liệu vượt sông. Khi ra giữa dòng, đặc công Nguyễn Hữu Nghĩa phát hiện có cá sấu tấn công, anh bình tĩnh giật dây cảnh báo cho hai đồng đội biết và cởi dây để họ thoát nạn, còn mình chấp nhận đương đầu với cá dữ…. Ðúng ba tháng sau, anh em đi tuần mới vớt được bọc tài liệu, tiền cùng vũ khí còn nguyên vẹn. Kể lại câu chuyện, người hướng dẫn viên du lịch không kìm được cảm xúc: “Đánh Mỹ còn thấy đường mà đánh, chứ đánh nhau với cá sấu không biết đường nào mà lần”.

4. Cá sấu ăn thịt người như chuyện ngoài lề khó quên ở rừng Sác. Nếu Củ Chi được ví là “căn cứ chìm” thì rừng Sác là “căn cứ nổi”, và cả hai là biểu tượng của một Sài Gòn “gian lao mà anh dũng” trong kháng chiến chống Mỹ. Đến Rừng Sác, điều tôi cảm nhận là khúc sông hay bờ cây nơi đây đều thấm máu và đằng sau đó là những kỳ tích. Thật đau xót khi biết chiến tranh qua đi hàng chục  năm rồi, vậy mà vẫn còn hàng trăm hài cốt đặc công Ðoàn 10 chưa tìm được. Giờ đây, tại Nghĩa trang Cần Giờ vẫn xây bia mộ tưởng nhớ các anh.

Tôi như được hòa mình trong thiên nhiên xanh và không gian huyền thoại. Cứ thử tưởng tượng, giữa bầu trời thoáng đãng, thả mình lang thang trong rừng, ngắm mây xanh bồng bềnh, lắng nghe bản hòa ca hoang dại từ các loài chim ríu rít, ngắm nhìn những chú khỉ đùa mà không hề có gì e ngại con người, cuối cùng khám phá một thời huyền sử khi chiều tà buông xuống, một cảm giác thật lạ kỳ và thú vị. Quay trở lại khi phố thị lên đèn, tôi như chợt hiểu hơn danh xưng rừng ngập mặn đẹp nhất Đông Nam Á của Rừng Sác. Lại nghĩ, nếu không có Rừng Sác được ví là “lá phổi”, đồng thời là “quả thận” có chức năng làm sạch không khí và nước thải thì TP. Hồ Chí Minh hiện đại sẽ ra sao? 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Thừa Phủ không bí đường ra

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Thừa Phủ không bí đường ra
Return to top