ClockThứ Năm, 01/09/2016 05:11

Kể chuyện diệt giặc dốt

TTH - Một ngày sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt “giặc dốt”. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác bình dân học vụ tại một địa phương phía bắc. Ảnh tư liệu

Phong trào diệt “giặc dốt” đã được các địa phương trong tỉnh Thừa  Thiên Huế sôi nổi hưởng ứng. Giữa muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các xã trong tỉnh đều thành lập Ban Bình dân học vụ. Chính quyền, các đoàn thể quần chúng vận động và tổ chức mọi tầng lớp nhân dân trong ở các địa phương tích cực tham gia chiến dịch diệt “giặc dốt”. Bình dân học vụ đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng của toàn dân, không phân biệt già, trẻ, gái, trai.

Trong hồi ký “Đời người cách mạng”, NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2000, đồng chí Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kể lại phong trào diệt “giặc dốt” ở Thiên Thiên Huế: “Xã nào cũng mở trường tiểu học 3 lớp dạy cho con em học ban ngày, mở lớp bình dân học vụ cho nông dân lao động học ban đêm. Chính quyền xã tổ chức lớp lo đèn dầu, phấn viết, thanh niên học sinh tự nguyện làm thầy giáo. Riêng xã Thanh Thủy Thượng, nơi tôi và anh Lê Trọng Từ trực tiếp chỉ đạo đã mở 11 lớp, mỗi lớp trên dưới 50 người học ban đêm. Nông dân lao động ngày cày cuốc, đêm hăng hái đi học”.

Bình dân học vụ đã có những “thế phẩm”: lá chuối khô, mo cau thay giấy; lông gà chấm mực thay bút. Ảnh tư liệu

Tham gia dạy học có các thầy giáo, nhưng chủ yếu theo phương châm người biết chữ tham gia dạy, người chưa biết chữ thì tham gia học, người biết ít vừa dạy cho người chưa biết vừa học những người biết nhiều hơn. Mọi người dân trong xã đều nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc học. Trong số những giáo tiêu biểu lúc bấy giờ có thầy Dùng, tức đồng chí Tống Hoàng Nguyên, ở xã Lộc Điền (Phú Lộc), sau này là Phó Bí thư đặc khu Trị Thiên và là Tham tán Chính trị Đại sứ quán nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Liên Xô (cũ). Ngoài việc tham gia giảng dạy, thầy Dùng còn cho ra mắt tờ báo “Đại Phố”, phát hành được khoảng 2 - 3 số, có ý nghĩa về mặt chính trị, giúp cho mọi người có điều kiện nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần.   

Lớp học được tổ chức khắp nơi, chủ yếu là các đình làng, nhà thờ họ, nhiều chỗ tận dụng thêm các lều quán, bến nước, gốc cây, mượn thêm nhà ở hay đò để dạy học. Ở xã Đại Lộc (nay là xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc), các lớp học được tổ chức chủ yếu tại nhà ở gia đình với khoảng 10 học viên một lớp, người già nhất có thể 50 - 60 tuổi, học những lúc rảnh rỗi, chủ yếu vào buổi tối. Khó khăn là không có dầu hỏa, các lớp học phải thắp sáng bằng đốt lốp cao su. Vách nhà, sân phơi, cửa ra vào đều trở thành bảng để dạy và học. Thiếu phấn, bà con sáng tạo bằng cách lấy đá trắng (đá chết) hay than củi để thay thế. Khi tự học, thiếu giấy bút thì dùng que viết chữ lên mặt đất. Xã Phú Diên (Phú Vang) khắc phục tình trạng thiếu giấy bằng cách dùng mo cau. Đó cũng bức tranh chung ở các địa phương trong toàn tỉnh lúc bấy giờ.

Cách dạy và học mang tính sáng tạo rất cao, đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra. Các tổ chức đoàn thể ở Vinh Thái (huyện Phú Vang), Phong Thu (huyện Phong Điền) có “biện pháp mạnh” để bắt buộc mọi người tham gia học tập. Những ai không chịu đi học, nhất là thanh niên, đều bị chế diễu bằng các câu vè, kiểu như “Đôi ta cầm dây ra đón/ Đón ai đầu dường đón người mù chữ”, hay “Nực cười các chị đi bán cá trê, sợ chợ trưa cá chết, hỏi chữ xê nói cái vòng”… Ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) có đồng chí Hồ Hạp bày ra cách đánh bài chữ được bà con hưởng ứng nhiệt liệt. Xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) tổ chức kiểm tra đột xuất ở chợ, giáo viên hỏi mặt chữ, các chị không nhớ thì được nhắc bằng các câu ca, như “I tờ hai chữ giống nhau, I ngắn có chấm, tờ dài có râu” hay “O tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ thời thêm râu”. 

Ở rất nhiều địa phương, trong đó có xã Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), để đảm bảo chất lượng, sau mỗi đợt học, các ban phụ trách bình dân học vụ cùng với giáo viên tổ chức những kỳ thi nhằm công nhận những người đã thoát nạn mù chữ, đồng thời có biện pháp tăng cường dạy cho những người học còn yếu. Khắp các con đường của các thôn hay vào chợ đều có trạm kiểm tra bằng cách dựng cổng chào với hình thức đẹp, trên có bảng chữ đề sẵn, đến nơi ai đọc được thì đi qua cổng chính, ai không đọc được thì phải quay về hoặc luồn qua một cổng tre thấp, hẹp ở bên nách cổng lớn. Có câu ca: “Người ta đi chợ thì vui/ Tui đây đi chợ những chui, cùng luồn” . Ốt đột lắm, nhiều cụ già nay đã ngoài 80 tuổi ở Thủy Phương gặp tôi không giấu được cảm xúc.

Kết quả thu được phong trào diệt “giặc dốt” ở Thừa Thiên Huế những năm đầu sau Cách mạng Tháng 8/1945 thật đáng phấn khởi. Cuối năm 1946, toàn Thừa Thiên Huế cơ bản thanh toán được nạn mù chữ, riêng xã Phú Hương (tức Vinh Thanh và Vinh An nay) là một trong những xã được Quốc hội tuyên dương khen thưởng. 71 năm đã đi qua nhưng mãi mãi vẫn là hình ảnh khó quên về các lớp học xóa mù chữ được đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ mô tả lại trong hồi ký “Quê hương và cách mạng”, Nxb Thuận Hóa ấn hành năm 2001: “Tối tối tiếng thầy giáo giảng bài, tiếng học trò đọc từng chữ cái và ghép vần râm ran thật là vui. Những cụ già đầu bạc, những bà mẹ má đã nhăn nheo, những chàng trai, những cô gái khỏe mạnh dõng dạc đọc to từng chữ do những em bé 13 -14 tuổi vừa đọc lên, không khí ham học, ham hiểu biết tràn đầy thôn xóm và phố phường. Nhìn vào không khí của nhiều lớp học ban đêm, mọi người càng tin tưởng vào khả năng diệt giặc dốt của dân ta”.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top