ClockThứ Sáu, 15/06/2018 08:27

Kê khai và công khai

TTH - Dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 6) thu hút sự quan tâm của dư luận.

Với nhiều nội dung mới, nhất là với các quy định về kiểm soát tài sản của quan chức, dự án luật này được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến mới trong công cuộc chống "giặc nội xâm".

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, không phải bây giờ mới có và không phải vấn nạn của riêng một quốc gia nào. Xã hội càng phát triển thì tham nhũng càng tinh vi, phức tạp. Có người ví, tham nhũng như con sâu trong vườn rau. Rau càng xanh non thì hấp dẫn các loại sâu. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sâu có thể phá hoại cả vườn rau. Diệt sâu phải gắn với bảo vệ rau. Công cuộc chống tham nhũng cũng vậy, quyết liệt nhưng phải có giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và đang trong quá trình hoàn thiện pháp luật nên vẫn còn nhiều kẽ hở để tham nhũng phát triển. Tham nhũng giờ đây được xem như “giặc nội xâm”, được Đảng ta xác định là 1 trong 4 nguy cơ lớn của đất nước.

 Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều giải pháp đồng bộ kiên quyết xử lý các vụ tham nhũng nổi cộm, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện kê khai tài sản... Công tác phòng chống tham những năm 2017 đọng lại nhiều ấn tượng gắn với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 01-QĐ/TW quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) trong phòng, chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền cho UBKT. Theo đó, việc xử lý đảng viên tham nhũng không có “vùng cấm”. Điều này thể hiện quan điểm nhất quán, kiên quyết của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng còn thấp. Cái khó trong phòng, chống tham nhũng là tham nhũng thường gắn với quyền lợi, gắn với người có chức, có quyền, có điều kiện và ngày càng tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức. Chẳng hạn, việc kê khai tài sản được thực hiện vài năm nay, nhưng việc kiểm tra, xác minh tính trung thực của các bản kê khai không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Với dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này, nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Trong đó đáng chú ý là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước; quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc…

Tuy còn có những ý khiến khác nhau về dự án Luật, nhưng với  quan điểm phòng là cơ bản, chống là quan trọng, làm tốt việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật thì công tác hậu kiểm cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nếu làm tốt việc kê khai, công khai, hậu kiểm thì sẽ có ngay câu trả lời, tài sản của vị cán bộ nọ là bao nhiêu, tăng thêm là do đâu; con đi học nước ngoài nhờ học giỏi được cấp học bổng hay lợi dụng ngân sách, được tài trợ không minh bạch...

Kê khai, công khai đi đôi với kiểm tra giám sát là cơ chế kiểm soát hiệu quả nhất trong phòng, chống tham nhũng từ nội bộ đến ngoài xã hội. Làm tốt công tác này không nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, mà còn góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý ngành dược theo thị trường, công khai, minh bạch, chất lượng an toàn

Quản lý ngành dược theo thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, có kiểm soát chất lượng an toàn, giá rẻ nhất. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, chiều 19/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Quản lý ngành dược theo thị trường, công khai, minh bạch, chất lượng an toàn
Thực hiện "3 gặp, 4 biết" chặt chẽ, công khai và minh bạch

Sau khi hoàn thành công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2024, Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) 9 huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác thâm nhập "3 gặp, 4 biết" chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình.

Thực hiện 3 gặp, 4 biết chặt chẽ, công khai và minh bạch
Lập qũy liêm chính

Không ít lần, khi đề cập đến công tác làm luật, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến “tính liêm chính khi làm luật”.

Lập qũy liêm chính
Return to top