ClockThứ Bảy, 05/07/2014 06:04

Kế thừa & tự lập

TTH - Đọc trong cùng một tờ báo, hai trang viết đăng lá thư của một cháu học sinh sắp thi vào đại học và tâm sự của một cặp vợ chồng có con sắp thi vào đại học năm nay. Nội dung lá thư của cháu học sinh và tâm sự của hai người làm cha mẹ là hai trường hợp ngược nhau gần như hoàn toàn: một bên, người con vừa rất muốn tự quyết định tương lai đời mình vừa muốn nghe theo cha mẹ để tỏ lòng hiếu thuận, một bên cha mẹ có sẵn mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con kế thừa sự nghiệp cao quý nhưng không làm cách nào thuyết phục được con nối nghiệp cha mẹ. Đúng là hai nỗi khổ tâm khác nhau nhưng cùng giống nhau ở chỗ không biết làm thế nào cho trọn vẹn giữa kế thừa và tự lập.

Tương truyền, cụ Nguyễn Cư Trinh có cặp câu đối rất hay như sau: Phụ nghiệp, tử năng thừa. Quân ân, thần khả báo (Sự nghiệp của cha (mẹ), con có đủ khả năng kế thừa. Ơn vua, bề tôi có thể báo đáp). Người xưa cũng luôn quan niệm rằng gia đình nào mà con cái nối nghiệp cha mẹ (dĩ nhiên là sự nghiệp vẻ vang hoặc nghề nghiệp lương thiện) thì gia đình đó có truyền thống tốt, nếu con cái lại vượt cha mẹ trong sự nghiệp thì quả thật có phúc lớn. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình, đại gia đình hoặc cả dòng họ có nhiều đời kế tiếp nhau hành nghề, nhiều đời lưu danh tốt. Dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh, Nguyễn Khoa, Hồ Đắc ở Thừa Thiên Huế, họ Phạm Gia ở Hà Nội, đại gia đình nhà giáo Nguyễn Lân, đại gia đình nhà cách mạng họ Mai ở Bình Định, hai cha con cố Giáo sư Tôn Thất Tùng - Tôn Thất Bách và rất nhiều dòng họ, gia đình khác mà tôi không sao kể ra hết… là những minh chứng cụ thể về trường hợp con cháu kế thừa sự nghiệp vẻ vang của cha ông mà không hề chịu mặc cảm “núp dưới cái bóng của cha mẹ thành đạt” bởi vì họ thực sự có tài và được may mắn kế thừa “gia tài tri thức và kinh nghiệm của cha ông”.

Vợ chồng tôi rơi đúng vào trường hợp của hai vợ chồng trong bài báo nói trên dù không có đủ điều kiện tuyệt vời như họ. Vì vậy, tất cả ba đứa con của chúng tôi đều không theo nghiệp cha mẹ, không ở lại quê mà vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, định cư luôn ở đó. Khi biết rõ ý định của các con, vợ chồng tôi - nhất là tôi rất buồn nhưng không cố sức ngăn cản hay ép buộc mà nhẹ nhàng đồng ý với lời dặn dò: “Các con cố gắng học và làm việc cho tốt theo nghề đã chọn”. Cho đến nay, sau 5-15 năm, cơ bản các con tôi đã thực hiện tốt. Tôi biết có một trường hợp con trai độc nhất của một vị giáo sư y khoa - nhà phẫu thuật người Việt nổi tiếng thế giới không chịu theo sự nghiệp lẫy lừng của ông nội và cha mà theo nghề… người mẫu. Nhà văn hóa - nhà giáo lừng danh Hoàng Minh Giám có con trai không theo nghề giáo ngay từ đầu mà theo nghề VĐV điền kinh: Ông Hoàng Vĩnh Giang. Cuối cùng ông ấy vẫn có một sự nghiệp thể thao thành công khá lớn đáng để con cháu tự hào. Lại có rất nhiều trường hợp ông bà cha mẹ là những danh nhân lịch sử oai hùng nhưng con cái chìm khuất đâu đó dù vẫn theo nghiệp cha ông hoặc được nâng đỡ, dìu dắt, chăm lo chu đáo của gia đình, thậm chí của nhà nước các thời khác nhau. Chưa kể ngày nay, nhiều trường hợp cậu ấm cô chiêu cậy cha mẹ giàu có, nhiều quyền lực nên đâm ra hư hỏng, dù có được cho ăn học, sau đó, chạy chọt xin điểm, mua bằng hoặc được “cơ cấu, quy hoạch” ưu ái nhưng vẫn khó thành công, nếu không muốn nói là thất bại. Do vậy, không hẳn kế thừa sự nghiệp hay công việc của cha mẹ để lại đã là một sự đảm bảo thành công, nếu con cái thực sự không ham thích hoặc không có khả năng. Cũng đã có rất nhiều trường hợp người trẻ thành công khi tự quyết định con đường đi của mình. Cái chính là bản thân con cái phải thật sự hiểu mình yêu thích cái gì, có hay không có năng khiếu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tâm lý của một bộ phận khá đông lớp trẻ ngày nay ưa “chống đối ý muốn của cha mẹ” vì tính ngông ngạo của lứa tuổi ưa làm người lớn nhưng vẫn rất trẻ con. Trong trường hợp đó, cha mẹ cần nhờ cậy nhiều người lớn có uy tín hoặc bạn bè tốt thân thiết với con mình để khuyên nhủ. Đôi khi gặp phải “hòn đá tảng cứng đầu” khó bảo, cha mẹ cũng cần phải liều theo kiểu “để cuộc đời dạy cho một bài học” thì mới mở mắt ra, hoặc “muốn biết bơi phải nhảy xuống nước”. Tuy nhiên không bỏ mặc mà dõi theo.
Mong và hy vọng nhiều bạn trẻ khác đang “bâng khuâng đứng giữa bao dòng nước” sáng suốt tìm ra dòng nước cho đời mình, chớ đắm chìm vào những ngọn sóng lo âu quá mức khi kỳ thi sắp đến
Phạm Xuân Phụng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Return to top