ClockThứ Bảy, 03/09/2016 13:51

Kể từ cuộc “thiên di” ấy

TTH - Từ năm 1976, theo tiếng gọi của Đảng, nhiều người dân ở Quảng Điền tình nguyện giã từ quê hương lên khai hoang, xây dựng quê hương mới Sơn Thủy (A Lưới) ngày nay. Sau 40 năm từ cuộc “thiên di” ấy, Sơn Thủy bây giờ đã trở thành vùng đất hứa...

Ký ức

Đến xã Sơn Thủy, quang cảnh hiện dần trước mắt tôi là một vùng đất giàu về diện tích rừng kinh tế và năng động về lĩnh vực dịch vụ. Ông Lê Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã tiếp chúng tôi và vào đề ngay: Tháng 3/1976, A Lưới được thành lập, cũng là lúc dân cư ở Quảng Điền tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới tại A Lưới bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước phát triển sản xuất. Thời gian đầu, bà con vừa ổn định chỗ ở, vừa phát nương làm rẫy. Đến năm 1977, 18 tổ đoàn kết sản xuất được hình thành, mỗi tổ bình quân 30-40 hộ, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất. Năm 1979, xã thực hiện chủ trương thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, hoàn thành công tác cải tạo quan hệ sản xuất, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của địa phương…

Học sinh ở Sơn Thủy nay đã có điều kiện học hành tốt hơn

Theo câu chuyện của Bí thư Tâm, tôi tìm đến nhà anh Văn Đình Quế, ở thôn Quảng Vinh, một trong những người đầu tiên theo gia đình lên khai hoang ở vùng đất mới Sơn Thủy này. Anh Quế nhớ lại: “Thời kỳ đầu ai cũng hoang mang vì vùng đất mới Sơn Thủy lúc đó cằn cỗi, lau lách, cỏ tranh mọc cao hơn nữa thân người. Đất đai thì chi chít hố bom, mìn... nhìn sởn cả gai ốc. Tập quán canh tác của bà con lại lạc hậu, vì thế ai cũng lo”. Những ngày đầu lên khai hoang, gia đình anh sản xuất mỗi năm một vụ lúa cạn xen sắn và ngô, với khoảng 2 thùng lúa giống (tương ứng sản xuất 0,5ha lúa nước), nhưng đến khi thu hoạch chỉ được 20 thùng lúa. Anh Quế cho biết: “Vì năng suất rất thấp, nên lúc đó thu hoạch lúa chủ yếu để dự trữ sản xuất, còn trong nhà toàn ăn cơm độn sắn. Nồi cơm mà gần 90% là sắn…”.

Ông Văn Đình Thọ, 73 tuổi, cũng là người tiên phong vận động bà con tham gia di cư xây dựng quê hương mới, tâm sự: Ngày đầu mới di cư đến khó khăn cứ chồng chất. Nhà nước hỗ trợ gạo, muối và các nhu yếu phẩm cho các hộ trong suốt quá trình khai hoang tái thiết lập làng. Các ban, ngành hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tôn lợp nhà... Người dân bắt tay vào xây dựng nhà cửa, phát hoang trồng trọt.

Từ các làng quê ở Quảng Điền lên Sơn Thủy lúc đó phải đi bằng xe tải mất 12 giờ đồng hồ, đường sá toàn đất đá lởm chởm. Nhiều gia đình phải 2-3 chuyến xe mới vận chuyển hết vật dụng. Có chuyến phải đi trong đêm để kịp thời gian tập kết. Nói theo cách của Bí thư Tâm là: “Cứ như ra trận vậy!”. 

Vùng đất hứa...

Trước lúc đưa dân lên xây dựng vùng kinh tế mới, Ban Kinh tế mới huyện Quảng Điền được thành lập. Trước yêu cầu cấp thiết và theo đề nghị của Ban Kinh tế huyện Quảng Điền, tháng 5/1976, một chi bộ trực thuộc Huyện ủy Quảng Điền được thành lập là tiền thân của Đảng bộ xã Sơn Thủy ngày nay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ổn định địa bàn và khai hoang phát triển sản xuất, Ban Kinh tế mới huyện Quảng Điền rút về, chi bộ lúc đó chỉ còn 2 đảng viên. Huyện ủy A Lưới chỉ đạo thành lập Chi bộ Sơn Thủy gồm 4 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên của huyện Quảng Điền và 2 đảng viên là bộ đội đóng quân trên địa bàn được tăng phái. Đến năm 1978, HĐND xã khóa I được bầu cử, UBND xã được thành lập. Cùng với đó, công tác mặt trận và các đoàn thể quần chúng cũng được hình thành, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác vận động Nhân dân đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng quê hương mới.

Theo Bí thư Tâm, nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền xã lúc bấy giờ là tập trung xây dựng một số mô hình sản xuất gia trại, kinh tế hộ và phát triển hệ thống ngành nghề, dịch vụ phân phối hàng hóa. “Đến năm 2003, từ chủ trương của huyện, xã phát động chương trình trồng rừng kinh tế, mở ra hướng phát triển mới của vùng đất này. Trong năm 2009, huyện tiếp tục hỗ trợ cho bà con cây giống, phân bón để trồng mới thêm 50ha rừng kinh tế. Đây là ngành mũi nhọn giúp bà con sớm vượt lên khó khăn và vươn lên làm giàu trên quê hương mới Sơn Thủy” – ông Tâm nói. Có nguồn thu từ rừng kinh tế, lại có chủ trương về phát triển các ngành nghề và lĩnh vực dịch vụ, bà con mạnh dạn đầu tư phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như rèn, mộc, nề; các dịch vụ quán ăn, may mặc, dịch vụ nông nghiệp, phục vụ nhu cầu trên địa bàn. Từ năm 1980 đến nay, kinh tế của Sơn Thủy phát triển khá ổn định, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, toàn xã đã có 216 hộ sản xuất kinh doanh, trong đó 76 hộ làm dịch vụ công nghiệp, 83 hộ tiểu thương nghiệp, dịch vụ sản xuất nông nghiệp gần 70 hộ… Anh Văn Đình Quế tự hào: “Nhờ chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, gia đình tôi đầu tư mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng gia trại, mỗi năm tổng thu nhập trên 400 triệu đồng. Ấy vậy mà vẫn còn thua kém các gia đình khác nhiều”.

Kinh tế phát triển, người dân Sơn Thủy chung tay đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đến bây giờ, cơ sở hạ tầng của Sơn Thủy khá đầy đủ, địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới và đang phấn đấu cán đích chương trình này trong năm 2016. Xã cũng đã có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non đang tiếp tục đầu tư các phòng chức năng để con em địa phương có điều kiện học hành tốt hơn. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đạt 80% trở lên…

Hôm ở Sơn Thủy, tôi còn được gặp ông Nguyễn Ngọc Đức, 85 tuổi, một trong những người đầu tiên lên khai hoang ở vùng đất mới này. Ông Đức phấn khởi: “Sơn Thủy, quê hương thứ hai này của chúng tôi bây giờ đã là một vùng đất hứa...”.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Return to top