ClockThứ Năm, 07/04/2016 09:49

Kẻ xâm hại tình dục được 'gỡ tội' còn nạn nhân bị định kiến bao vây

Trong khi những kẻ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ được dư luận “gỡ tội” thì nạn nhân (là trẻ em và phụ nữ) lại bị các định kiến kết tội như: Không ngoan, vụng về, không biết cư xử nên bị đánh; ăn mặc hở hang...

Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, các tổ chức xã hội đã phát động phong trào lấy chữ ký vào lá thư gửi tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vì một thế giới an toàn cho trẻ em gái và phụ nữ. Chỉ sau 1 ngày, lá thư đã nhận được gần 1.500 chữ ký và gần 600 ý kiến.

Xử lý hời hợt, sai lệch

Trong lá thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các tổ chức đã dẫn những vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em nghiêm trọng diễn ra thời gian gần đây nhưng xử lý không nghiêm. Như vụ 23 em gái bị bảo vệ dâm ô tại trường dân tộc bán trú ở Lào Cai suốt một thời gian dài mới được phát hiện. Nghệ sĩ Minh béo bị bắt ở Mỹ vì cáo buộc dâm ô và quấy rối tình dục nhưng trong nước lại có các nhóm tìm cách “ủng hộ”, chạy tội cho Minh béo.


Luật pháp bảo vệ trẻ em và phụ nữ khá đầy đủ nhưng luật không rõ ràng nên khó áp dụng.  Ảnh: I.T

Đáng nói, vụ “thầy giáo luồn qua nách” học sinh nữ lớp 8 tại TP. Châu Đốc (An Giang) khiến em này phải chụp ảnh tố cáo. Trước đó, thầy giáo này đã nhiều lần có hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục như vậy khiến em gái bất an, tố cáo với mẹ nhưng mẹ không tin. Em này đành nhờ bạn chụp ảnh thầy giáo đang “luồn tay” qua nách mình từ đằng sau để đăng Facebook tố cáo. 

Bà Nguyễn Thu Thuý – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA nhận định: “Dâm ô, quấy rối tình dục, XHTD đều là hành vi phạm tội không được phép tại bất cứ quốc gia nào. Ai phạm tội sẽ bị luật pháp trừng trị. Nếu chúng ta nhìn nhận và xử lý về XHTD trẻ em như vậy thì làm sao trẻ em được bảo vệ? Nếu vậy thì đến bao giờ XHTD mới được nhìn nhận một cách nghiêm túc để trừng phạt kẻ phạm tội và răn đe những kẻ có ý định phạm tội? Những vụ việc XHTD liên tục xảy ra khiến những người có lương tri phải hổ thẹn”.

Theo bà Thuý, trong khi những kẻ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ được dư luận “gỡ tội” thì nạn nhân (là trẻ em và phụ nữ) lại bị các định kiến kết tội như: Không ngoan, vụng về, không biết cư xử nên bị đánh; ăn mặc hở hang, có cử chỉ, lời nói khêu gợi nên bị cưỡng bức “là do tự chuốc lấy”… “Luật pháp bảo vệ trẻ em và phụ nữ khá đầy đủ nhưng luật không rõ ràng nên khó áp dụng, hoặc người thực thi thiếu năng lực, cả nguyên đơn và bị đơn cùng thiếu kiến thức… Đó là chưa kể đến việc XHTD bị bỏ qua, không được xử lý, xử lý nhẹ hoặc bị chạy án…” – bà Thuý chia sẻ.

Bị “xâm hại” nhiều lần

Theo bà Thuý, một trong những điểm “đáng sợ” khiến các nạn nhân bị XHTD đau đớn nhất chính là quá trình tố tụng thiếu nhạy cảm của chúng ta hiện nay. “Có nạn nhân bị XHTD cho biết, cô cảm giác như bị hiếp dâm 6-7 lần, vì cô phải năm lần bảy lượt kể chi tiết mình bị XHTD ra với cơ quan pháp luật. Đã thế, các cán bộ còn hỏi các câu hỏi nhạy cảm, quy kết như “có phải cô ăn mặc quá hở hang”, “có phải cô có ý khêu gợi”, “tại sao biết nguy hiểm mà cô vẫn theo vào đó…”. Những câu hỏi định kiến, quy trình tố tụng thiếu nhạy cảm càng khắc sâu nỗi đau hơn với nạn nhân” – bà Thuý nhận định. Bà Thuý cho biết, tại Mỹ, các vụ XHTD, nạn nhân chỉ kể 1 lần, sau đó được quay video và coi đó là bằng chứng trước toà.

Bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số CCHIP nhận định: “Thực ra luật của Việt Nam nhìn trẻ em theo hướng bảo hộ chứ không phải bảo vệ. Trong Luật Trẻ em vừa thông qua thì mới đặt hướng tiếp cận tập trung vào bảo vệ đặc biệt là bảo vệ cấp độ 1 tức là bảo vệ thông qua Giáo dục.

Chính vì chỉ chú trọng vào bảo hộ, trẻ em Việt Nam không có được các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình và gia đình cũng thiếu kỹ năng này. Xã hội lại đặc biệt né tránh vấn đề về tình dục và XHTD. Các vụ việc này đều bị coi là tiếng xấu cho các em, cho gia đình nên mọi người thường không báo cáo, che giấu. Chưa kể một số trường hợp bị đánh lận con đen, người bị hại trở thành người bị lên án” – bà Tú Anh phân tích.

Theo bà Tú Anh, sự thiếu vắng của hệ thống hỗ trợ pháp lý và sự thiếu nhạy cảm của việc điều tra khiến các nạn nhân khi tham gia các phiên xử này lại như bị bạo hành, bị xâm hại thêm nhiều lần nữa. Cuối cùng là sự thiếu nghiêm minh của pháp luật nên nhiều kẻ phạm tội vẫn không bị xử lý. “Chúng ta cần học tập cách cảnh sát Mỹ thu thập bằng chứng, đừng dồn quá nhiều gánh nặng lên các nạn nhân và biến họ trở thành người phải chịu trách nhiệm chính cho việc tố giác và xử lý tội phạm” – bà Tú Anh khuyến cáo.

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.

Theo Dân Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ kép đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV ở Việt Nam trong tình hình hiện nay. Không chỉ vậy, họ cũng là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao đối với bệnh đậu mùa khỉ nếu dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Nguy cơ kép đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ càng sớm, càng tốt

Những vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang ngày càng gia tăng gần đây khiến dư luận không khỏi lo lắng. Các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con về kỹ năng phòng ngừa XHTD từ khi nào và như thế nào? Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với thạc sĩ (ThS) Phạm Thị Thúy Hằng, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ càng sớm, càng tốt
Return to top