ClockThứ Năm, 01/02/2018 05:56

Kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhiều người băn khoăn

TTH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, kể từ năm 2021. Thông tin này khiến nhiều người băn khoăn.

Tăng tuổi nghỉ hưu không nên đổ đồng và cào bằngNâng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp tối ưu để đảm bảo quỹ BHXH?

Kiểm tra áo xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hữu Hài

Không nên tăng tuổi lao động 

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến về sửa đổi BLLĐ. Một trong hai phương án được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình. Theo đó, từ ngày 1/1/2021, lao động nam đủ 60 tuổi, nữ 55 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng làm việc cho đến khi nam đủ 62, nữ 60 tuổi sẽ nghỉ hưu. Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2019, biểu quyết vào kỳ họp tháng 10/2019.

Lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì đây là một giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phương án tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ hưu trí là chưa thuyết phục.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: “Để giải quyết bài toán về quỹ BHXH hoặc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới mà nâng tuổi nghỉ hưu thì không thuyết phục. Với phụ nữ, đến 55 tuổi đã thấy mệt mỏi, nếu kéo dài tuổi hưu, nhiều người sẽ không đủ sức tiếp tục làm việc sau khoảng thời gian dài gánh trên vai rất nhiều việc của gia đình, xã hội”.

Công nhân làm việc trong lĩnh vực may mặc ở Khu công nghiệp Phú Bài

Bà Hương phân tích thêm, với lao động nữ làm những việc nhẹ nhàng, có thể đến 60 tuổi vẫn có đủ khả năng, kinh nghiệm để cống hiến tiếp cho công việc khi người ta chăm sóc sức khỏe tốt. Nhưng với phụ nữ làm việc trong lĩnh vực lao động chân tay, hẳn nhiều người rất muốn nghỉ ngơi, không đủ sức để kéo dài thời gian làm việc. Thu nhập hàng ngày không đủ để tái tạo sức lao động, kéo dài thời gian lao động cũng không ý nghĩa gì với họ. Hơn nữa, trong quá trình phấn đấu cho sự nghiệp, phụ nữ thiệt thòi hơn nam giới khi phải mất từ 7-10 năm để chăm lo gia đình. Khi rảnh rang hơn với công việc gia đình thì nhiều phụ nữ lại hết tuổi quy hoạch. Ở góc độ này, cần nghiên cứu để có chế độ chính sách ưu tiên hơn để phụ nữ khỏi bị thiệt thòi trong thăng tiến, quy hoạch, nâng lương, nghỉ hưu..., tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ. Thế nhưng, kéo dài thời gian lao động không phải là cách tối ưu.

Thu hẹp cơ hội việc làm của thế hệ trẻ

Ông Hoàng Nhuận, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Thịnh bày tỏ: “Trong những lĩnh vực công việc nặng nhọc, như: hầm lò, sản suất hóa chất nếu tăng tuổi nghỉ hưu e hơi căng, sức khỏe của người lao động không đáp ứng được. Đơn cử với lao động nữ làm việc trong ngành dệt may, một ngày hơn 8 tiếng chăm chú vào từng đường kim mũi chỉ thì khó có thể kéo dài tuổi lao động từ 55 lên 60”.

Trao đổi với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động trí óc lẫn chân tay, nhiều người không muốn kéo dài tuổi hưu. Anh Trương Văn Túy, nhân viên Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Thịnh, cho rằng: “Với công nhân trực tiếp sản xuất, ngay với đàn ông cũng phải bỏ ra sức lao động nhiều, xuống sức rất nhanh nên việc tăng tuổi hưu cần phải được cân nhắc. Nếu kéo dài tuổi lao động thì chưa chắc người lao động có thể đảm đương nổi”.

Với lao động nữ phổ thông càng vất vả hơn. Chị Phạm Thị Vui, công nhân vệ sinh ở Khu Công nghiệp Phú Bài chia sẻ: “Công việc khá vất vả. Nếu kéo dài thời gian lao động e tui không làm nổi”. TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, giảng viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho hay: “Tôi không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt đối với phụ nữ tăng lên 60 tuổi. Tăng tuổi nghỉ hưu có thể chỉ nên tập trung ở một số ngành nghề. Bởi vì với các nghề lao động, làm việc trong môi trường độc hại, sức khỏe phụ nữ Việt không đảm bảo để kéo dài tuổi nghỉ hưu”.

Một số ý kiến tỏ ra lo ngại, kéo dài tuổi hưu cũng đồng nghĩa với cơ hội việc làm cho giới trẻ bị thu hẹp. Hiện nay, tỷ lệ người trẻ đang thất nghiệp khá cao. Kéo dài tuổi nghỉ hưu của người đang tại vị sẽ khiến người trẻ càng khó xin việc. Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương lo lắng: “Một thế hệ trẻ được đào tạo bài bản nhưng không có việc làm là điều xót xa, là bài toán nan giải cho kinh tế gia đình và xã hội. Nếu tăng thời gian nghỉ hưu trong điều kiện thực hiện tinh giản bộ máy hiện nay thì cơ hội việc làm của giới trẻ càng khó khăn”.

Theo ý kiến của TS. Quỳnh Hương, việc tăng tuổi nghỉ hưu của cá nhân nên tùy vào nhu cầu của đơn vị và có quy chế sàng lọc rõ ràng để tránh tình trạng đơn vị đang cần người lại không thể giữ người vì họ đến tuổi về hưu, hoặc những người không còn năng lực nhưng vẫn muốn ăn lương Nhà nước.

Minh Hiền 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỔ XÔ RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN VÌ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỬA ĐỔI:
Cần truyền thông sâu rộng

Thông tin từ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi liên quan đến 2 phương án rút BHXH một lần thời gian qua khiến nhiều người lao động (NLĐ) hoang mang và đổ xô nghỉ việc để rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cần truyền thông sâu rộng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Return to top