ClockThứ Hai, 22/02/2016 06:00

Kẹo đậu phụng Huế

TTH - Những ngày giáp Tết, trời Huế có chút tê tái, bên những tách trà nóng bỗng một người trong nhóm nhắc kẹo đậu phụng. Có người nghĩ đến những thanh kẹo lạc miền Bắc được bán ở mấy quán trà đêm trong sân ga Huế. Còn tôi lại thấy nhớ những thanh kẹo đậu phụng bọc ni lông, món quà vặt thời còn tiểu học.
Sản phẩm kẹo đậu phụng của chị Lài

Tuổi thơ của chúng tôi mấy khi được bố mẹ cho tiền quà vặt, có thì cũng chỉ dám nghĩ đến kẹo đậu phụng, kẹo gừng hay kẹo kéo là cùng. Cái thời “cơm độn bo bo” mà được ngậm gì ngòn ngọt thì tuyệt biết mấy. Kẹo đậu phụng vừa ngọt vừa bùi, lại vừa túi tiền làm sao lũ trẻ chúng tôi không mê cho được. “Bữa nay, không biết ở Huế có còn ai làm kẹo đậu phụng nữa không?”. “Răng không, về Thủy Dương (TX Hương Thủy) hỏi nhà ông Làm, mua mấy chẳng có”. Một người lên tiếng, một người nữa đáp lại và tôi tò mò đến Thủy Dương. Đến chợ, hỏi nhà ông Làm “kẹo đậu” ai cũng biết. Ông Làm không có nhà, nhưng từ cơ sở bên cạnh tỏa ra mùi thơm của đường chín. Tôi mạnh dạn gõ cửa mới biết đó là cơ sở sản xuất kẹo đậu phụng Thành Trung của chị  Ngô Thị Lài, con gái ông Làm. Trong vai người mua kẹo, tôi lân la hòa mình vào cơ sở sản xuất của chị Lài. Nói chuyện với tôi, nhưng chị Lài không xao lãng bất cứ động tác nào của quy trình sản xuất. Chị vừa thở dài, vừa cười:

- Thời con gái làm với ba mẹ, lớn lên đã cố trốn cái nghề ni rồi, nhưng hình như nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề.

Chẳng có ý định giấu nghề, cứ thoăn thoắt đến công đoạn nào chị Lài lại giải thích đến đó. Với mức lửa cháy hết cỡ, mỗi mer đậu rang cùng đường mất 10 phút. Vừa đảo đậu vừa cắt kẹo ra từng thanh nhỏ và xếp tiếp 4 cái bánh tráng to vào chỗ vừa cắt kẹo xong. Đậu chín, đổ lên bánh tráng rồi dùng chiếc thìa to gần bằng cái thuổng mini rải đều; sau đó lại bắc nồi đậu khác lên bếp trước khi cắt kẹo. Vừa cắt kẹo bằng chiếc dao to, chị Lài vừa giải thích: “Chỉ cần chậm một chút kẹo sẽ dòn, khi cắt bị vỡ vụn nên mọi công đoạn phải nhịp nhàng.”.  Cơ sở Thành Trung hiện sản xuất 3 loại kẹo đậu phụng. Loại mà tôi được chứng kiến hôm đó là kẹo kẹp, tức kẹp đường và đậu vào bánh tráng và cắt ra từng miếng. Hai loại còn lại là kẹo lột và kẹo dừa. Sản phẩm phân phối chủ yếu ở chợ Bến Ngự và chợ Tây Lộc. Bình quân, mỗi ngày cơ sở của chị Lài dùng 50kg đậu, với 25 kg đường. Kẹo đậu phụng để lâu sẽ bị hôi dầu nên chỉ sản xuất vừa đủ cung cấp. Chị Lài cho biết, trước đây cơ sở của chị cần từ 7 đến 10 nhân công, nhưng từ ngày có sự hỗ trợ của máy móc chị chỉ cần thêm hai người phụ, bình quân mỗi tháng trừ chi phí, lợi nhuận được hơn 10 triệu đồng, vẫn chung thủy với nghề được.

Hơn 10 năm thành lập cơ sở riêng, vợ chồng chị Lài tích lũy xây được căn nhà khang trang, sắm được 2/3 số lượng máy móc để sản xuất 3 sản phẩm kẹo đậu phụng nói trên và phấn đấu sẽ sắm thêm máy rang đậu trị giá hơn 40 triệu đồng. Điều tôi cảm nhận được ở cơ sở sản xuất nhỏ này là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tốt. Không gian sạch sẽ, nguyên liệu sản xuất kẹo đậu phụng chẳng liên quan đến bất kỳ loại hóa chất nào. Tôi không ngại ngùng đút miếng kẹo vỡ vào miệng. Độ dòn, bùi và mùi thơm của đường, đậu vẫn như xưa dù lâu lắm tôi mới ăn lại kẹo đậu phụng sản xuất trên quê hương mình. Chỉ cần trau chuốt về hình thức để sản phẩm nhìn hấp dẫn hơn thì tại sao không nghĩ đến chuyện đưa kẹo đậu phụng của Huế đến với khách du lịch?

Bài, ảnh: Lan Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top