ClockThứ Bảy, 18/01/2020 06:45

Kết hợp bậc phổ thông và đại học trong giáo dục hướng nghiệp

TTH - Trong khi các trường phổ thông gặp khó trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) thì các trường đại học (ĐH) lại thừa khả năng, nguồn lực để đáp ứng. Kết hợp các đơn vị ở hai bậc học trong GDHN không chỉ mang lại lợi ích cho người học mà còn hỗ trợ công tác tuyển sinh.

“Sinh viên ĐH Huế sẽ có cơ hội việc làm với thu nhập tốt”Sinh viên ĐH Huế có cơ hội thực hành nông nghiệp công nghệ cao tại Israel

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ tham quan phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tại Viện Công nghệ sinh học ĐH Huế

Khó khăn trong hướng nghiệp

Ông Phan Tấn Trường, Phó Trưởng phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trăn trở, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sắp được áp dụng. Tuy nhiên, với 105 tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong mỗi năm học (mỗi lớp) còn nhiều vấn đề băn khoăn khi mối liên hệ với doanh nghiệp và các trường ĐH còn hạn chế.

Công tác GDHN tại các trường lâu nay gặp không ít khó khăn. Cán bộ các trường giỏi chuyên môn nhưng thiếu đội ngũ đảm trách việc tư vấn hướng nghiệp, do đó hoạt động GDHN vẫn còn mang tính hình thức, chưa chuyên sâu. Đáng nói, cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động GDHN tại các trường trung học phổ thông (THPT) còn hạn chế, các trường chưa có nhiều điều kiện để mời chuyên gia, doanh nghiệp nói chuyện với học sinh.

Một số giáo viên nêu ví dụ, chẳng hạn GDHN ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt nhưng nhiều em cũng chỉ biết các cây, con qua tranh, mô hình, khi gặp thực tế chưa nhận biết được. “Giờ GDHN thường được giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu vì họ có kinh nghiệm hơn. Song, các thầy cô cũng chưa được đào tạo bài bản về GDHN nên hiệu quả còn giới hạn”, ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ trăn trở.

Khó khăn trong GDHN nảy sinh nhiều vấn đề. Theo ThS. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế, số liệu thống kê chung ở nhiều trường cho thấy, tỷ lệ sinh viên bỏ học sau năm 1 tăng cao những năm gần đây, ở mức 10 – 30%. Tại Trường ĐH Nông lâm, thực trạng sinh viên bỏ học, nhất là năm 1 cũng là vấn đề đáng lo.

Theo PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Nông lâm, nguyên nhân của vấn đề trên do học sinh chưa được định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi vào học gặp khó khăn, bỡ ngỡ. Sinh viên không đam mê với nghề thì khó gắn bó lâu dài.

Sẽ kết hợp

Đầu năm 2020, Trường ĐH Nông lâm cùng Sở GD&ĐT đã thảo luận vấn đề phối hợp trong GDHN THPT trên địa bàn. Trong đó, dự kiến năm 2020 sẽ triển khai các hoạt động trải nghiệm và giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Theo đại diện Trường ĐH Nông lâm, thời gian qua, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, như Gia Hội, Cao Thắng, Phan Đăng Lưu, Đăng Huy Trứ… đã đến tham quan cơ sở học tập, thực hành của nhà trường. Song, hoạt động trên chỉ mới dừng lại hiệu quả ban đầu. Với định hướng GDHN cho học sinh, nhà trường sẽ cử chuyên gia của từng ngành nghề nói chuyện, đồng thời mời chuyên gia từ các doanh nghiệp về chia sẻ với học sinh.

“Ngoài cho học sinh tham quan, trực tiếp trải nghiệm tại các cơ sở thực hành, phòng thí nghiệm và tham gia ngày hội việc làm, chúng tôi còn mời cựu sinh viên, đại diện doanh nghiệp là người của địa phương am hiểu phong tục, tập quán của địa phương để nói chuyện với học sinh. Đặc biệt, sẽ tập trung định hướng vấn đề giới trong chọn nghề; nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động…”, đại diện Trường ĐH Nông lâm chia sẻ.

Việc kết hợp giữa hai bậc học, cụ thể là các trường ĐH cùng các trường THPT trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu rõ ngành nghề và môi trường học tập trước khi lựa chọn đăng ký thi, xét tuyển ĐH, qua đó sẽ giảm nguy cơ bỏ học ở bậc ĐH. Bên cạnh đó, trường ĐH cũng thuận lợi hơn trong công tác quảng bá ngành nghề và giảng dạy sau này.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, mô hình trên rất hay và được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Điểm đặc biệt là sự kết hợp này đúng theo quan điểm giáo dục hiện nay mà Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo và ngành giáo dục tỉnh cũng đang triển khai là đổi mới căn bản giáo dục hướng đến chuyển từ giáo dục truyền thống sang phát triển phẩm chất năng lực người học.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, thuận lợi từ sự kết hợp trên mọi người đều thấy nhưng chưa phát huy được. Lý do là lâu nay, giữa ĐH Huế, các trường ĐH và ngành giáo dục vẫn chưa có sự liên kết tốt. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được khắc phục khi ĐH Huế và Sở GD&ĐT định hướng sẽ có những thỏa thuận hợp tác trong năm 2020.

Theo ông Tân, hiện Huế có rất nhiều ngành nghề, cơ sở giáo dục ĐH có thể kết hợp các trường phổ thông để đẩy mạnh GDHN cho học sinh. Chương trình giáo dục địa phương không chỉ dạy văn hóa, lịch sử địa phương mà còn kinh tế, nông nghiệp... Đây là chương trình được Bộ GD&ĐT đưa vào chiếm 10% trong chương trình GDPT 2018. Vì vậy, việc kết hợp giữa ĐH và các trường phổ thông không chỉ giải quyết vấn đề trước mặt về GDHN, chuẩn bị cho chương trình GDPT 2018 sắp được áp dụng mà còn tác động tích cực về mặt tuyển sinh.

Đại diện lãnh đạo ĐH Huế cho biết, với mục tiêu hợp tác mang lại lợi ích cho các bên, nhất là người học, thời gian tới ĐH Huế sẽ có những ký kết để có những mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hai bậc học, qua đó tạo điều kiện liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường ĐH và các trường THPT.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng trăm học sinh trải nghiệm ngành học văn hóa nghệ thuật

Hơn 500 học sinh khối THCS trên địa bàn TP. Huế đã tham gia chương trình trải nghiệm - hướng nghiệp các ngành học liên quan đến văn hóa, nghệ thuật được Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng 17/3.

Hàng trăm học sinh trải nghiệm ngành học văn hóa nghệ thuật
​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

TIN MỚI

Return to top