ClockThứ Hai, 10/12/2012 11:30

Khá lên nhờ rừng

TTH - Gần ba mươi năm rồi, bây giờ xã Lộc Hòa (Phú Lộc) không còn là vùng đất ngày nào của những người dân đầu tiên ở xứ Truồi lên khai hoang lập nghiệp...

Nhờ rừng mới hết khổ

Mùa này lên Lộc Hòa tìm gặp những người nằm trong độ tuổi lao động hơi bị khó. Ngay từ sáng bà con đã lên đồi, vào rẫy chăm nom, vun xới cho những cánh rừng keo, rừng tràm. Nhờ anh Nguyễn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa liên lạc, chúng tôi mới gặp một số người dân trên “đại bản doanh” của họ. Người đầu tiên là ông Trần Quang Hùng, quê gốc ở Lộc Điền, hiện là một thủ lĩnh đi đầu trong mô hình trồng rừng ở Lộc Hòa. Nhiều người ở đây thừa nhận ông “đại gia” trồng rừng có tiếng và đang làm chủ nhiệm HTX Thanh niên Lộc Hòa-sở hữu một đội thuyền không nhỏ, chuyên làm dịch vụ đưa đón khách qua lại hồ Truồi thăm thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. “Ngày tôi bước chân đến Lộc Hòa cực lắm. Nơi đây được ví vùng đất “chó ăn đá”, buồn và hiu quạnh. Ngày ngày lên rừng làm than làm củi đưa về chợ Truồi bán kiếm sống”. Ông Hùng nhớ về ngày khó đã qua...” Nhưng chuyện đó đã trôi về hơn 25 năm trước. Bây giờ hầu như bà con ở đây hết khổ rồi”. Ông Hùng khẳng định....

Một góc vườn ưom cây giống keo tràm của xã Lộc Hòa

Ông Hùng đưa tôi đến thôn 5 gặp ông Nguyễn Văn Minh, người thuộc thế hệ đầu cắm chốt ở Lộc Hòa sau ngày giải phóng. Ông Minh từng là cán bộ xã Lộc Hòa, nhờ tính chăm chỉ, chịu khó lao động nên đến giờ ông sở hữu được quỹ đất rừng kha khá, tạo nguồn thu nhập ổn định khi tuổi đã về chiều. Vừa bước vào, chúng tôi ấn tượng ngôi nhà khang trang trông hệt như một ngôi biệt thự hạng sang ở khu đô thị mới TP Huế. Như bắt được ý của khách, ông Minh cười khì khì: “Nhà đẹp nhà to bây giờ ở Lộc Hòa không phải là chuyện lớn...” Nói chưa dứt lời, ông đi thẳng vấn đề, ngày trước cả gia đình bám đất, bám đồi trồng rừng, nhưng bây giờ vì neo người, việc trồng rừng gia đình đều thuê hết. Hiện tại, gia đình chỉ còn trồng hơn 6 ha rừng keo lai, từ 1 đến 4 tuổi. Theo cách tính của ông, nếu không kể đất thì để đầu tư trồng mới cho 1ha rừng khoảng 10 triệu đồng. Sau chu kỳ khoảng 5 năm tiến hành thu hoạch, trừ chi phí, lãi mỗi ha ít nhất cũng được 40 triệu đồng... Ông Minh chắc cú: “Tất cả nhờ rừng hết chú ơi. Nếu không có rừng gia đình tôi không được như hôm nay”

Bây giờ những người lên Lộc Hòa thế hệ đầu nay đều khấm khá nhờ rừng. 100% đã ở nhà xây, con cái được học hành tử tế. Rất nhiều gia đình trước đây thuộc hộ nghèo nhưng nhờ trồng rừng, họ trả được nợ, mua sắm đồ dùng gia dụng và còn trang bị phương tiện phục vụ trồng rừng như máy đào, xe cẩu, cưa xẻ gỗ, thậm chí có hộ sắm cả xe tải để vận chuyển gỗ đến nơi tiêu thụ. Trường hợp như lời ông Trần Quang Hùng kể ở thôn 1 xã Lộc Hòa có anh Nguyễn Thanh Bình, một thanh niên trẻ nghèo nhưng bây giờ đã gầy dựng trang trại trồng rừng lớn nhất trong vùng. Tài sản hữu hình mà ông Hùng tính sơ về Bình hiện có khoảng hơn 20 ha; trong đó mỗi năm đưa vào thu hoạch khoảng 5 ha; 2 chiếc xe vận chuyển gỗ, 1 xe múc. Chưa kể, người thanh niên này còn nuôi bò, dê, heo... trong trang trại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định trên địa bàn.

“Cú hích” để xây dựng NTM

Nhằm tạo địa chỉ cung cấp cây giống chất lượng, mới đây, Lộc Hòa xây dựng vườn ươm giống rộng 2500m2, gồm dàn mái, hệ thống tưới, bể chứa, máy điện với kinh phí 72 triệu đồng; trong đó Chính phủ Phần Lan hỗ trợ 42 triệu đồng, số còn lại ở địa phương đóng góp. Từ ngày vườn ươm cây giống của xã ra đời, đã giải quyết ổn định lượng giống cho người dân địa phương. Sắp đến, người trồng rừng ở đây không phải xuôi ngược tìm cây giống sau khi mùa vụ thu hoạch rừng kết thúc.

Ông Trần Quang Hùng thông tin, hiện trên địa bàn có 2.494 ha đất lâm nghiệp; trong đó, có 1.530ha đã được giao cho các tổ chức, hộ gia đình quản lý, sử dụng. Rừng của hộ gia đình cá nhân quản lý hơn 964ha. Ngoài ra, nhiều diện tích đất trước đây được bà con khai hoang làm vườn nhưng sản xuất kém hiệu quả nên đang dần được chuyển thành đất trồng rừng kinh tế.

Từ năm 2001, người dân Lộc Hòa có nguồn thu đáng kể về rừng trồng. Cuối năm 2005, với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án; đặc biệt là dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3), bà con được tiếp cận các nguồn vốn lãi suất thấp, được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc rừng. Đến nay, ở Lộc Hòa có nhiều hộ đã sở hữu hơn 20ha rừng, hộ thấp cũng đạt 0,5ha; còn lại bậc trung khoảng từ 5-7ha. Có rừng, bà con không chỉ trồng gỗ nguyên liệu mà còn kết hợp để phát triển thêm kinh tế trang trại, gia trại. Cũng từ rừng, Lộc Hòa giải quyết lượng lao động khá lớn ở địa phương. Hôm chúng tôi lên Lộc Hòa không còn nghe người dân thất nghiệp. Mùa nào việc nấy, hầu như người lao động đều được thuê làm quanh năm-mùa mưa thì chăm sóc bón phân, mùa nắng thì phát quang, nhổ cỏ... Trung bình, thu nhập của lao động từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa Nguyễn Hiểu cho biết, Lộc Hòa đang hướng tới tạo bước đột phá để đẩy mạnh tốc độ phát triển rừng kinh tế đi kèm với các dịch vụ của rừng. Đồng thời, phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo hướng thâm canh và bán thâm canh, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Toàn xã hiện còn 16% hộ nghèo. Số này chỉ rơi vào trường hợp người già neo đơn, đau ốm, không có sức lao động. Hiện xã đang phấn đấu xây dựng NTM, nhưng trong các chỉ tiêu quan trọng về NTM mà Lộc Hòa đang lo là vấn đề thu nhập đầu người. Với thế mạnh của vùng đồi, núi, xã phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm và tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%. Đến lúc đó, Lộc Hòa không còn vùng đất khó, đất nghèo của huyện Phú Lộc.

Tuy nhiên, theo anh Hiểu, ngoài sự nỗ lực cuả cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương mong muốn, trước hết các tổ chức ban, ngành chức năng tỉnh, huyện xem xét cấp thêm một số diện tích đất rừng mà lâu nay bà con chưa có để có điều kiện sản xuất. Thứ nữa, Lộc Hòa tiếp tục có nhiều dự án để hỗ trợ phát triển làm giàu kinh tế rừng. Và cuối cùng, trợ giúp cho bà con đẩy mạnh chuyển đổi thêm cây trồng vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đi cùng những cánh rừng tràm, rừng keo hiện có đang xanh tốt ở nơi đây...

Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top