ClockThứ Ba, 17/11/2020 08:56

Khắc phục hư hỏng đê bao, ao hồ thủy sản

TTH - Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, có đến hàng ngàn ha ao hồ bị bồi lấp, đê bao bị hư hỏng nặng, nhiều thủy sản, giống bị cuốn trôi, ước thiệt hại trên 30 tỷ đồng; đồng thời cần khoảng 20-25 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Quảng Điền: Ao hồ nuôi thủy sản có nguy cơ bỏ hoangNuôi trồng thủy sản đối mặt với biến đổi khí hậu, ô nhiễm

Trung tâm Sản xuất giống thủy sản Vân Nam khôi phục sau lũ

Hỗ trợ giống, sửa chữa ao hồ

Ông Hồ Xuân Viên ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) chia sẻ, nhiều năm trở lại đây, chưa năm nào ao hồ nuôi thủy sản bị hư hại nặng như đợt lũ lụt vừa qua. Bờ bao 4 ao hồ nuôi tôm sú xen ghép của gia đình đều bị sạt lở nặng; một lượng lớn đất cát, bùn bồi lấp nghiêm trọng.

Ông Viên dự định thuê máy cơ giới mới có thể xử lý bồi lấp, đắp lại đê bao ao hồ. Chi phí gia cố, sửa chữa đê bao và nạo vét 4 ao hồ dự kiến khoảng 30-40 triệu đồng. Khó khăn hiện nay đối với ông Viên và các hộ nuôi thủy sản là kinh phí sửa chữa ao hồ, mua con giống và một số chi phí đầu vụ.

Từ nhiều năm nay, lũ lụt thường gây thiệt hại lớn về đê bao, ao hồ thủy sản nhưng gia đình ông Viên cũng như các hộ nuôi hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Tính đến thời điểm này, người dân vẫn chưa có thông tin về hỗ trợ khắc phục thiệt hại ao hồ thủy sản do các đợt bão, lũ vừa qua.

“Sau bão, lũ, nông dân thường được hỗ trợ giống lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, riêng thủy sản không được hỗ trợ. Trong khi, ao hồ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại lớn; nuôi thủy sản nước lợ như tôm, cua, cá đặc sản thường chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc men, điện nước rất lớn. Mong rằng các cấp, ban ngành quan tâm hỗ trợ người dân một phần kinh phí, con giống, khắc phục thiệt hại thiên tai”, ông Viên kiến nghị.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin, trên địa bàn thị trấn có khoảng 65 ha nuôi tôm sú, thủy sản xen ghép đều bị lũ lụt gây sạt lở đê bao, bồi lấp. Các hộ phải chi phí dự tính hàng tỷ đồng để gia cố, sửa chữa đê bao, nạo vét ao hồ. Trước mắt, thị trấn Sịa vận động người dân tự đầu tư kinh phí sửa chữa các công trình, kịp thời cho vụ nuôi mới. Chính quyền địa phương sẽ rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình thiệt hại của từng hộ, đồng thời đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành có sự hỗ trợ cho các hộ nuôi.

Lãnh đạo thị trấn Thuận An (Phú Vang), cho rằng, có đến hàng chục ha ao hồ nuôi thủy sản xen ghép, tôm sú bị sạt lở là gánh nặng đối với các hộ nuôi sau lũ lụt. Trong khi các vụ nuôi năm nay bị ảnh hưởng các yếu tố môi trường, dịch bệnh, nắng hạn khiến thủy sản chết, nhiều hộ thất thu. Ngoài hỗ trợ khắc phục hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi, các hộ cần được hỗ trợ kinh phí nạo vét, sửa chữa ao hồ, mua con giống... cho vụ nuôi mới.

Cần 20-25 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Trần Thanh Long đánh giá, các đợt bão, lũ vừa qua khiến hệ thống đê bao, kênh mương, ao hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện bị sạt lở, hư hỏng nặng. Triều cường dâng cao cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nên toàn bộ ao hồ cao triều, hạ triều ngập hoàn toàn với diện tích 1.465 ha; phần lớn diện tích ao hồ này đều bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp. Lãnh đạo huyện cùng với các ban ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra và yêu cầu các hộ nuôi tiến hành sửa chữa, khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, ngân sách của huyện còn hạn chế nên cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành để khắc phục hệ thống đê bao, thủy lợi, ao hồ thủy sản.

Bão, lũ kết hợp triều cường khiến hạ tầng tại một số trại giống thủy sản trên địa bàn huyện Phú Vang bị sóng cuốn trôi. Tại Trung tâm sản xuất, ương giống thủy sản Vân Nam bị sạt lở, cuốn trôi nhiều bể ương và hàng vạn con tôm giống. Trại giống thực nghiệm Phú Hải bị tốc mái nặng; ngao giống bố mẹ tại Phú Hải bị trôi ước tính khoảng 70kg (70% tổng đàn). Đàn cá giống tại Trung tâm giống thủy sản Tân Mỹ bị trôi ước tính khoảng 15kg (50% tổng đàn) do vỡ hồ.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, đến nay vẫn chưa thống kê đầy đủ, chính xác diện tích ao hồ, đê bao nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, bồi lấp do một số nơi vẫn còn ngập. Đánh giá bước đầu cho thấy, có đến hàng ngàn ha ao hồ bị bồi lấp, đê bao bị hư hỏng nặng, nhiều thủy sản, giống bị cuốn trôi, ước thiệt hại trên 30 tỷ đồng; đồng thời cần khoảng 20-25 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương đánh giá các công trình, mức độ thiệt hại nhằm đề xuất các cấp, ngành đầu tư, hỗ trợ khắc phục kịp thời cho vụ nuôi thủy sản sắp đến.

Các đợt bão, lũ lớn còn làm đàn cá bố mẹ tại Trung tâm Giống thủy sản tỉnh bị trôi, ước khoảng 20kg (50% tổng đàn); cá giống (2-3cm/con) chờ nghiệm thu bị trôi khoảng 8000-10.000 con. Tại Hương Thủy có 34 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt bị trôi. Ao hồ nuôi tôm xem ghép chưa thu hoạch tại xã Giang Hải (Phú Lộc) bị ngập, hư hỏng với diện tích 223 ha (thiệt hại từ 25-30%). 14 ha ao hồ nuôi cá ở A Lưới bị vỡ, cuốn trôi. 2 hồ nuôi ốc hương tại xã Điền Hương (Phong Điền) với diện tích 1.000 m2, nuôi 4,5 tháng (250 con/kg) bị chết với số lượng khoảng 1,5 tấn; 12 lồng nuôi cá nước lợ, 1 ha ao nuôi cá nước ngọt tại xã Điền Hòa (Phong Điền) bị hư hỏng và thất thoát…

Bài, ảnh: HẢI TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc

Sáng 31/3, chính quyền địa phương các huyện A Lưới, Phong Điền đã huy động lực lượng dân quân địa phương, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái.

Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Return to top